Cấp bách hoàn thiện, triển khai hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hôịTại khoản 2, Điều 3 Quy định 144/TW ngày 9.5.2024 của Bộ Chính trị về 'Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới' đã khẳng định '... không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân'. Trong bài viết 'Chống lãng phí', Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh '... công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách'. Trong đó, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh, chống lãng phí trong việc sử dụng nhân lực, rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị lao động Việt Nam.

Chống lãng phí lao động là vấn đề có ý nghĩa chiến lược

Lao động là nhân tố đặc biệt quan trọng sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần của xã hội. Bởi vậy, tiết kiệm, chống lãng phí lao động là quyết sách hàng đầu trong công cuộc phòng, chống mọi thứ lãng phí ở mọi nơi, mọi lúc và mọi thời đại. Trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, chúng ta không chỉ kém xa về điều kiện của cải vật chất mà còn kém xa rất nhiều lần về lực lượng lao động - nhân lực so với các cường quốc xâm lược đất nước ta. Nhưng nhờ biết tiết kiệm lao động, biết tổ chức lao động khoa học nên khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Có thể nhìn lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở giai đoạn gay go, ác liệt nhất cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước mà chúng ta đã vượt qua và đi đến thắng lợi trọn vẹn, hoàn toàn. Vào thời gian đó, dân số hai miền Nam, Bắc nước ta chỉ bằng 1/7 dân số nước Mỹ. Nước Mỹ khi ấy có 110 triệu lao động, còn miền Bắc Việt Nam chỉ có chưa đầy 8 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó nam thanh niên ở độ tuổi tòng quân chỉ có 650 nghìn người. Về vật chất, giá trị tổng sản phẩm hàng năm miền Bắc chỉ bằng một phần nghìn của nước Mỹ...

 Cấp bách hoàn thiện, triển khai hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí

Cấp bách hoàn thiện, triển khai hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí

Để đi đến chiến thắng, trong hàng nghìn bài toán phải tìm ra lời giải thì có bài toán “hàm nhiều biến”, đó là bài toán nhân lực phục vụ cho cả 2 nhiệm vụ chiến lược ở hai miền, trong đó nhân lực cho chiến đấu và phục vụ chiến đấu là yêu cầu hết sức cấp bách. Với gần 8 triệu lao động (trong đó gần 60% là lao động nữ), chúng ta phải cân đối cho tất cả các nhu cầu, mà nhu cầu nào cũng cấp bách. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 161/NQ/TƯ ngày 30.6.1967 về Công tác lao động.

Nội dung cơ bản của Nghị quyết trên là đề cao kỷ luật lao động, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lao động xã hội. Nghị quyết chỉ rõ, “Trong xã hội ta, mỗi giờ làm việc, mỗi ngày lao động không chỉ có giá trị làm ra của cải cho xã hội, mà còn là sự cống hiến năng lực của mọi người quyết tâm chống Mỹ, cứu nước. Lãng phí lao động không chỉ làm lãng phí của cải vật chất của xã hội, mà còn xâm phạm đến tinh thần và nghĩa vụ thiêng liêng của mọi người đối với Tổ quốc...Tiết kiệm lao động (lao động sống và lao động quá khứ)... chẳng những là một nguyên tắc, một kỷ luật lao động, mà còn là một trong những tiêu chuẩn đạo đức của người lao động dưới chế độ xã hội chủ nghĩa”(1).

Thực thi nghiêm ngặt Nghị quyết quan trọng này, vận dụng nhuần nhuyễn các nguyên lý tổ chức lao động khoa học và phân tích đầy đủ các căn cứ thực tiễn sản xuất và chiến đấu, tiền tuyến và hậu phương, tương quan nhân lực giữa đối phương và ta (trong đó đánh giá chính xác, đúng đắn sức mạnh tinh thần, lòng yêu nước cháy bỏng, vô hạn của nhân dân ta), Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đã giải đáp bài toán lao động thời chiến bằng các quyết sách cơ bản sau:

Mộtlà, vừa phải bảo đảm lực lượng lao động cho sản xuất, vừa ra sức thỏa mãn nhu cầu bổ sung con số cho các lực lượng vũ trang trong mọi tình huống với tinh thần “Tiền tuyến gọi, hậu phương đáp lời” không phút giây chậm trễ.

