Những mô hình hay, việc làm sáng tạo để phục vụ nhân dân
Là một trong số các địa phương xây dựng và thực hiện nhiều phong trào, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, thời gian qua, các đơn vị trong Công an tỉnh Quảng Ninh đã tạo ra nhiều mô hình thiết thực, phục vụ nhân dân hiệu quả.
Hiệu quả của mô hình "Camera an ninh"
Nhiều năm trước, xã Thống Nhất (TP Hạ Long) luôn là địa bàn phức tạp, trọng điểm về ANTT. Nhằm giải quyết các vấn đề này, cả hệ thống chính trị địa phương đã nỗ lực, đoàn kết, phấn đấu thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo ANTT, an toàn xã hội trên địa bàn. Theo đó, Công an xã Thống Nhất đã quyết tâm tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Thượng tá Nguyễn Duy Dũng, Trưởng Công an TP Hạ Long cho biết: Ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành lĩnh vực đảm bảo ANTT trên địa bàn, thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh, Công an TP và cấp ủy, chính quyền, Công an xã Thống Nhất đã chủ động khảo sát, nắm tình hình địa bàn và dư luận nhân dân về việc lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh trên địa bàn xã để vận động, giải thích những lợi ích, hiệu quả khi nhân dân cùng đồng thuận triển khai lắp đặt camera giám sát an ninh.
Mô hình "Camera an ninh" được Công an xã Thống Nhất tham mưu triển khai từ tháng 6/2022. Là người tâm huyết, say mê xây dựng mô hình "Camera an ninh" trên địa bàn xã Thống Nhất, Thiếu tá Nguyễn Tiến Hưng, Trưởng Công an xã Thống Nhất cùng CBCS trong đơn vị đã tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, vận động quần chúng nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, "gom góp" từng chút một để có số mắt camera ở hầu khắp các điểm trọng yếu trên địa bàn xã. Để có điểm đặt camera chuẩn xác, CBCS Công an xã Thống nhất lăn lộn thực tế khảo sát từ địa điểm có thể đặt camera, sau đó kiểm nghiệm trong điều kiện không gian, thời gian, thời tiết sao cho camera phát huy hiệu quả nhất, kiên trì vận động nhân dân phối hợp vị trí lắp đặt, vì mục tiêu chung đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn xã Thống Nhất đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát với tổng số 74 mắt (trong đó 68 mắt thường và 6 mắt công nghệ AI). Toàn bộ hệ thống camera giám sát an ninh đều được truyền trực tiếp qua máy chủ đặt tại Công an xã. Để phát huy hiệu quả mô hình này, tại trụ sở Công an xã thường xuyên có một đồng chí trực tại phòng điều khiển hệ thống camera an ninh. Từ khi hệ thống camera được đưa vào hoạt động, từ trụ sở làm việc, lực lượng Công an có thể theo dõi được tất cả các hoạt động diễn ra 24/24h tại các điểm lắp đặt camera, từ đó kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các vụ việc phức tạp về ANTT.
Sau hơn 2 năm, số lượng mắt camera tại các điểm công cộng, các nút, khu vực trọng điểm tiếp tục được bổ sung nhân rộng. Phần lớn các dữ liệu camera ghi lại giúp cho cơ quan chức năng nhận định, đánh giả́ đúng về đối tượng, phục vụ tốt công tác truy xét, truy bắt đối tượng gây án, xử lý chính xác các vụ việc về ANTT, vi phạm về môi trường, nhất là các vụ việc liên quan đến trật tự an toàn giao thông. Thông qua việc khai thác dữ liệu hệ thống camera, đặc biệt khai thác qua cameraAI đã giúp lực lượng Công an TP Hạ Long điều tra khám phá 1 vụ trộm cắp tài sản, giải quyết 5 vụ tai nạn, va chạm và tai nạn giao thông tự gây.
Điển hình, ngày 5/4/2023, qua việc khai thác dữ liệu camera an ninh trên địa bàn xã, đã phát hiện phương tiện, đối tượng sau khi gây ra vụ cướp tài sản tại xã Lê Lợi đã di chuyển qua địa bàn xã Thống Nhất và đi về phía phường Hà Khánh, TP Hạ Long. Qua đó, đã giúp cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP nhanh chóng xác định được đặc điểm phương tiện, đối tượng gây án và hướng di chuyển, kịp thời truy xét, bắt giữ được 2 đối tượng gây án là Trần Văn Hùng, SN 1987 và Trần Văn Tân, SN 1991, đều trú tại TP Hải Phòng.
