Đặc phái viên của ông Trump: Châu Âu không có chỗ trong hòa đàm Nga-Ukraine
Lo ngại bao trùm châu Âu sau khi Đặc phái viên tổng thống Mỹ về Ukraine và Nga - ông Keith Kellogg nói rằng Châu Âu sẽ không có chỗ trong bàn đàm phán hòa bình về Ukraine.
Ngày 15-2, đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Ukraine và Nga - ông Keith Kellogg nói rằng Châu Âu sẽ không có chỗ trong bàn đàm phán hòa bình về Ukraine, theo hãng tin Reuters.
Tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), ông Kellogg nói rằng Mỹ sẽ đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán, với Ukraine và Nga là hai bên chính.
Khi được hỏi về khả năng châu Âu có mặt trên bàn đàm phán, ông Kellogg nói: “Tôi theo trường phái thực tế. Tôi nghĩ điều đó sẽ không xảy ra”.

Đặc phái viên tổng thống Mỹ về Ukraine và Nga - ông Keith Kellogg. Ảnh: EPA-EFE
Tại một sự kiện sau đó trong khuôn khổ hội nghị, ông Kellogg trấn an các nước châu Âu rằng điều này không có nghĩa là lợi ích của châu Âu bị bỏ qua. “Điều đó không có nghĩa là lợi ích của châu Âu không được xem xét, tận dụng hay phát triển” - vị đặc phái viên lưu ý.
Ông Kellogg nói thêm rằng các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine có thể xoay quanh việc nhượng bộ lãnh thổ từ phía Nga và tập trung vào nguồn thu dầu mỏ của Moscow.
“Nga thực chất là một quốc gia dầu mỏ” - ông Kellogg nói, đồng thời nhấn mạnh rằng các cường quốc phương Tây cần có các biện pháp hiệu quả hơn trong việc thực thi lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Các lãnh đạo châu Âu nhanh chóng chỉ trích phát biểu của ông Kellogg, cho biết châu Âu sẽ không chấp nhận việc bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte kêu gọi châu Âu có hành động cụ thể hơn.
“Với các nước Âu, tôi muốn nói: hãy tham gia vào cuộc tranh luận, không phải bằng cách phàn nàn về việc có hay không có chỗ trên bàn đàm phán, mà bằng cách đưa ra những đề xuất, ý tưởng cụ thể và tăng cường chi tiêu quốc phòng” - ông Rutte kêu gọi.
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cho rằng “không thể có chuyện đàm phán về Ukraine, tương lai của Ukraine hay cấu trúc an ninh châu Âu mà không có châu Âu”.
“Nhưng điều đó cũng có nghĩa là châu Âu cần hành động quyết liệt hơn. Châu Âu cần bớt nói và làm nhiều hơn” - ông Stubb nhấn mạnh.
Phát biểu của ông Kellogg được đưa ra sau khi Washington gửi một bản câu hỏi tới các nước châu Âu về những đóng góp tiềm năng của châu Âu vào các bảo đảm an ninh cho Kiev.
Ông Stubb cho biết bản câu hỏi mà Mỹ gửi tới châu Âu sẽ buộc các nước châu Âu phải suy nghĩ.
Một nhà ngoại giao châu Âu tiết lộ rằng tài liệu của Mỹ bao gồm sáu câu hỏi, trong đó có một câu hỏi dành riêng cho các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). “Người Mỹ đang tiếp cận các nước châu Âu và hỏi rằng châu Âu sẵn sàng triển khai bao nhiêu binh sĩ” - một nhà ngoại giao nói với Reuters.
Pháp hiện đang thảo luận với các đồng minh về khả năng tổ chức một cuộc họp không chính thức giữa các lãnh đạo châu Âu để bàn về vấn đề Ukraine, mặc dù chưa có quyết định nào được đưa ra, một quan chức của văn phòng Tổng thống Pháp nói với hãng tin AFP.
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói rằng cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 17-2.
Tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến các đồng minh châu Âu sửng sốt khi gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không tham vấn trước với châu Âu hay Ukraine. Ông Trump sau đó tuyên bố khởi động ngay lập tức các cuộc đàm phán hòa bình.
Các quan chức trong chính quyền Mỹ cũng nhiều lần nhấn mạnh trong những ngày qua rằng Washington kỳ vọng các đồng minh châu Âu trong NATO sẽ chịu trách nhiệm chính trong khu vực, vì Mỹ hiện đang ưu tiên các vấn đề khác như an ninh biên giới và ứng phó với Trung Quốc.
Theo Reuters, những động thái trên của Mỹ đã làm dấy lên lo ngại rằng châu Âu có thể bị gạt ra khỏi một thỏa thuận hòa bình trong cuộc chiến ở Ukraine.
Cũng tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) ngày 15-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi thành lập quân đội châu Âu, với lý do châu lục không còn có thể trông cậy vào Mỹ.
“Thành thật mà nói, giờ đây chúng ta không thể loại trừ khả năng Mỹ có thể nói ‘không’ với châu Âu về những vấn đề đe dọa đến lục địa này. Tôi thực sự tin rằng thời điểm đó đã đến. Lực lượng vũ trang châu Âu phải được thành lập” - ông Zelensky nói.