Đại biểu Hoàng Ngọc Định góp ý vào 3 dự án luật

BHG - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 6.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Tham gia thảo luận tại tổ 6, đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đóng góp một số ý kiến vào 3 dự án luật này.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV

Đại biểu Hoàng Ngọc Định phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV

Với dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong quy định về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) của doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề xuất cho phép doanh nghiệp được trích lập 15 – 20% thu nhập tính thuế để lập Quỹ phát triển KH&CN thay vì tối đa 5% như dự thảo Luật đang xây dựng. Quỹ được chi cho các hoạt động phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý và sử dụng quỹ. Bởi mục tiêu, chủ trương Nghị quyết 57 của T.Ư là huy động mọi nguồn lực thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành quy định doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Do vậy, với tinh thần đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội, đại biểu cho rằng cần tăng mức trích lập quỹ của doanh nghiệp cao hơn mức hiện hành (cao hơn 10%).

Đại biểu cũng đề nghị mở rộng phạm vi sử dụng quỹ, bởi thực tiễn cho thấy hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cần nguồn lực tài chính ổn định, không nên bó hẹp chỉ vào mục tiêu khởi nghiệp. Việc mở rộng phạm vi giúp tăng hiệu quả sử dụng quỹ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng năng lực nội sinh về khoa học công nghệ.

Tại khoản 1 Điều 68 dự thảo luật quy định chi phí cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo ngoài quỹ được tính vào chi phí trừ thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề xuất quy định các khoản chi này không chỉ được tính vào chi phí hợp lệ mà còn được tính bằng 150% chi phí thực tế trong kỳ tính thuế. Trường hợp khoản chi liên quan đến công nghệ chiến lược như bán dẫn, AI, công nghệ xanh… mức tính chi phí được nâng lên 200% chi phí thực tế. Ưu đãi khấu trừ chi phí “siêu mức” (super deduction) được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Đây là biện pháp tài khóa hiệu quả, trực tiếp tạo động lực đổi mới sáng tạo khu vực doanh nghiệp mà không làm gia tăng gánh nặng hành chính cho Nhà nước.

Về quy định việc miễn thuế thu nhập cá nhân cho các khoản thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ KHCN và đổi mới sáng tạo tại Điều 76 dự thảo luật, đại biểu đề nghị bổ sung vào quy định: Miễn thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo từ cả các nguồn khác ngoài ngân sách Nhà nước.

Đại biểu cũng đề nghị về nguyên tắc áp dụng Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khoản 1, Điều 81 dự thảo luật bổ sung thêm nguyên tắc: “Trừ trường hợp các luật, nghị quyết khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi thuận lợi hơn thì áp dụng cơ chế, chính sách đó”.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; theo đại biểu Hoàng Ngọc Định: Sản phẩm, hàng hóa do Bộ Quốc phòng quản lý thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật quân sự; đồng thời tương tự như trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật được quy định tại khoản 1 Điều 7c của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; đề nghị bổ sung một khoản mới vào sau khoản 3 Điều 7 dự thảo Luật với nội dung: “a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể việc thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các đối tượng đặc thù thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; b) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể việc thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các đối tượng đặc thù thuộc lĩnh vực cơ yếu.”

Tham gia ý kiến vào dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng sau 17 năm thi hành Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế về yêu cầu quản lý, chưa có sự tương thích với một số luật mới ban hành, chưa đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn mới của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế; phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ, ngành; một số quy định thiếu tính khả thi; chưa đáp ứng hoặc theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ; quy định về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân và quản lý nhà nước đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu chưa toàn diện, đầy đủ. Việc sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết, cấp bách. Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) lần này đã bám sát 4 chính sách được thông qua gồm: 1) Thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; 2) Bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; 3) Tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; 4) Quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202505/dai-bieu-hoang-ngoc-dinh-gop-y-vao-3-du-an-luat-4da7587/
Zalo