Thanh Hóa hôm nay
Xứ Thanh hào sảng như sông Mã, nhưng nay Thanh Hóa không độc hành, Thanh Hóa đang cùng cả nước vững bước trên con đường tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sau đúng ¼ thế kỷ, đoàn học viên lớp B59, khóa VII, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chúng tôi quay trở lại thăm khu di tích lịch sử Lam Kinh – Di tích quốc gia đặc biệt. Chuyến đi do anh Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; anh Lê Minh, một doanh nhân có tâm và tầm của Thanh Hóa; anh Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các anh học viên lớp B59 đoàn Thanh Hóa tổ chức.
Chúng tôi vẫn lên Lam Kinh từ thành phố Thanh Hóa, với quãng đường chừng 50km, phong cảnh hai bên đường thật khác xưa với những ngôi nhà cao tầng san sát, các thị tứ sầm uất cho thấy một sức sống mới của Thanh Hóa trên hành trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, khi tới Lam Kinh, thật trái ngược với sự nhộn nhịp như đô thị trên đường đi là khu vực non xanh nước biếc 200ha vẫn được bảo tồn, gìn giữ vẹn nguyên như những gì chúng tôi biết đến 25 năm về trước. Và, có lẽ vùng đất địa linh, nhân kiệt này cũng đã được cha ông gìn giữ, bảo tồn như vốn có từ thời Phan Huy Chú viết Lịch triều hiến chương loại chí: Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên nước non xanh biếc, rừng rậm um tùm, Vĩnh lăng của Lê Thái Tổ, Hựu lăng của Lê Thái Tông và các lăng của vua nhà Lê ở đây cả, lăng nào cũng có bia.
25 năm trước, khi chúng tôi về đây thì di tích Chính điện Lam Kinh trải qua gần 600 năm biến động của lịch sử chỉ còn lại nền móng với những chân đá tảng. Nay, thật ngạc nhiên khi thấy ở đúng vị trí đó Chính điện đã được phỏng dựng hoành tráng theo đúng quy mô, kích thước và kiến trúc xưa. Khi thăm Chính điện, thắp hương tưởng nhớ tiền nhân xưa, chúng tôi cảm nhận như được trở về với không gian đầy linh thiêng và tôn nghiêm của tiền nhân từ thế kỷ 15.
Và, khi cùng anh Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa dâng hương đức Thái tổ Cao Hoàng đế tại Thái miếu, tôi như nghe thấy âm vang đâu đây lời tuyên cáo hào hùng của Bình định vương Lê Lợi:
Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống
Những lời cáo ghi lại một trong những thời đại oai hùng bậc nhất trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chống quân xâm lược và dựng xây quốc gia Đại Việt hùng mạnh:
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
Thanh Hóa là vùng đất có vị trí khá đặc biệt trong tiến trình lịch sử dựng xây và phát triển của đất nước Việt Nam từ thời kỳ văn hóa Cồn Chân Tiên, Đông Sơn cho đến ngày nay. Không chỉ có Di tích quốc gia đặc biệt – Lam Kinh, Thanh Hóa còn có tới 1535 di tích lịch sử, đây là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể quý giá đồng thời chứa đựng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: Đền Bà Triệu, Đền thờ Lê Hoàn, Đền thờ Lý Thường Kiệt, Đền thờ Trần Hưng Đạo, Thành nhà Hồ… Xứ Thanh quả thực là vùng đất hiếm hoi xứng với danh xưng: địa linh, nhân kiệt, nơi sản sinh ra 64 vị vua, chúa với 4 triều vua, 2 dòng chúa.
