Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình góp ý vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, chiều 10/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, chiều 10/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận tại tổ.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp hiện nay. Đồng thời, thống nhất với các nội dung theo Tờ trình của Chính phủ.

Đi vào nội dung cụ thể, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đồng tình cao về quy định viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tại khoản 6, Điều 1 bổ sung một số điểm của khoản 2 và điểm b, khoản 3, Điều 17: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trừ viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra. Đại biểu cho rằng, việc sửa đổi nội dung này nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt để phù hợp với các nội dung trong Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 193 của Quốc hội, Luật Nhà giáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh và giai đoạn hiện nay, tương thích phù hợp với các điều luật khác.

Cho ý kiến liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp, đại biểu cho biết, trong quá trình khảo sát thực tế tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức làm việc cùng các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và đã nhận được rất nhiều ý kiến về sửa đổi luật, trong đó có nội dung về đăng ký doanh nghiệp.

"Có khá nhiều ý kiến của các đơn vị cho rằng, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp một cách thông thoáng như thời gian qua, bên cạnh sự thay đổi tích cực thì cũng đặt ra những rủi ro cho các tổ chức, cá nhân. Bởi rất nhiều doanh nghiệp thành lập mới nhưng thực chất là không hoạt động mà lại thực hiện nhiều hình thức khác, gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương. Đặc biệt, việc quy định thủ tục quá đơn giản cũng như về phần vốn góp hiện không kiểm soát được, dẫn đến các doanh nghiệp được thành lập nhiều nhưng hiệu quả không được như mong đợi, gây khó khăn trong quản lý nhà nước”, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết.

Từ thực tế đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị, trong lần sửa đổi luật này cần cân nhắc xem xét xây dựng các khâu để kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng các doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng không thực hiện mục tiêu theo như đăng ký ban đầu, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý, quản trị. "Tuy không tăng thêm các quy trình, thủ tục nhưng phải bảo đảm các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phải hoạt động hiệu quả”, đại biểu Ngọc nêu rõ.

Bùi Hiển

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hòa Bình

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/200977/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-hoa-binh-gop-y-vao-luat-sua-doi,-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-doanh-nghiep.htm
Zalo