Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.

Bánh mứt Việt chiếm lĩnh thị trường

Hiện nay, cửa hàng Tam Ba (117 Trần Phú, TP. Pleiku) đón cả ngàn lượt khách đến mua sắm mỗi ngày. Bà Trương Thị Bửu-Chủ cửa hàng-cho biết: Tuy mới ra quầy được hơn 10 ngày nhưng lượng hàng bán ra rất nhiều.

Năm nay, cửa hàng chuẩn bị hơn 1.000 mặt hàng bánh kẹo, mứt để phục vụ Tết, trong đó, khoảng 90% là hàng sản xuất trong nước. Hiện giá các loại bánh mứt dao động ở mức 100-250 ngàn đồng/kg, tăng 5-10 ngàn đồng/kg so với năm ngoái. Năm nay, khách hàng có xu hướng dùng nhiều loại bánh, kẹo ít ngọt được làm từ các loại hạt dinh dưỡng hay bánh ngũ cốc granola, hạt mắc ca Kbang...

Theo ghi nhận của P.V tại nhiều cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh, sức mua hàng bánh mứt, giỏ quà đã tăng khá mạnh từ 1 tuần qua. Nắm bắt nhu cầu người dân ưa chuộng các loại thực phẩm dinh dưỡng, dựa vào nguồn hàng sản xuất tại Gia Lai, nhiều cửa hàng nhập về bán các loại hạt như mắc ca, điều, granola.

Tình hình kinh doanh tại cửa hàng truyền thống sụt giảm hơn năm ngoái do người dân có xu hướng mua sắm qua kênh online và tại các siêu thị. Vì vậy, người bán cũng có sự cân nhắc rất kỹ khi nhập hàng, nhất là các loại mứt truyền thống, số lượng nhập vào giảm đến một nửa so với mọi năm.

 Năm nay thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Ảnh: V.T

Năm nay thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Ảnh: V.T

Kinh doanh hàng bánh kẹo tại chợ An Khê đã gần 20 năm, trước Tết Nguyên đán 2 tháng, chị Nguyễn Thị Mười chủ động liên hệ với cơ sở sản xuất uy tín để đặt hàng. Theo chị Mười, những người buôn bán bánh kẹo, mứt Tết như chị đều có mối đặt hàng “ruột” và phải đăng ký nhập hàng từ tháng 9 để cơ sở chuẩn bị nguyên liệu kịp sản xuất và phân phối.

Hiện nay, mặt hàng bánh kẹo của các công ty lớn như Bibica, Kinh Đô, Bảo Minh, Tràng An có giá ổn định, còn một số bánh mứt truyền thống thì giá tăng 5-7 ngàn đồng/kg so với Tết Giáp Thìn 2024.

“Năm nay, một số nông sản được mùa, được giá nên bà con có tiền mua sắm, tiêu dùng nhiều hơn năm trước. Sức mua tăng mạnh từ Tết dương lịch đến nay. Với dự báo tình hình khả quan thì từ nay tới Tết Nguyên đán, người dân sẽ tiếp tục sắm sửa, mua bánh kẹo nhiều hơn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm”-chị Mười nhận định.

Cùng 2 con đi mua quần áo và bánh mứt Tết tại chợ An Khê, chị Lê Thị Mỹ Trang (thôn An Quý, xã Phú An, huyện Đak Pơ) chia sẻ: “Tôi thấy hàng hóa năm nay đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả tăng không đáng kể. Tôi đã mua gần 2 triệu đồng tiền bánh kẹo, trái cây sấy và vài loại hạt. Năm nay, nông sản được mùa, được giá nên gia đình chi tiêu thoải mái hơn”.

 Người tiêu dùng lựa chọn kỹ các nhãn mác hàng hóa để mua được hàng đảm bảo chất lượng. Ảnh: Đ.T

Người tiêu dùng lựa chọn kỹ các nhãn mác hàng hóa để mua được hàng đảm bảo chất lượng. Ảnh: Đ.T

Hiện nay, các doanh nghiệp đầu mối, siêu thị cùng hàng ngàn chủ thể kinh doanh thương mại thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh đã chủ động nhập hàng về kho, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Theo đó, hàng bánh mứt khá đa dạng về chủng loại, giá cả tăng nhẹ.