Ngày nay, với lợi thế hội tụ đủ các địa hình sinh thái: vùng núi, trung du, đồng bằng và vùng biển, những điều kiện căn bản nhất để Thanh Hóa vươn lên thịnh vượng, văn minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thanh Hóa, chính quyền và Nhân dân nơi đây đã nỗ lực không ngừng để dựng xây Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm của Bắc Trung bộ và của cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo, nông nghiệp giá trị gia tăng cao, dịch vụ logistic, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao. Đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía bắc và trở thành một tỉnh có quy mô kinh tế đứng thứ 8 cả nước, cao nhất các tỉnh thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để kinh tế phát triển nhanh và bền vững, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó là, 4 trung tâm kinh tế động lực gồm: Trung tâm động lực thành phố Thanh Hóa – thành phố Sầm Sơn; Trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn); Trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành – Bỉm Sơn); Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn – Sao Vàng). 5 trụ cột tăng trưởng gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Du lịch; Dịch vụ y tế; Phát triển hạ tầng. 6 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế ven biển; Hành lang kinh tế Bắc Nam; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; Hành lang kinh tế Đông bắc; Hành lang kinh tế trung tâm; Hành lang kinh tế Quốc tế.
Cho đến nay, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thu hút được 256 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 38 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 45,9 nghìn tỷ đồng và 463,7 triệu USD, hiện trên địa bàn tỉnh có 173 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng nguồn vốn đăng ký khoảng 15 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.
Giai đoạn 2021 – 2024, trên địa bàn tỉnh có gần 15 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đứng thứ 7 cả nước; đến hết năm 2024 có khoảng 22 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân hàng năm ước đạt 13,7%; năm 2024 đạt trên 198 nghìn tỷ đồng đứng thứ 7 cả nước về quy mô thị trường. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2024 đạt ước 6,3 tỷ USD, gấp 1,7 lần năm 2020. Hoạt động du lịch tăng trưởng ấn tượng với khoảng 42,2 triệu lượt khách trong giai đoạn 2021 - 2024, tăng bình quân 20,2%/ năm.
Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2024 đạt trên 189 nghìn tỷ đồng; năm 2024 đạt trên 54 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt 9,92%, đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh thành có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 đạt trên 318 nghìn tỷ đồng gấp 1,7 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Khi cùng nhau đi dạo trên Quảng trường biển Sầm Sơn xem show nhạc nước ấn tượng với sự kết hợp tinh tế giữa âm nhạc và ánh sáng, chúng tôi cảm nhận được rằng những con số trong báo cáo về kết quả hoạt động kinh tế, xã hội của Thanh Hóa thời gian qua không còn khô khan trên giấy tờ nữa mà đang hiển hiện thực tế sinh động trong cuộc sống ở ngay đây và ở mỗi nơi chúng tôi qua.
Nói đến Thanh Hóa thường không thể không nhắc đến núi Nưa, ngọn núi huyền tích, linh thiêng, nơi có Huyệt đạo trên đỉnh ngàn Nưa được xem là một trong 3 huyệt đạo linh thiêng nhất nước Việt. Tuy nhiên, khi viết về Thanh Hóa tôi lại nghĩ đến sông Mã, con sông đã tạo nên nền văn minh sông Mã như sông Hồng tạo nên nền văn minh sông Hồng. Sông Mã ăm ắp phù sa đã mang lại cho con người xứ Thanh những xóm thôn trù phú. Sông Mã chảy từ ngàn đời trong suốt chiều dài lịch sử đã hun đúc nên tính cách đặc trưng của con người xứ Thanh như Lịch triều hiến chương loại chí đã nhận xét: con người thì phóng khoáng và cương nghị, chuộng điều nghĩa. Tôi cũng bỗng nhớ đến câu thơ của Quang Dũng trong bài thơ Tây tiến: Sông Mã gầm lên khúc độc hành, khi biết rằng danh xưng Thanh Hóa đã có từ cả nghìn năm nay và trong lịch sử vùng đất này chưa từng bị chia tách, sáp nhập.
Xứ Thanh hào sảng như sông Mã, nhưng nay Thanh Hóa không độc hành, Thanh Hóa đang cùng cả nước vững bước trên con đường tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nhưng, có lẽ đặc biệt hơn, Thanh Hóa lại riêng có một mục tiêu phấn đấu mà không nơi nào có được: trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thanh Hóa ngày 20/2/1947: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu…Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.