Đại học Bách khoa Hà Nội công bố phương án tuyển sinh 2025
Sáng 15/1, Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025. Trong đó có thông tin riêng về kỳ thi đánh giá tư duy của trường.
Ổn định phương thức tuyển sinh
Đại học Bách khoa Hà Nội giữ ổn định tổng chỉ tiêu tuyển sinh, dự kiến 9.680 sinh viên; Giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh: Phương thức xét tuyển tài năng (XTTN) 20%. Phương thức xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy (ĐGTD) 40%. Phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 (THPT) 40%.
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển sinh 65 chương trình đào tạo, trong đó: Số lượng chương trình đại trà (chương trình chuẩn) là 37 chương trình; Số lượng chương trình chất lượng cao - Elitech 23 chương trình
Với xét tuyển tài năng, bao gồm các phương thức sau: Xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển dựa theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.
Đối tượng xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm: Thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2025, đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG), cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; Thí sinh trong đội tuyển Quốc gia tham dự cuộc thi KHKT Quốc tế hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong cuộc thi KHKT cấp Quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức được xét tuyển thẳng vào ngành học phù hợp với lĩnh vực đề tài đã đăng ký dự thi.
Đối tượng xét tuyển theo chứng chỉ Quốc tế là thí sinh có điểm trung bình chung (TBC) học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên; Có ít nhất 1 trong các chứng chỉ Quốc tế sau: SAT, ACT...
Xét tuyển theo Hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn Đối tượng xét tuyển: Thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2025, có điểm TBC học tập các môn có điểm số từng năm học lớp 10, 11 và lớp 12 đạt 8.0 trở lên và đáp ứng một trong những điều kiện sau: Được chọn tham dự kỳ thi HSG Quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức hoặc đoạt giải Nhất, Nhì, Ba hoặc Khuyến khích trong kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh/thành phố do Sở GD&ĐT tổ chức (hoặc tương đương do các Đại học quốc gia, Đại học vùng tổ chức) các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Ngoại ngữ, Tổ hợp trong thời gian học THPT; Được chọn tham dự cuộc thi KHKT Quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức; Được chọn tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức từ vòng thi tháng trở lên; Học sinh hệ chuyên (gồm chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ) của các trường THPT và THPT chuyên trên toàn quốc, các lớp chuyên, hệ chuyên thuộc các Trường đại học, Đại học quốc gia, Đại học vùng.
Đối tượng xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy (TSA): Là thí sinh tham dự kỳ thi Đánh giá tư duy (ĐGTD) do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2025: Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT tổ chức.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng giữ nguyên 10 tổ hợp xét tuyển và môn chính theo các năm trước bao gồm: A00, A01, A02, B00, D01, D04, D07, D26, D28 và D29; Bổ sung 1 tổ hợp mới K01 bao gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Lý/Hóa/Sinh/Tin. Trong đó Toán, Ngữ văn là 2 môn bắt buộc, kết hợp với 1 trong 4 môn Lý hoặc Hóa hoặc Sinh hoặc Tin có nhân hệ số.
Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh VSTEP hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (đăng ký xác thực trên hệ thống, Bảng 1) có thể quy đổi thành điểm môn tiếng Anh khi xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT (tổ hợp A01, D01, D04, D07) và cộng điểm thưởng khi xét tuyển theo phương thức XTTN (diện 1.2, 1.3), xét tuyển theo điểm thi ĐGTD.
Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình FL1 (Tiếng Anh KHKT và Công nghệ), FL3 (Tiếng Trung KH&CN), ngoài các điều kiện cần thiết (theo các phương thức tuyển sinh), thí sinh cần có một trong những điều kiện về trình độ tiếng Anh hoặc Ngoại ngữ tương đương như sau: Có chứng chỉ tiếng Anh VSTEP trình độ B1 trở lên; Có chứng chỉ IELTS (academic) đạt 5.0 trở lên hoặc tương đương; Có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn tiếng Anh đạt từ 6.5 điểm trở lên.
Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế bao gồm TROY-BA, TROY-IT, FL2 (Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế), ngoài các điều kiện cần thiết (theo các phương thức tuyển sinh), thí sinh cần có một trong những điều kiện về trình độ tiếng Anh như sau: Có chứng chỉ tiếng Anh VSTEP trình độ B2 trở lên Có chứng chỉ IELTS (academic) đạt 5.5 trở lên hoặc tương đương.
Ổn định kỳ thi đánh giá tư duy
Với mong muốn mang kỳ thi Đánh giá tư duy của các nước phát triển trên thế giới về với học sinh Việt Nam, trong những năm qua, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu, thiết kế và triển khai tổ chức Kỳ thi Đánh giá tư duy (Thinking Skills Assessment - TSA).
Mục tiêu của Bài thi TSA là đánh giá ba năng lực tư duy nền tảng của học sinh, bao gồm: Tư duy Toán học, Tư duy Đọc hiểu và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề - những yếu tố quan trọng giúp học sinh có thể học tập tốt nhất tại môi trường giáo dục đại học.
Kỳ thi TSA được tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, ứng dụng những công nghệ khảo thí tiên tiến, tiếp cận với các kỳ thi đánh giá tư duy hiện đại trên thế giới, như SAT, ACT...
Để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT và đảm bảo quyền lợi của học sinh, từ năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đã điều chỉnh nội dung và hình thức của bài thi Đánh giá tư duy (TSA) theo hướng gọn nhẹ, xóa bỏ tư duy theo tổ hợp môn học.
Theo đó, tổng thời gian của bài thi gồm 150 phút cho 3 nội dung thi gồm: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với hình thức thi là hoàn toàn trắc nghiệm trên máy tính. Bài thi sẽ được tổ chức nhiều đợt thi trong năm, thí sinh dự thi sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng để xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có nhu cầu.
Cấu trúc và nội dung bài thi Đánh giá tư duy sẽ được giữ ổn định trong nhiều năm tới.
Số đợt thi TSA dự kiến gồm 3 đợt vào các ngày Thứ 7/Chủ Nhật, cụ thể: Đợt 1: Ngày thi 18 - 19/1/2025; Ngày mở đăng ký 1 - 6/12/2024; Đợt 2: Ngày thi 8 - 9/3/2025; Ngày mở đăng ký 1-6/2/2025; Đợt 3: Ngày thi 26-27/4/2025; Ngày mở đăng ký 1 - 6/4/2025.
Địa điểm tổ chức thi: 13 tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, Lào Cai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng.
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 50 cơ sở giáo dục đại học sử dụng để xét tuyển. Các khối ngành có thể sử dụng kết quả Kỳ thi Đánh giá tư duy để xét tuyển đại học: Các khối ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ; Các khối ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng; Các khối ngành y, dược; Các khối ngành công nghiệp, nông nghiệp.