Hailà, phải bảo đảm đầy đủ sức lao động cho sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Phải thấu suốt vị trí rất quan trọng của nông nghiệp, nông thôn thời chiến, vừa bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân và dân ta ăn no, đánh thắng, vừa là nguồn nhân lực chủ yếu để bảo đảm lao động cho chiến đấu và bổ sung cho các ngành sản xuất khác.

Balà, phải cung ứng nhân lực đầy đủ cho nhu cầu bảo đảm giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống với tinh thần “địch đánh, ta cứ đi”.

Bốnlà, đối với các tỉnh khu IV cũ và các vùng xung yếu (vùng ven biển, các trục giao thông quan trọng, các địa bàn địch thường xuyên đánh phá, hủy diệt) phải bảo đảm đủ lao động dự trữ để sẳn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Nămlà, huy động và sử dụng với hiệu quả cao sức lao động của mọi lớp người, nhất là lực lượng lao động trai trẻ; sử dụng hợp lý lực lượng lao động đông đảo phụ nữ tham gia sản xuất và chiến đấu.

Sáulà, phải triệt để tiết kiệm lao động, lấy việc tăng năng suất lao động, hiệu suất công tác làm biện pháp hàng đầu để hoàn thành tốt nhiệm vụ, khắc phục tối đa tình trạng lãng phí sức lao động và thời gian lao động (đây vừa là nhiệm vụ, vừa là phương châm, vừa là nguyên tắc, đồng thời vừa là thước đo hiệu quả sử dụng sức lao động).

Các nội dung về công tác lao động thời chiến nói trên được Chính phủ cụ thể hóa bằng các con số định lượng trong các bảng cân đối lao động xã hội rất khoa học theo nhiều phương án linh hoạt ứng với mỗi tình huống có thể xảy ra trong quá trình diễn biến của chiến tranh.

Chỉ riêng bộ đội, nếu các năm 1965-1967, miền Bắc đưa vào miền Nam 101.590 cán bộ, chiến sĩ, thì riêng năm 1968, con số đó là 140.000 người, tất cả đều là quân chủ lực. Đương nhiên càng cuối cuộc chiến yêu cầu nhân lực cho chiến trường càng cao và miền Bắc thực thi triệt để với tinh thần, “Tiền tuyến gọi, hậu phương đáp lời” không phút giây chậm trễ... Cuộc chiến lâu dài, gian khổ kết thúc, chúng ta có ngày vui đại thắng 30.4.1975, còn đối phương vừa vô cùng sửng sốt, vừa vô cùng khâm phục minh triết, trí tuệ con người Việt Nam...

Như vậy, vấn đề chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, mà trước hết là tiết kiệm, chống lãng phí lao động là vấn đề có chiều dài lịch sử, có vị thế lớn lao, có tầm cỡ chiến lược đã góp phần vô cùng to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục đồng hành trong dựng xây đất nước

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh giá tổng quát kết quả tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian qua. Song, cũng chỉ rõ, thực trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến trên diện rộng dưới các dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển của đất nước. Trong đó, lãng phí gây suy giảm nguồn nhân lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, gây suy giảm lòng tin, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước...

Để khắc phục những khuyết điểm, tồn tại trên, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ 4 nhóm giải pháp bao quát, toàn diện đi từ nhận thức đầy đủ vấn đề đến hành động cụ thể, quyết liệt: Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Thứ hai, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Thứ ba, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo Nhân dân và phát triển đất nước. Thứ tư, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.

Theo 4 nhóm giải pháp trên, chúng ta phải xử lý hàng loạt các công việc cụ thể, trong đó:

Một là, chỉ ra cho được “địa chỉ” các vụ lãng phí để xử lý. Có những cây cầu xây dựng xong nhiều năm rồi nhưng chỉ vì vài trăm mét đường dẫn ở hai đầu cầu chưa làm mà cầu không lưu thông được. Có hàng trăm công trình như trường học, bệnh viện, nhà ở xã hội, nhà tái định cư... đã hoàn thành mà không đưa vào sử dụng trong khi nhu cầu vô cùng bức thiết. Có biết bao dự án đã được “chuẩn y” mà hàng chục năm trời vẫn để hàng nghìn ha đất ở những vị trí đắc địa bị hoang hóa...

