Đại biểu Quốc hội tỉnh cho ý kiến vào nhiều dự thảo luật quan trọng

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 7/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc tham gia thảo luận tại Tổ số 15, gồm các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Quảng Trị, Bình Phước. Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ trưởng Tổ 15 điều hành phiên thảo luận tổ.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ trưởng Tổ 15 điều hành phiên thảo luận tổ chiều 7/5.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ trưởng Tổ 15 điều hành phiên thảo luận tổ chiều 7/5.

Cho ý kiến vào dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Việc xây dựng dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) là cần thiết, đồng thời đánh giá cao những đề xuất sửa đổi theo tinh thần đổi mới của Chính phủ.

Tuy nhiên, phạm vi sửa đổi vẫn chưa thực sự toàn diện, chưa phản ánh đầy đủ các bất cập trong thực tiễn; mức độ phân quyền, phân cấp trong quản lý cán bộ, công chức còn chưa triệt để. Dự thảo vẫn giữ vai trò quá lớn của Trung ương trong một số khâu, chưa làm rõ cơ chế chịu trách nhiệm giải trình tương ứng, chưa phân biệt rõ vai trò giữa Bộ Nội vụ và các bộ/ngành khác.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Tính đồng bộ với các luật liên quan (như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Viên chức, Luật Thủ đô...) chưa được bảo đảm rõ ràng trong dự thảo. Điều này có thể dẫn đến xung đột pháp lý hoặc khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Quan tâm đến nội dung sau khi luật được Quốc hội thông qua thì vẫn còn nhóm cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định, có thể bằng hình thức quy định trong dự thảo luật khác hoặc trong nghị quyết riêng của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho rằng điều này không hợp lý, Chính phủ nên cân nhắc điều chỉnh luôn trong dự thảo luật này để đảm bảo tính thống nhất khi cùng điều chỉnh về nhóm cán bộ, công chức.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại tổ.

Đối với việc tuyển dụng cán bộ, công chức, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Văn Mạnh đề nghị nên mở rộng hình thức tuyển dụng thông qua đánh giá năng lực đầu vào thay vì chỉ thi tuyển hoặc xét tuyển, tiếp nhận.

Liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị làm rõ nguyên tắc xử lý kỷ luật; bảo đảm quyền được bảo vệ của công chức trong quá trình xử lý; làm rõ trách nhiệm của các cấp trong việc quyết định hình thức kỷ luật.

Việc bổ sung căn cứ rõ ràng và minh bạch khi thực hiện kỷ luật cán bộ, công chức để tránh bị lạm dụng hoặc vận dụng tùy tiện. Bổ sung cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt, trong bối cảnh Nghị quyết số 66, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đã quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật…

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại tổ.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại tổ.

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng đây là việc làm cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Cũng như kịp thời khắc phục một số hạn chế của Hiến pháp năm 2013 nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước.

Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị làm rõ thêm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành trước khi nghị quyết này có hiệu lực thì được xử lý như thế nào.

Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị nên quy định theo hướng giao UBND cấp tỉnh kế thừa các thỏa thuận quốc tế của UBND cấp huyện được ký kết trước ngày 1/7/2025, trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh sẽ tiến hành rà soát để đề xuất đối tác ký kết lại hoặc nâng cấp thành thỏa thuận quốc tế cấp tỉnh hoặc chấm dứt hiệu lực thỏa thuận quốc tế cấp huyện.

Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/127881//dai-bieu-quoc-hoi-tinh-cho-y-kien-vao-nhieu-du-thao-luat-quan-trong
Zalo