Đại biểu Quốc hội: Nghị quyết 68 mở đường cho phát triển kinh tế tư nhân

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW, thể hiện bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Không chỉ khẳng định vai trò chủ lực của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế quốc dân, Nghị quyết còn đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tháo gỡ những điểm nghẽn tồn tại nhiều năm qua.

Trao đổi với Mekong ASEAN bên lành lang kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Phan Đức Hiếu - ĐBQH tỉnh Thái Bình khẳng định, Nghị quyết 68 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân, kỳ vọng tạo ra sự thay đổi về chất của khu vực kinh tế tư nhân, để thực sự trở thành động lực quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Phan Đức Hiếu, điểm nổi bật của Nghị quyết nằm ở 3 quan điểm lớn bao trùm:

Thứ nhất, giảm sự phiền hà, tập trung vào việc cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập và hoạt động trên thị trường.

Thứ hai, tăng cường mức độ bảo vệ với sự đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, tạo sự an tâm cho nhà đầu tư và doanh nhân.

Thứ ba, khơi thông mọi nguồn lực thông qua việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và các nguồn lực khác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, Nghị quyết 68 thể hiện thông điệp mạnh mẽ về sự thay đổi tư duy và cam kết của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân. Nghị quyết khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong sự phát triển kinh tế - xã hội đồng thời yêu cầu xóa bỏ mọi định kiến, rào cản đối với khu vực này.

Nghị quyết cũng tập trung vào những giải pháp cụ thể như hoàn thiện hệ thống pháp luật với việc xóa bỏ các rào cản về thể chế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm và khả năng hội nhập quốc tế,...

Điểm mấu chốt, Nghị quyết 68 nhấn mạnh việc thay đổi tư duy quản lý Nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm đồng thời tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Trên thực tế, việc gia nhập thị trường dễ dàng, nếu doanh nghiệp vẫn phải chịu những rủi ro về thể chế và kinh doanh sẽ tác động đến tâm lý khởi sự kinh doanh, khả năng sáng tạo, "dám nghĩ, dám làm".

"Kinh doanh không tránh được những sai lầm và cần phải cho họ có cơ hội để sửa sai và làm lại, đây là tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, văn minh. Do đó, tôi cho rằng một số điểm rất mới của Nghị quyết lần này là hướng đến việc tăng sự bảo vệ cho doanh nghiệp," ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự hướng đến tách bạch giữa các vi phạm hành chính, dân sự, kinh tế và hình sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp. Điều này giúp tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch và ổn định, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, trách nhiệm tách bạch giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ cá nhân và pháp nhân trong xử lý vi phạm cũng được phân định rõ tại nghị quyết lần này, tránh tình trạng việc xử lý vi phạm cá nhân có thể làm ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại biểu Phan Đức Hiếu - ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: Kiều Chinh/Mekong ASEAN

Đại biểu Phan Đức Hiếu - ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: Kiều Chinh/Mekong ASEAN

'Phải biết rõ các doanh nghiệp đang cần gì, thiếu gì'

Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP HCM bày tỏ sự phấn khởi và kỳ vọng vào Nghị quyết 68, đại biểu nhấn mạnh, cần sớm thể chế hóa Nghị quyết, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận mọi nguồn lực của quốc gia một cách thuận lợi nhất với nhiều ưu đãi nhất, biến kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế của đất nước.

Nhấn mạnh vào nguồn lực khoa học công nghệ, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần thể chế, luật hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước để làm sao kinh tế tư nhân có điều kiện đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lần này Quốc hội thông qua phải phản ánh và thể chế hóa được những tư duy, chủ trương, đường lối của Đảng. Từ đó, kinh tế tư nhân mới có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và mới có thể phát triển nhanh để xứng tầm, trở thành những tập đoàn lớn, sánh vai với các tập đoàn trên thế giới.

Theo Nghị quyết 68, Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030, tương ứng 20 doanh nghiệp trên 1.000 người dân. Trong số đó, ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

"Chúng ta mong muốn đất nước có hàng triệu doanh nghiệp tư nhân cũng như các hộ kinh doanh cá thể, nhưng cũng phải có nhiều tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, Hòa Phát,Thaco, … dẫn dắt kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 đã làm rất tốt việc xác định rõ nhiệm vụ đối với từng doanh nghiệp xét theo quy mô," đại biểu nhấn mạnh.

Trong đó, vừa hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; vừa đề cập đến những chính sách hỗ trợ thực chất, hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.

Liên quan việc thể chế hóa bằng các cơ chế, chính sách cụ thể, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, phải biết rõ các doanh nghiệp đang cần gì, thiếu gì. Hiện nay, các doanh nghiệp đang thiếu việc tiếp cận các nguồn lực của xã hội, trong đó có nguồn lực đất đai.

Nghị quyết 68 thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong tư duy phát triển kinh tế tư nhân: từ "khuyến khích" sang "thúc đẩy mạnh mẽ", từ "tạo điều kiện" sang "chủ động gỡ vướng", kỳ vọng khơi thông điểm nghẽn, mở đường cho khu vực kinh tế tư nhân tăng tốc, dẫn dắt tăng trưởng.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP HCM. Ảnh: Kiều Chinh/Mekong ASEAN

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP HCM. Ảnh: Kiều Chinh/Mekong ASEAN

Đề xuất thành lập một tổ công tác đặc biệt

Đồng quan điểm, chia sẻ với Mekong ASEAN, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược cũng đánh giá cao việc Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, đề cập đầy đủ và đưa ra những giải pháp đủ mạnh để giải quyết các vấn đề của khu vực này.

Nghị quyết đưa ra rất nhiều giải pháp đúng, từ việc bãi bỏ điều kiện kinh doanh, xem đây là nguyên nhân cơ bản hạn chế doanh nghiệp tư nhân. Cùng với đó là hàng loạt giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận công bằng, hợp lý và với chi phí chấp nhận được về vốn, đất đai, lao động chất lượng cao.

Đặc biệt, Nghị quyết đề cập rất rõ, rất mạnh về việc sửa các quan hệ kinh tế, nguyên tắc "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự". Chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần trong năm, trừ những trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, đây là một trong những giải pháp được cho là nhạy cảm, dù đã nhiều lần được đề cập nhưng các kiến nghị để thực thi vẫn chưa triệt để. Lần này, Nghị quyết 68 đã đề cập khá đầy đủ và cụ thể những cái giải pháp để thực hiện được yêu cầu này.

Đánh giá cao và kỳ vọng lớn vào Nghị quyết 68 nhưng TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh đến vai trò của khâu tổ chức thực hiện, thực chất và tránh hình thức.

"Hiện Nghị quyết yêu cầu Chính phủ và các địa phương ban hành kế hoạch hành động. Tôi kiến nghị Chính phủ thành lập một tổ công tác đặc biệt gồm các chuyên gia độc lập, có kinh nghiệm, tâm huyết, tham gia trực tiếp với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ của tổ là rà soát, đánh giá khách quan các quy định, điều kiện kinh doanh, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và phù hợp thực tiễn. Chỉ có như vậy mới làm rõ đúng mức các số liệu, đưa ra các đề xuất chính xác, thúc đẩy phát triển tư nhân," TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dai-bieu-quoc-hoi-nghi-quyet-68-mo-duong-cho-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-41272.html
Zalo