Đặc sắc chương trình truyền hình trực tiếp 'Bản trường ca hòa bình'

Tối 6/4/2025, chương trình cầu truyền hình trực tiếp 'Bản trường ca hòa bình' diễn ra tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đắk Lắk và TP.HCM, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Đây là một trong những chương trình giao lưu chính luận, nghệ thuật đầu tiên, mở màn cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

 Chương trình “Bản trường ca hòa bình” được tổ chức tại 3 điểm cầu là Thủ đô Hà Nội (Trường quay Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội); TPHCM (Hội trường Thống Nhất - Di tích lịch sử Dinh Độc Lập) và tỉnh Đắk Lắk (Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột, TP Buôn Ma Thuột). Ảnh: kinhtedothi

Chương trình “Bản trường ca hòa bình” được tổ chức tại 3 điểm cầu là Thủ đô Hà Nội (Trường quay Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội); TPHCM (Hội trường Thống Nhất - Di tích lịch sử Dinh Độc Lập) và tỉnh Đắk Lắk (Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột, TP Buôn Ma Thuột). Ảnh: kinhtedothi

Chương trình do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thành ủy, UBND TP.HCM, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp thực hiện.

Điểm cầu Hà Nội là biểu trưng cho sự chỉ đạo chiến lược, quyết tâm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bác Hồ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến.

Điểm cầu Buôn Ma Thuột là nơi diễn ra trận đánh mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tạo bước ngoặt cho Đại thắng mùa xuân 1975.

Và điểm cầu Dinh Độc Lập (TP.HCM) là biểu tượng của chiến thắng, hòa bình và thống nhất đất nước, nơi ghi dấu thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975. Chương trình đã mang đến những câu chuyện và hồi ức xúc động từ các nhân chứng lịch sử, những người đã trực tiếp tham gia và chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc.

Đó là những cựu chiến binh thành cổ Quảng Trị, những người lính xe tăng tham gia trận đánh Buôn Ma Thuột khi tuổi đời còn rất trẻ (25-26 tuổi), và những phóng viên đã ghi lại khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4/1975.

Đặc biệt, tại điểm cầu Dinh Độc Lập, nhà báo Trần Mai Hưởng, Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, đã xúc động nhớ lại hình ảnh người dân Sài Gòn đã ùa ra đường khi đoàn quân tiến vào thành phố. Họ vừa chạy xe máy đi theo xe của đoàn, vừa hát bài “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về”.

Khán giả tại điểm cầu Dinh Độc Lập cũng đã cùng nhau hát vang những ca khúc đi cùng năm tháng như "Tiến về Sài Gòn", "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", và "Đất nước trọn niềm vui". Điểm cầu này còn có những màn trình diễn 3D mapping tái hiện lại quá trình đấu tranh gian khổ của dân tộc.

"Bản trường ca hòa bình" một lần nữa khẳng định thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến thắng này đã kết thúc 21 năm kháng chiến, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của thống nhất, độc lập và tự do.

Chương trình là minh chứng cho đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, tinh thần đoàn kết quốc tế, và nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dac-sac-chuong-trinh-truyen-hinh-truc-tiep-ban-truong-ca-hoa-binh-post341729.html
Zalo