Đại biểu Quốc hội: 'Tự nguyện' cũng không được dạy thêm, thu tiền

Ngoài quy định cấm 'ép buộc' học thêm, hay nộp các khoản tiền ngoài quy định, đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ ngay cả trường hợp phụ huynh, học sinh 'tự nguyện' cũng không được thu tiền.

Sáng 7/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Lần sửa đổi mới nhất này, dự án có 1 điều riêng, quy định về những việc không được làm của nhà giáo. Trong đó, quy định không được “ép buộc” người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, không được “ép buộc” người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật

 Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải.

"Tôi đề nghị, dù tự nguyện cũng không được thu tiền. Việc này để triệt để với những hình thức trá hình", bà Nguyễn Thanh Hải.

Góp ý nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, với thực tế "muôn hình vạn trạng", những hành vi không được làm, nếu liệt kê ra có thể đủ ở thời điểm hiện tại nhưng có thể xuất hiện thêm các hành vi khác trong tương lai. Do đó, bà Hải đề nghị trong điều này cần có nội dung bao quát, giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Bên cạnh đó, bà Hải cũng quan tâm đến các quy định không được “ép buộc” kể trên. Theo bà, Bộ GD&ĐT đã có quy định về dạy thêm, học thêm và lấy điểm gốc từ luật này để quy định.

"Bên cạnh hành vi “ép buộc”, tôi mong muốn cần quy định rõ hơn nữa. Vì nghiêm cấm ép buộc nhưng nếu “tự nguyện” thì vẫn được? Tôi đề nghị, dù tự nguyện cũng không được thu tiền. Việc này để triệt để với những hình thức trá hình. Việc ép buộc hay không ép buộc cũng khó. Không được ép buộc thì phụ huynh phải viết đơn tự nguyện…

"Luật định hướng nên chủ yếu đưa vào một vài nguyên tắc còn đi vào chi tiết sẽ dài dòng, có khi không bao quát hết được", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Thực tế, môi trường giáo dục rất khác. Học sinh là các cháu nhỏ, có thể không muốn đi học đâu nhưng không đi học lại có thể bị phân biệt, đối xử, nhất là các bậc tiểu học, trung học cơ sở”, bà Hải nói.

Chi tiết sẽ khó bao quát hết được

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tinh thần xây dựng luật không đi vào chi tiết. "Luật định hướng nên chủ yếu đưa vào một vài nguyên tắc còn đi vào chi tiết sẽ dài dòng, có khi không bao quát hết được", ông Sơn nói.

Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng nói sẽ rà soát, các nội dung chi tiết hơn sẽ đưa vào quy định. "Như dạy thêm, học thêm có cả một thông tư chỉ cho một việc. Nếu đưa vào chi tiết sẽ khó bao quát hết được", ông Sơn cho hay.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư quy định dạy thêm, học thêm. Trong đó, quy định cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học; giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Điều 11. Những việc không được làm:

1. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài không được làm những việc bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, nhà giáo không được làm các việc sau:

a) Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức;

b) Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học;

c) Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức;

d) Ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật;

đ) Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

3. Những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo

a) Không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định;

b) Công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo;

c) Các việc không được làm khác theo quy định của pháp luật.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tu-nguyen-cung-khong-duoc-day-them-thu-tien-post1715012.tpo
Zalo