Đặc thù của ngành Kinh doanh quốc tế tại Trường ĐH Luật TP.HCM

Sinh viên theo ngành Kinh doanh quốc tế của Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ học trong 4 năm với 120 tín chỉ, kết hợp kiến thức kinh doanh quốc tế và luật pháp quốc tế.

Năm 2025, Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ mở rộng quy mô đào tạo thêm hai ngành học mới là Kinh doanh quốc tế và Tài chính – Ngân hàng.

Trong đó, ngành Kinh doanh quốc tế của trường thời gian qua thu hút rất nhiều sự quan tâm từ thí sinh về chương trình đào tạo, sự khác biệt và cơ hội việc làm để phát triển sau khi tốt nghiệp.

120 tín chỉ, học trong 4 năm

Thông tin về ngành Kinh doanh quốc tế, Thạc sĩ Vũ Đình Lê, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết chương trình đào tạo ngành này tại trường hướng tới đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất chính trị, có ý thức phục vụ nhân dân, có đạo đức tốt, tri thức nghề nghiệp vững vàng.

Người học sẽ có kỹ năng thực hành nghề nghiệp cơ bản trong lĩnh vực ngành kinh doanh quốc tế, cụ thể là thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế, có những kiến thức pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh quốc tế nhằm phát triển nghề nghiệp và bản thân trong bối cảnh hội nhập và phát triển của đất nước.

Ngành học này có tổng khối lượng học tập là 120 tín chỉ, gồm các tín chỉ thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương, giáo dục chuyên nghiệp và tín chỉ giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh theo quy định hiện hành. Thời gian đào tạo chuẩn toàn khóa là 4 năm và được triển khai trong 8 học kỳ.

 Thạc sĩ Vũ Đình Lê tư vấn chọn ngành nghề năm 2025 cho thí sinh

Thạc sĩ Vũ Đình Lê tư vấn chọn ngành nghề năm 2025 cho thí sinh

Kết hợp kiến thức kinh doanh quốc tế và luật pháp quốc tế

Thạc sĩ Vũ Đình Lê cho biết phía trường cũng thông tin, thế mạnh đặc biệt của chương trình đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế tại Trường ĐH Luật TP.HCM là có sự kết hợp giữa kiến thức kinh doanh quốc tế và luật pháp quốc tế.

Với các học phần thuộc lĩnh vực Luật Quốc tế, người học không chỉ được trang bị nền tảng kinh doanh vững chắc mà còn sở hữu hiểu biết sâu rộng về pháp luật. Đây là lợi thế lớn để người học đáp ứng yêu cầu công việc tại các doanh nghiệp quốc tế và khu vực, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

“Ví dụ như các học phần về Luật sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế cung cấp cho người học kiến thức bảo vệ tài sản trí tuệ trong giao dịch quốc tế. Tương tự, học phần pháp luật về giao dịch mua lại và sáp nhập doanh nghiệp xuyên biên giới (M&A) giúp người học hiểu rõ và điều chỉnh các thỏa thuận M&A quốc tế, giảm thiểu rủi ro pháp lý và tối ưu hóa lợi ích chiến lược cho doanh nghiệp” - Thạc sĩ Vũ Đình Lê nêu.

 Một góc tự học của sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: TTNT

Một góc tự học của sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: TTNT

Cơ hội việc làm rộng mở

Phía trường thông tin thêm, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người học có thể làm việc tại những vị trí việc làm như: chuyên viên xuất nhập khẩu, nhân viên kinh doanh chuyên thu gom hàng lẻ/nguyên container thuộc hệ thống đường biển/hàng không tại các công ty đa quốc gia, công ty giao nhận ngoại thương, công ty kinh doanh xuất nhập khẩu, các ngân hàng trong và ngoài nước, các công ty kinh doanh ngoại tệ;

Chuyên viên phụ trách dự án, chuyên viên phụ trách nhãn hàng của dự án quốc tế, các dự án trong chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp (các vị trí việc làm này hầu hết ở các tổ chức quốc tế (các NGOs như Ngân hàng quốc tế, tổ chức lao động quốc tế, tổ chức phát triển công nghiệp của Liên Hiệp quốc…), các văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của các công ty Việt Nam ở nước ngoài hoặc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các văn phòng Bộ/Sở Công Thương, Bộ/Sở Kế hoạch và Đầu tư;

Chuyên viên tổng hợp, báo cáo, phân tích dữ liệu, số liệu xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài; chuyên viên thực hiện các gói dự án điều tra, giám sát, tổng hợp dữ liệu làm cơ sở lập quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, ngành nghề sản xuất phục vụ xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài;

Chuyên viên thực hiện quản lý nhà nước liên quan đến kinh doanh xuất nhập khẩu và các loại hình kinh doanh quốc tế. Các vị trí việc làm này được bố trí tại các văn phòng Bộ/Sở Công Thương, Bộ/Sở Kế hoạch và Đầu tư, cục đầu tư nước ngoài, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cơ quan hải quan.

Ngoài ra, người học có thể học lên sau đại học hoặc có nhiều cơ hội thăng tiến lên các vị trí cao hơn sau 3 – 5 năm làm việc.

Năm 2025, Trường ĐH Luật TP.HCM dự kiến tuyển sinh 4.000 chỉ tiêu với 7 ngành học, tăng gần 400 chỉ tiêu. Trường dự kiến xét tuyển theo ba phương thức, gồm:

Phương thức 1: Tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học của Bộ GD&ĐT.

Phương thức 2: Xét tuyển theo đề án tuyển sinh của trường

Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Tổ hợp môn xét tuyển dự kiến của Trường ĐH Luật TP.HCM

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/dac-thu-cua-nganh-kinh-doanh-quoc-te-tai-truong-dh-luat-tphcm-post835845.html
Zalo