Ví dụ: bánh kẹo có giá dao động 80-130 ngàn đồng/kg; mít sấy 220 ngàn đồng/kg; củ quả sấy giòn 220-250 ngàn đồng/kg; hạt bí, hạt dưa khoảng 160-180 ngàn đồng/kg; hạt mắc ca 220-280 ngàn đồng/kg; bánh thuẫn, bánh in nhân dừa 30-50 ngàn đồng/hộp; các loại trái cây sấy dẻo chua ngọt 220-340 ngàn đồng/kg; các loại bánh kẹo hộp thiếc dao động ở mức 180-500 ngàn đồng/hộp…

Hàng đặc sản hút khách

Những ngày này, gần chục nhân công của cơ sở mắc ca Minh Quang (tổ 11, thị trấn Kbang) phải làm việc tăng ca để kịp giao hàng cho khách. Bà Lê Thị Cẩm Như-Chủ cơ sở-cho biết: Từ tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán, mỗi tháng, cơ sở sản xuất khoảng 20 tấn sản phẩm, cao gấp 2-3 lần so với các tháng trong năm.

“Hiện nay, cơ sở tập trung sản xuất 4 sản phẩm gồm: mắc ca sấy nứt, mắc ca nhân, mắc ca sấy mật ong và granola vị mật ong. Các sản phẩm này đều đạt OCOP 3 sao cấp huyện. Giá bán dao động trong khoảng 240-650 ngàn đồng/kg, bằng với Tết năm trước.

Bên cạnh đầu tư mẫu mã bao bì, cơ sở còn thiết kế túi xách dạng gói quà kèm thêm lời chúc mừng năm mới để tăng thêm phần hấp dẫn, ý nghĩa, phù hợp với ngày Tết”-bà Như bộc bạch.

 Giỏ quà Tết được các cửa hàng thiết kế đa dạng từ hàng đặc sản của địa phương. Ảnh: V.T

Giỏ quà Tết được các cửa hàng thiết kế đa dạng từ hàng đặc sản của địa phương. Ảnh: V.T

Theo kế hoạch đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025, định mức một số hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu 2 tháng trước, trong và sau Tết khoảng 14.453 tỷ đồng; trong đó, nhóm thực phẩm công nghệ (rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt, kẹo…) hơn 3.065 tỷ đồng.

Cũng tất bật với các đơn đặt hàng trái cây sấy, những tháng gần đây, chị Đường Tiểu My (tổ 2, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) liên tục nhập nguyên liệu để chế biến.

Chị My cho hay: “Mỗi tháng, gia đình cung ứng ra thị trường hơn 500 kg sản phẩm. Đặc biệt, từ tháng 10 âm lịch đến nay, khách hàng đặt nhiều hơn, tôi đã bán được 500 kg dừa non sấy, 250 kg mãng cầu xiêm sấy muối ớt, 500 kg chuối sấy dẻo, khoảng 500 kg chùm ruột rim và me, xoài sấy.

Toàn bộ nguyên liệu được chọn mua từ các hộ sản xuất trên địa bàn rồi sấy bằng máy móc hiện đại nên giữ được hương vị đậm đà đặc trưng, độ dẻo vừa phải. Vì vậy, lượng người dân mua trái cây sấy về sử dụng, làm quà biếu ngày càng tăng. Cuối năm 2024, sản phẩm chuối sấy và lạp xưởng của gia đình tôi được công nhận OCOP 3 sao”.

