Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số

Toàn tỉnh có hơn 165 nghìn trẻ em, trong đó gần 69 nghìn trẻ em dưới 6 tuổi. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân trên 16%. Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe, cải thiện và phòng chống SDD cho trẻ em tại vùng dân tộc thiểu số luôn được các cấp, ngành quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp, hành động cụ thể.

Để cải thiện, phòng chống SDD cho trẻ em, các cấp, ngành trong toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức tập huấn cho phụ huynh, người dân về tầm quan trọng của dinh dưỡng trong sự phát triển của trẻ em kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm sóc trẻ đúng cách. Tăng cường phối hợp giữa các bệnh viện, trạm y tế và địa phương, gia đình trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, đặc biệt là các trẻ em có nguy cơ SDD cao. Thông qua chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ người dân canh tác các loại cây ăn quả và rau củ; qua đó, không chỉ giúp cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình, cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em còn tạo thu nhập cho các hộ gia đình và địa phương.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các phòng GD&ĐT, đơn vị nhà trường tăng cường giáo dục dinh dưỡng học đường; tổ chức tập huấn, hội thảo về dinh dưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên bếp ăn về cách xây dựng khẩu phần ăn hợp lý, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em.

Cán bộ Trạm Y tế xã Tung Qua Lìn (huyện Phong Thổ) phối hợp với Trường Mầm non Tung Qua Lìn kiểm tra chiều cao, cân nặng định kỳ cho trẻ.

Cán bộ Trạm Y tế xã Tung Qua Lìn (huyện Phong Thổ) phối hợp với Trường Mầm non Tung Qua Lìn kiểm tra chiều cao, cân nặng định kỳ cho trẻ.

Bà Hoàng Thu Phương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo bếp ăn và phòng ăn tại các trường học, đảm bảo môi trường ăn uống sạch sẽ, an toàn cho học sinh. Chỉ đạo phòng giáo dục, các đơn vị trường phối hợp với chính quyền địa phương, y tế các cấp tuyên truyền về vai trò của dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ. Các đơn vị trường phối hợp với trạm y tế xã duy trì theo dõi cân nặng và chiều cao, đánh giá tình trạng dinh dưỡng và theo dõi tăng trưởng của trẻ; thực hiện bữa ăn bán trú đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các em phát triển đầy đủ; tăng cường tổ chức hoạt động thể dục, thể thao nhằm khuyến khích học sinh rèn luyện sức khỏe. Đẩy mạnh xã hội hóa, kết nối với các tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ các chương trình dinh dưỡng, tặng nhu yếu phẩm, vitamin cho học sinh. Đến nay, nhiều trường học xây dựng được thực đơn dinh dưỡng phong phú và có sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh về dinh dưỡng. Học sinh không chỉ khỏe mạnh mà còn có tinh thần học tập tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tung Qua Lìn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ, với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 73,7%. Theo y sỹ Nguyễn Văn Duy - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tung Qua Lìn, dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại còn là sự phát triển lâu dài của trẻ. Để nâng cao sức khỏe, cải thiện và phòng chống SDD cho trẻ em trên địa bàn, trạm đã tổ chức tuyên truyền trực quan, trực tiếp hướng dẫn người dân cách chuẩn bị bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai tại 5/5 bản. Phối hợp với các đơn vị trường, trưởng bản tuyên truyền tầm quan trọng của dinh dưỡng trong sự phát triển của trẻ. Đến nay, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn bị SDD thể cân nặng theo độ tuổi chỉ còn trên 11%; thể chiều cao trên 26%.
Chị Thào Thị Cương ở bản Tung Qua Lìn (xã Tung Qua Lìn) có 2 người con (con lớn học mẫu giáo nhỡ, con thứ 2 được 2 tháng tuổi). Chị Cương nói: Ruộng nương không có, kinh tế phụ thuộc vào thu nhập của chồng đi làm thuê ở Hà Nội. Khó khăn là thế nhưng tôi vẫn cố gắng mua sữa, thịt cá và trồng thêm rau, nuôi gà, vịt để cải thiện bữa ăn, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho các con phát triển. Nhờ vậy, con lớn không còn bị SDD, đã đủ cân nặng và chiều cao theo tiêu chuẩn của Viện Dinh dưỡng.
Huyện đoàn Phong Thổ là một trong những đơn vị tiêu biểu trong công tác xã hội hóa góp phần phòng chống SDD trẻ em trên địa bàn. Năm 2024, Huyện đoàn kết nối với Công ty Cổ phần Giáo dục và Phát triển trí tuệ Global Talent trao tặng 5.440 lọ vitamin D3 và viên sủi bổ sung sức khỏe cho người bệnh điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế huyện và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, còi xương, SDD ở các xã, với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng.
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành và người dân, tin rằng Lai Châu sẽ đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thể cân nặng theo tuổi xuống dưới 15% vào năm 2025 và dưới 12% vào năm 2030; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thể chiều cao theo tuổi xuống dưới 20% vào năm 2025 và dưới 18% vào năm 2030.

Vương Trang

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/b%E1%BA%A1n-%C4%91%E1%BB%8Dc-vi%E1%BA%BFt/c%E1%BA%A3i-thi%E1%BB%87n-dinh-d%C6%B0%E1%BB%A1ng-cho-tr%E1%BA%BB-em-v%C3%B9ng-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-thi%E1%BB%83u-s%E1%BB%91
Zalo