Mô hình trợ lý ảo AI - dấu ấn phục vụ nhân dân
Thượng tá Bùi Thị Phương Mai, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết: Với sự nhiệt huyết, say mê công nghệ, trước những đòi hỏi đổi mới, sáng tạo trong thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Công an tỉnh Quảng Ninh, hưởng ứng có hiệu quả phong trào thi đua Cải cách hành chính (CCHC) trong lực lượng CAND năm 2024, nhóm tác giả Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã sáng kiến mô hình "Trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện Dịch vụ công trực tuyến". "Trợ lý ảo" được phát triển dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), mang đến giải pháp toàn diện giúp người dân tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ công trực tuyến. "Trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện Dịch vụ công trực tuyến" sẽ tối ưu hóa các quy trình gửi hồ sơ dịch vụ công theo kiểu truyền thống trên website dichvucong.dancuquocgia.gov.vn.
"Trợ lý ảo" được xây dựng dựa trên sự tối ưu hóa quy trình từ đó sẽ giảm cả thời gian cũng như tính phức tạp khi thực hiện dịch vụ công của người dân. Qua thời gian triển khai thử nghiệm tại 3 điểm tiếp dân, "Trợ lý ảo" đã hỗ trợ được 500 hồ sơ đăng kí cư trú với 4/11 thủ tục gồm: Đăng kí thường trú, xác nhận thông tin cư trú, tách hộ, xóa đăng kí thường trú. Đặc biệt, trong đợt cao điểm 45 ngày đêm triển khai Luật Căn cước do Công an tỉnh Quảng Ninh phát động từ 1/7 đến 15/9/2024, "Trợ lý ảo" đã hỗ trợ thực hiện được hơn 1.500 hồ sơ cấp căn cước.
Vừa qua, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và Công an tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp, đánh giá sáng kiến CCHC cấp Bộ với mô hình "Trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện Dịch vụ công trực tuyến các thủ tục thuộc lĩnh vực Căn cước, cư trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh"; qua đó ghi nhận sáng kiến đã thể hiện sự đầu tư, nghiên cứu nghiêm túc của các đơn vị thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh, sự vận dụng sáng tạo khoa học công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tại "Bộ phận một cửa" của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Quảng Ninh, chị Nguyễn Thị Duyên, công dân phường Hồng Hải, TP Hạ Long, được trải nghiệm công cụ "Trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện Dịch vụ công trực tuyến". Sau sự ngạc nhiên ban đầu khi được CBCS chỉ dẫn sử dụng máy tính có "Trợ lí ảo", chị hồ hởi cho biết: "Lúc đầu, tôi hình dung xử lí công việc này sẽ rất lâu và có thể khó vì tôi đã có tuổi, nhưng sau đó tôi thấy trải nghiệm công nghệ này chỉ mất vài phút, rất nhanh chóng, dễ hiểu".
Với quan điểm CCHC để phục vụ hiệu quả cá nhân, tổ chức, người dân, doanh nghiệp, theo Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh: Ngoài những tiện ích đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đối với CBCS, ứng dụng mô hình "Trợ lý ảo" sẽ tránh được sự tiếp xúc trực tiếp giữa CBCS với người dân, loại bỏ được vấn đề có khả năng xảy ra tiêu cực, đồng thời khi có "Trợ lý ảo" làm việc thay, nguồn nhân lực sẽ được giảm bớt và CBCS có thêm thời gian để làm công tác nghiệp vụ.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Thuận: Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu phát triển, nâng cấp phần mềm theo hướng: Mở rộng hướng dẫn các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực gồm: Đăng ký, quản lý con dấu; quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông; quản lý xuất, nhập cảnh; phòng cháy, chữa cháy... Kết hợp hệ quản trị cơ sở dữ liệu để lưu trữ thông tin hỏi đáp, từ đó sẽ phát triển thành hệ thống máy tự học các dữ liệu mới nhằm tăng tính chính xác, hiệu quả của "Trợ lý ảo" dựa trên các yêu cầu của người dân.
Ngoài ra, với dữ liệu được lưu trữ sẽ làm Kho dữ liệu nhằm đánh giá hiệu quả của "Trợ lý ảo" cũng như công tác thống kê số liệu sử dụng dịch vụ công. Đồng thời, phát triển ứng dụng trên điện thoại thông minh để người dân có thể tải về sử dụng và được hỗ trợ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên chính điện thoại di động cá nhân của mình.