Đặc khu Phú Quý sẵn sàng vươn mình cùng tỉnh mới
Biển Phú Quý vẫn xanh một màu xanh thẳm, sóng vẫn vỗ về bãi đá, gió vẫn nhẹ nhàng qua từng tán dương ven đường. Nhưng giữa những nhịp điệu quen thuộc ấy, người dân đảo cảm nhận rất rõ một điều gì đó đang đổi thay - không phải là sóng hay gió, mà là vận mệnh của chính quê hương mình.

Phú Quý nhìn từ trên cao.
Từ một huyện đảo nhỏ bé giữa đại dương, Phú Quý chính thức trở thành Đặc khu biển – trực thuộc tỉnh Lâm Đồng mới, sau khi 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông hợp nhất thành một. Sự kiện này không chỉ là dấu mốc về địa lý, hành chính, mà còn mở ra một chương mới trong hành trình phát triển, đưa hòn đảo này trở thành một trong những điểm tựa chiến lược của cả vùng.
Từ “mắt xích chủ quyền” đến động lực phát triển
Nằm cách đất liền hơn 100 km, Phú Quý không chỉ là một đảo đơn lẻ mà là một quần đảo gồm 12 đảo lớn nhỏ, với diện tích khoảng 17,82 km² – được ví như “cực Nam” của hệ thống đảo ven bờ miền Trung. Với vị trí địa lý chiến lược, đảo từ lâu đã giữ vai trò “hậu cứ vững chắc” bảo vệ chủ quyền và an ninh hàng hải. Nay, khi trở thành Đặc khu, Phú Quý khoác thêm trọng trách mới không chỉ giữ biển mà còn làm giàu từ biển.
Ông Trần Văn Hoàng, một lão ngư hơn 40 năm bám biển, ngồi trên mũi ghe vừa về bến, ánh mắt nhìn xa về hướng đất liền, xúc động nói: “Chúng tôi thấy như có một nhịp đập mới trong lòng đảo. Mừng lắm. Vì từ nay đảo mình có vị trí chiến lược trong tầm nhìn phát triển của đất nước. Và, mỗi con tàu ra khơi không chỉ là mưu sinh, mà còn là khẳng định một vị trí mới của quê hương”.

Phú Quý trở thành Đặc khu.
Toàn đảo hiện có hơn 1.700 tàu cá, gần 600 tàu công suất lớn, sản lượng thủy sản đạt hơn 36.000 tấn mỗi năm, cao gấp ba lần so với 2 thập niên trước. Nghề biển không chỉ là sinh kế, mà là cách người dân nơi đây giữ hồn biển và giữ đảo. Và Phú Quý hôm nay không còn là “hòn đảo xa xôi” trong tâm thức nhiều người. Điện lưới quốc gia đã phủ kín 24/24 giờ; nước sạch, phong điện, viễn thông, trường học, trạm y tế đều đã vươn đến từng xóm nhỏ. Toàn đảo có hơn 27.800 thuê bao di động, 5.700 thuê bao internet, mở ra không gian sống động cho thương mại điện tử, quảng bá du lịch và đời sống số hóa. “Không chỉ có cá mú, mực một nắng, giờ đảo còn có TikTok, có livestream. Người trẻ ở đây biết quảng bá văn hóa quê hương, biết làm thương mại, mà vẫn giữ chất thật thà của người biển”, một thanh niên làm homestay trên đảo chia sẻ.
Không chỉ kinh tế, đời sống người dân đảo cũng đang thay đổi rõ rệt. Từ hơn 58 hộ nghèo vào năm 2005, đến nay Phú Quý chỉ còn 21 hộ nghèo tương đương 0,31% dân số. Hệ thống y tế, giáo dục, giao thông, công nghệ số đã và đang lan tỏa đến mọi thôn xóm, tạo nền tảng vững chắc để người dân an cư và vươn lên. Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân trên đảo chia sẻ: “Tôi sinh ra ở đảo, lớn lên ở đảo, chứng kiến từng thay đổi nhỏ. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy tương lai của Phú Quý gần gũi và rõ ràng đến thế”.
Động lực nâng tầm du lịch
Hiện nay, Phú Quý đang nổi lên như một trong những điểm đến hấp dẫn của vùng Nam Trung bộ. Vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ như: Bãi Nhỏ – Gành Hang, vịnh Triều Dương, đỉnh núi Cao Cát, hải đăng Phú Quý… không chỉ là tài nguyên du lịch mà là “bản sắc sống động” được thiên nhiên trao tặng. Bên cạnh đó là hệ sinh thái biển giàu có với san hô, dốc đá, những khoảnh khắc bình minh giữa đại dương và các lễ hội dân gian độc đáo. Du khách không chỉ đến để nghỉ dưỡng, mà còn để hòa vào không gian văn hóa, nơi tiếng trống chầu vang lên trong lễ hội cầu ngư, nơi những câu chuyện về tổ tiên đi mở biển vẫn được kể lại bên mâm cơm cá nục kho keo.
Năm 2024, đảo đón hơn 400.000 lượt khách, một con số ấn tượng với một địa phương chỉ khoảng 32.000 dân. Khởi nghiệp du lịch trở thành làn sóng mới: Từ dịch vụ homestay, hướng dẫn lặn ngắm san hô, trải nghiệm văn hóa biển, đến các mô hình du lịch kết hợp bảo tồn.

Người dân đảo hôm nay sẽ càng ý thức trách nhiệm và khát vọng vươn lên.
Ông Lê Hồng Lợi, Chủ tịch UBND Đặc khu Phú Quý cho biết: Để hiện thực hóa kỳ vọng lớn về việc xây dựng Phú Quý thành trung tâm du lịch, chúng tôi đang xây dựng lộ trình phát triển rõ ràng, đồng bộ giữa hạ tầng – dịch vụ – sinh thái – con người. Theo đó, Phú Quý định hướng phát triển theo mô hình du lịch xanh, sạch, thông minh. Giảm thiểu bê tông hóa, bảo vệ cảnh quan tự nhiên và tài nguyên biển. Khai thác giá trị văn hóa ngư dân, tín ngưỡng dân gian, ẩm thực đặc trưng. Đặc biệt, địa phương cũng đề xuất sớm triển khai cáp điện từ đất liền và xây dựng sân bay chuyên dùng lưỡng dụng, nhằm đảm bảo kết nối bền vững, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch và quốc phòng – an ninh.
“Chúng tôi không chọn phát triển ồ ạt. Chúng tôi chọn con đường phát triển bền vững, giữ lấy linh hồn biển đảo để làm nên một Đặc khu không chỉ hiện đại mà còn mang đậm bản sắc Việt” – ông Lợi khẳng định.
Vẫn là đảo xưa, vẫn con đường ôm triền đá, những tàu cá về trong hoàng hôn. Nhưng giờ đây, mỗi bước chân trên đảo đều mang một ý nghĩa mới. Đó là ý thức về trách nhiệm, về cơ hội, về khát vọng vươn lên từ đại dương. Phú Quý hôm nay đã trở thành điểm tựa, cánh tay nối dài của một tỉnh mới – nơi 3 vùng địa lý: Biển, cao nguyên và đất đỏ gặp nhau. Đó không chỉ là sự hợp nhất địa lý, mà là cuộc hội ngộ của 3 sắc thái bản sắc – để kiến tạo một tương lai chung, bền vững và giàu bản lĩnh.
Giữa tiếng sóng vỗ và nắng gió đại dương, có thể nghe thấy lời thì thầm rất rõ: “Biển ở đây. Người ở đây. Và chúng tôi đã sẵn sàng”.