Đại học Huế: Tiếp tục khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế
Năm thứ 2 liên tiếp Đại học Huế nằm trong bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới THE cho thấy, chất lượng và thương hiệu của Đại học Huế đang ngày càng được khẳng định.
Mới đây, Tạp chí báo cáo cụ thể về tin tức và các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học Times Higher Education (THE) vừa công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới năm 2024 (THE World University Rankings 2024). Theo đó, Đại học Huế tiếp tục lần thứ 2 duy trì vị trí 1.501+ và là 1 trong 6 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng này. Ngoài Đại học Huế, còn có Trường đại học Duy Tân, Trường đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Bảng xếp hạng THE 2024 gồm 1.904 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng đến từ 108 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm nay, THE sử dụng phương pháp xếp hạng WUR 3.0; trong đó, có một số tiêu chí được điều chỉnh so với THE 2023. Mặc dù THE tăng trọng số cho các tiêu chí về nguồn thu từ chuyển giao công nghệ và giảm trọng số với các tiêu chí về giảng dạy và kết quả nghiên cứu, việc Đại học Huế vẫn giữ được thứ hạng cho thấy có sự gia tăng tốt các kết quả về đào tạo và nghiên cứu.
THE là một trong 3 tổ chức xếp hạng đại học có uy tín, nhiều năm kinh nghiệm và sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới, bên cạnh bảng xếp hạng của Quacquarelli Symonds (Anh) và Shanghai Ranking Consultancy (Trung Quốc). Tổ chức này bắt đầu xếp hạng đại học từ năm 2004.
Trước đó, tháng 6/2023, THE cũng công bố bảng xếp hạng đại học châu Á 2023 (THE Asia University Rankings 2023). Đại học Huế lần đầu vào bảng xếp hạng đại học châu Á này, với thứ hạng 601+. Bảng xếp hạng THE châu Á 2023 có 669 cơ sở giáo dục đại học từ 31 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng. Xếp hạng đại học châu Á sử dụng 13 tiêu chí, như xếp hạng đại học thế giới, nhưng có hiệu chỉnh để phù hợp với đặc điểm của các cơ sở giáo dục đại học khu vực.
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế chia sẻ, thời gian qua, việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo được Đại học Huế quan tâm hàng đầu. Trong quá trình phát triển, có một kênh đối sánh vô cùng quan trọng là xếp hạng đại học. Khi đã được xếp hạng bởi các tổ chức uy tín hàng đầu thế giới, đó là sự công nhận, khẳng định uy tín, chất lượng của cơ sở đào tạo đại học, mà Đại học Huế đang làm được điều này.
Khẳng định thương hiệu
THE World University Rankings 2024 đã thay đổi nhiều tiêu chí xếp hạng so với năm 2023, phản ánh môi trường giáo dục đại học hiện tại, khi lĩnh vực này ngày càng mang tính quốc tế. THE đã đổi tên 3/5 nhóm: nghiên cứu, thu nhập từ chuyển giao công nghệ, trích dẫn, lần lượt thành môi trường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và chất lượng nghiên cứu. Các nhóm tiêu chí xếp hạng cũng có mức điểm thay đổi. Chẳng hạn, nhóm tiêu chí giảng dạy và môi trường nghiên cứu lần lượt giảm 0,5 và 1%, xuống còn 29,5 và 29%. Trong khi đó, chuyển giao công nghệ tăng 1,5 lên 4%...
Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế, Đại học Huế thông tin, trong xếp hạng đại học thế giới năm 2024, Đại học Huế được đánh giá rất cao về nghiên cứu khoa học và các công bố quốc tế. Năm học 2022 - 2023, nhiều sản phẩm được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, giấy chứng nhận bản quyền tác giả; sáng chế và 1 giải pháp hữu ích đang được công báo; 13 sản phẩm chuyển giao với kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng; 4 nhóm nghiên cứu mạnh được công nhận, nâng tổng số nhóm nghiên cứu mạnh đã công nhận đến năm 2022 là 48 nhóm.
Đại học Huế đã có nhiều chính sách khuyến khích giảng viên nghiên cứu và công bố kết quả, đặc biệt là triển khai các nhóm nghiên cứu mạnh. Tạo môi trường sinh hoạt học thuật tốt nhất để các giảng viên và sinh viên vừa tham gia. Cùng với đó, Đại học Huế ban hành quy định về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Một tiêu chí khác mà Đại học Huế được chấm điểm cao là hợp tác quốc tế. Thời gian qua, vị thế của Đại học Huế đã được nâng cao thông qua các hoạt động xây dựng mạng lưới đối tác và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Đại học Huế là thành viên tích cực và có trách nhiệm của 20 mạng lưới đại học, tổ chức đào tạo và nghiên cứu quốc tế. Đại học Huế đã ký mới 58 thỏa thuận hợp tác với các cơ sở giáo dục, tổ chức, nâng tổng số thỏa thuận hợp tác quốc tế đang còn hiệu lực lên 204. Năm qua, Đại học Huế đón tiếp 388 đoàn khách quốc tế đến thăm, thảo luận các cơ hội hợp tác, giảng dạy, làm việc, học tập và thực tập. Tổ chức 107 đoàn với 233 lượt các bộ và sinh viên Đại học Huế tham gia các chương trình đào tạo, trao đổi chuyên môn, hợp tác nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục quốc tế.
PGS.TS. Lê Anh Phương nhấn mạnh, Đại học Huế đạt nhiều kết quả trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học; hợp tác quốc tế trong đào tạo nghiên cứu, chuyên giao chương tình, cũng như hợp tác, trao đổi sinh viên và giáo viên ngày càng đi vào chiều sâu. Cùng với đó, về phía người học, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngày càng cao, tỷ lệ sinh viên thăng tiến trong công việc cao, vị thế làm việc không chỉ trong nước mà cả nước ngoài... Điều đó càng khẳng định vị thế ngày càng cao của Đại học Huế. Được công nhận đã khó, duy trì xếp hạng đó sẽ càng khó hơn. Vì vậy, Đại học Huế sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để duy trì và tiến đến mục tiêu thăng hạng. Làm được điều này, góp phần khẳng định thương hiệu Đại học Huế, tiền đề để Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.