Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng tiếp tục thảo luận tại chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Hôm nay 26/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã chỉ rõ nhiều bất cập trong lĩnh vực án hành chính, nhất là tình trạng thi hành án còn tồn đọng và tỉ lệ án bị sửa, hủy vẫn cao.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng - Ảnh: TT

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng - Ảnh: TT

Đại biểu cho rằng, khi nghiên cứu các báo cáo về hoạt động của Tư pháp tình hình giải quyết các vụ án hành chính gia tăng liên tục qua các năm. Như năm 2024, các Tòa án đã thụ lý 13.009 vụ (tăng 847 vụ), xét xử được 10.006 vụ đạt 76,92% vượt so với Nghị quyết quốc hội giao (60%). Tuy nhiên, theo đại biểu, kết quả thi hành chỉ đạt 45,41%; số bản án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng gia tăng; năm 2024 số chưa thi hành án xong là 1.077 việc, số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa được thi hành xong còn lớn, 599 bản án, tăng 73,7% so với năm 2023.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng chỉ ra rằng, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện mà chủ thể của nó là những người có chức vụ quyền hạn, là cán bộ, công chức của nhà nước có thẩm quyền mà bên khởi kiện cho rằng đã gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của họ, trong đó có những văn bản hành chính, quyết định hành chính bị lợi dụng, lạm dụng cho việc làm sai trái gây tổn hại lớn về kinh tế cho nhà nước và lợi ích của người dân, gây ra các vụ khiếu kiện kéo dài và trong một số trường hợp cụ thể có cả những tiêu cực, tham nhũng và lợi ích nhóm, gây bất ổn xã hội. Theo đại biểu, dù nhiều bản án sai trái đã được tòa tuyên hủy, khôi phục niềm tin của nhân dân, nhưng tỉ lệ án bị hủy và sửa vẫn ở mức cao, lần lượt là 1,6% và 1,98%, chưa đáp ứng yêu cầu của Quốc hội đặt ra.

Từ thực trạng trên, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị:

Thứ nhất: quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực án hành chính, vì theo Đại biểu đây không chỉ đơn thuần là mối quan hệ hành chính dân sự bình thường mà còn là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, niềm tin của nhân dân với chính quyền mà suy rộng ra là niềm tin với Đảng, Nhà nước và chế độ; đây cũng là nhân tố có thể gây mất ổn định từ cơ sở. Giải quyết tốt các vụ việc, vụ án hành chính cũng là để củng cố niềm tin, mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, rất cần được quan tâm đầy đủ, kịp thời.

Thứ hai: Cần tổng kiểm tra, rà soát tình hình giải quyết, xét xử và thi hành án hành chính trên toàn quốc, từ đó đưa ra các giải pháp quyết liệt nhằm xử lý các vụ việc tồn đọng, kéo dài mà dư luận bức xúc. Các địa phương phải nâng cao trách nhiệm, chấm dứt tình trạng cán bộ, cơ quan không chấp hành bản án đã có hiệu lực, xử lý nghiêm các vi phạm và khắc phục tình trạng dây dưa, vắng mặt trong các phiên tòa hành chính. Việc hòa giải, đối thoại tại tòa án cần được đẩy mạnh, coi đây là giải pháp quan trọng giúp giảm thiểu tranh chấp và thời gian xử lý vụ án.

Thứ ba : Thực hiện đầy đủ, hiệu quả pháp luật về tiếp công dân và cơ chế trách nhiệm đối thoại, giải trình, công khai, minh bạch; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, kiến nghị của nhân dân của người đứng đầu, của chủ tịch UBND các cấp ngay từ cơ sở để không xảy ra khiếu nại, khiếu kiện là biện pháp chủ động tích cực và hiệu quả nhất. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức liêm chính, vì dân.

Thứ tư: Xem xét tổng thể các quy định pháp lý hiện tại nhất là những bất cập để kịp thời kiến nghị bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện hành lang pháp lý vững chắc bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả khi thực thi pháp luật hành chính này. Hàng năm trong các báo cáo hoạt động của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, báo cáo công tác Dân nguyện của Quốc hội cần đánh giá đầy đủ, toàn diện sâu sắc hơn nội dung về tình hình vụ việc, tình hình án và thi hành án hành chính để Quốc hội biết, giám sát.

Thứ năm : Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Tòa án hành chính các cấp; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức ngành, nhất đội ngũ Thẩm phán tại các tòa án hành chính ngang tầm nhiệm vụ, đủ bản lĩnh để giải quyết tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ khá phức tạp và “nhạy cảm” này.

Đại biểu khẳng định: để xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính và hành động vì dân, những vấn đề này cần được quan tâm và xử lý quyết liệt, góp phần mang lại niềm tin cho nhân dân và nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp hành chính trong thời gian tới.

Cẩm Nhung – Thanh Tuân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dai-bieu-quoc-hoi-hoang-duc-thang-tiep-tuc-thao-luan-tai-chuong-trinh-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-189998.htm
Zalo