Hai là, phải tập hợp cho được lực lượng chống lãng phí hành động theo một hướng “tấn công”. Đáng lưu ý là, trong chống lãng phí có tình trạng một số người dân lại được “thụ hưởng” hệ quả của sự lãng phí. Chẳng hạn, do quản lý không chặt chẽ nên rất nhiều đất đai của các nông, lâm trường đã bị người dân địa phương chiếm dụng nhiều năm và đang là vấn đề bức xúc, nan giải. Hoặc là, đất của cơ quan để không, một số người lấn chiếm xây nhà ở, làm chỗ sản xuất kinh doanh; có đơn vị quản lý tài sản công lỏng lẻo nên người trong đơn vị thoải mái sử dụng như phương tiện nhà mình... Các hiện tượng đó làm cho lực lượng chống lãng phí ít nhiều bị phân tán. Do đó tập hợp lực lượng chống lãng phí nhất tề hành động là một nhiệm vụ quan trọng khởi đầu.

Ba là, kinh điển đã chỉ ra rằng, tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian lao động. Nhưng thực tế cho thấy, lãng phí thời gian lao động đang mang tính chất phổ biến, cả tập thể và cá nhân ở khu vực hành chính, sự nghiệp công. Tại khoản 3, khoản 4 Điều 55 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (hiện hành) đã quy định rõ, việc sử dụng lao động, thời gian lao động phải trên cơ sở tổ chức công việc hợp lý, khoa học, hiệu quả và gắn với cải cách hành chính. Cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải xây dựng kế hoạch sử dụng thời gian lao động, xử lý công việc phù hợp; xây dựng quy định về kỷ luật lao động phù hợp với quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức.

Theo quy định của Nhà nước - Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17.9.1999 về Thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ (đây là chế độ làm việc thường xuyên), Điều 1 của Quyết định nói rõ, “Nay quy định chế độ làm việc 40 giờ trong 5 ngày, nghỉ thứ 7 và chủ nhật hàng tuần đối với cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là đơn vị)”. Cho đến nay, Quyết định số 188 của Nhà nước vẫn nguyên hiệu lực thi hành. Nhưng từ lâu chưa rõ từ đâu mà nhiều đơn vị (cả ở Trung ương và địa phương) lại thực hiện chế độ thời gian làm việc 6,5 giờ/ngày chia 2 buổi rõ rệt (buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút; buổi chiều từ 14 giờ đến 17 giờ), tức là tuần làm việc 32,5 giờ. Đó mới chỉ nói đến thời gian có mặt, chưa phân tích đến thời gian tác nghiệp, thời gian hiệu quả công việc.

Cũng phải nói thêm rằng, “chế độ” làm việc 6,5 giờ/ngày là chế độ làm việc không thườngxuyên tại các đại hội, hội nghị, hội thảo của các đơn vị, kỳ họp của các cơ quan dân cử. Chế độ làm việc không thường xuyên là do các hội nghị, hội thảo, đại hội của các đơn vị tự quyết định, luật pháp không quy định. Việc “ngẫu nhiên nhầm lẫn” chế độ thời gian làm việc, lấy chế độ không thường xuyên thay cho chế độ thường xuyên đã lãng phí một số lượng thời gian lao động vô cùng lớn. Nếu cộng thêm cả thời gian làm việc kém hiệu quả thì càng lớn. Bởi vậy, biện pháp đầu tiên trong tiết kiệm thời gian lao động là, nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc quy định chế độ thời gian làm việc của Nhà nước, tuần làm việc 40 giờ và người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm theo đúng quy định tại Điều 55 của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Tệ nạn tham nhũng đã làm cho đất nước mất đi một khối lượng tiền bạc, của cải rất lớn; lãng phí có tính chất phổ biến cũng làm phung phí một lượng vật chất không nhỏ cùng thời gian tiêu hao lao động vô bổ khá lớn. Tất cả đã để lại những hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy, cấp bách thể chế hóa, cụ thể hóa và đồng bộ hóa để thực thi tốt nhất, hiệu quả nhất 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư đã xác định với tinh thần “chống lãng phí như chống tham nhũng”, nhất định tệ nạn xa hoa, lãng phí sẽ từng bước bị đẩy lùi.

-----------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Tập 28 (1967), trang 346, 358, Hà Nội 2003.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cap-bach-hoan-thien-trien-khai-hieu-qua-the-che-phong-chong-lang-phi-post395244.html
Zalo