Phát huy nguồn nông sản của địa phương, chị My còn chế biến nhiều sản phẩm khác như: đậu phộng rang tỏi ớt, snack khoai sấy, gừng rim, đậu trắng rim, rượu nếp cẩm, chanh đào ngâm mật ong, hoa đu đủ đực ngâm mật ong, giấm táo…

 Dịp Tết Nguyên đán năm 2025, chị Đường Tiểu My (tổ 2, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cung ứng nhiều sản phẩm trái cây sấy dẻo. Ảnh: Ngọc Minh

Dịp Tết Nguyên đán năm 2025, chị Đường Tiểu My (tổ 2, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cung ứng nhiều sản phẩm trái cây sấy dẻo. Ảnh: Ngọc Minh

Toàn tỉnh hiện có 430 sản phẩm OCOP (gồm 47 sản phẩm 4 sao và 383 sản phẩm 3 sao) của 166 chủ thể. Nắm bắt xu hướng người tiêu dùng, các chủ thể OCOP chú trọng thiết kế bao bì đẹp, độc đáo, giúp sản phẩm nổi bật hơn trên thị trường.

Chị Lý Anh Thư-Đại diện cơ sở bò một nắng Tý Vân (huyện Krông Pa) thông tin: Từ giữa tháng 11, cơ sở đã bắt đầu hợp đồng với các lò mổ tăng sản lượng nhập hàng nguyên liệu sản xuất hàng ngày và thuê thêm nhân công thời vụ để đảm bảo các đơn hàng trong dịp Tết.

Bên cạnh việc bán cho các mối sỉ, cơ sở cũng có một lượng khách hàng là doanh nghiệp thường mua bò khô, bò một nắng để làm quà biếu. Do đó, cơ sở thiết kế thêm túi giấy, hộp giấy để tăng thêm sự sang trọng cho món quà.

Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 3 sao của cơ sở như bò một nắng, ba rọi heo một nắng, gầu bò một nắng... được khách hàng ưa chuộng. Dự kiến, mùa Tết năm nay, sản lượng hàng bán ra của cơ sở sẽ đạt khoảng 6 tấn.

Trong khi đó, vừa là chủ thể OCOP, vừa có cửa hàng bán đặc sản nên chị Đoàn Thị Thúy (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) thuận lợi hơn trong việc đa dạng mẫu giỏ quà Tết.

Chị Thúy chia sẻ: “Mấy năm gần đây, cứ đến dịp Tết, cơ sở thường kết hợp với các chủ thể OCOP ở địa phương để thiết kế các hộp quà, giỏ quà tặng với những mặt hàng đặc trưng như mật ong, cà phê, đông trùng hạ thảo, hạt điều, hạt mắc ca, bò khô, rượu sâm, trà thảo mộc, yến sào…

Để giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn, cơ sở đã đa dạng mẫu mã hộp quà, giỏ quà và cơ cấu 5-9 sản phẩm để phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Giá bán dao động từ 350 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/giỏ quà. Bên cạnh đó, nhiều khách còn đặt các hộp quà cao cấp giá đến 2 triệu đồng”.

Cũng theo chị Thúy, trong khoảng 2 năm gần đây, thay vì mua sắm các giỏ quà thông thường như trước, khách hàng chọn gói các sản phẩm OCOP. Dự kiến dịp Tết này, cơ sở sẽ tiêu thụ khoảng 1.000 giỏ quà.

 Để giúp khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn, các cơ sở đã đa dạng mẫu mã gói và cơ cấu từ 5-9 sản phẩm để phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Ảnh: V.T

Để giúp khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn, các cơ sở đã đa dạng mẫu mã gói và cơ cấu từ 5-9 sản phẩm để phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Ảnh: V.T

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương): Gia Lai có nhiều sản phẩm OCOP từ nông sản, thực phẩm, dược liệu.

Đây đều là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết. Do đó, các chủ thể thiết kế mẫu mã bao bì bắt mắt hơn hay làm các giỏ quà tặng, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm tỉnh nhà.

Qua các chương trình xúc tiến thương mại gần đây, sản phẩm của Gia Lai được các nhà phân phối đánh giá cao về chất lượng, có tiềm năng phát triển ở nhiều thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Vì vậy, nhiều đơn vị đã nhận được các đơn đặt hàng lớn phục vụ cho mùa Tết này.

VŨ THẢO

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dac-san-gia-lai-hut-khach-dip-tet-post307251.html
Zalo