Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ về một số dự thảo luật
Chiều 12/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về một số dự thảo luật.

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 7 chiều 12/5
Cụ thể, các tổ thảo luận về các dự thảo luật: Bảo vệ dữ liệu cá nhân; sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận tại tổ
Thảo luận tại tổ 7 có Đoàn ĐBQH 4 tỉnh: Lạng Sơn, Huế; Thái Nguyên; Kiên Giang. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận tại tổ.
Trong số các đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh có 3 đại biểu phát biểu.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm của đoàn ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong việc thi hành nội dung này.
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, đại biểu đề nghị làm rõ thời gian nộp hồ sơ ứng cử rút ngắn bao nhiêu ngày, có ảnh hưởng đến việc chuẩn bị hồ sơ của ứng cử viên hay không; xem xét đánh giá tính khả thi của việc rút ngắn thời gian tiếp nhận, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử. Đại biểu đề nghị xem xét bổ sung hình thức vận động bầu cử thông qua các tài khoản mạng xã hội chính thức của hội đồng bầu cử hoặc ủy ban bầu cử.
Đại biểu góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đại biểu đề nghị cần có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị nhân lực, vật lực để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện các quy định mới trong luật về bỏ tòa án nhân dân (TAND) cấp cao, bỏ TAND cấp huyện, chuyển các thẩm quyền giải quyết các vụ việc từ TAND tỉnh về TAND khu vực. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các vụ việc hiện đang do TAND cấp huyện và TAND cấp cao giải quyết, khi hai tòa này kết thúc hoạt động; bổ sung vào dự thảo luật hoặc xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định thẩm quyền của TAND cấp huyện hoặc TAND cấp cao mà chưa thể sửa đổi, bổ sung.

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đại biểu đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa "dữ liệu cá nhân cơ bản" và "dữ liệu cá nhân nhạy cảm", cần giải thích rõ ràng nội hàm, tiêu chí của hai khái niệm để đảm bảo thống nhất trong thi hành luật.
Tại Điều 11 về rút lại sự đồng ý cho sử dụng dữ liệu cá nhân, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung, làm rõ thêm những trường hợp rút lại sự đồng ý được thể hiện thế nào đối với các trang mạng xã hội, phần mềm của các ngân hàng hiện nay đã và đang sử dụng dữ liệu cá nhân. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về thời gian tối đa cần phải ngừng xử lý dữ liệu khi chủ thể dữ liệu yêu cầu rút lại sự đồng ý cho sử dụng dữ liệu cá nhân. Đại biểu đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa các cụm từ “rút lại sự đồng ý” và “thu hồi dữ liệu”.
Tại Điều 14 về công khai dữ liệu cá nhân, đại biểu đề nghị làm rõ nội hàm về nguồn dữ liệu gốc; bổ sung thêm quy định về chủ thể có trách nhiệm xác minh tính đúng đắn, chính xác của dữ liệu cá nhân với nguồn gốc của dữ liệu; bổ sung cụ thể các trường hợp được công khai dữ liệu cá nhân.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ
Cùng góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị quy định lại chương II bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân và chương III bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình sử dụng dữ liệu cá nhân; đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét tách chương II và chương III thành 3 chương: I là nguyên tắc trong xử lý dữ liệu cá nhân, II là bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý, III là bảo vệ cá nhân trong quá trình sử dụng. Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật cho phù hợp với các nội dung được quy định trong dự luật, để đảm bảo tính thống nhất.
Về quy trình bầu cử, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, đại biểu đề nghị cân nhắc, xem xét lại tính khả thi của quy định điều chỉnh khoảng cách thời gian từ khi nộp hồ sơ ứng cử đến ngày cuối cùng tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai từ 5 ngày xuống còn 2 ngày; điều chỉnh khoảng cách thời gian từ thời hạn cuối cùng tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đến ngày cuối tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba từ 30 ngày xuống còn 17 ngày, để phù hợp với thực tiễn triển khai khối lượng công việc của các cơ quan liên quan trong thực hiện quy trình bầu cử.