Hành trình của những thước phim lưu động

Ít ai biết rằng, đằng sau những thước phim lưu động được trình chiếu để phục vụ khán giả, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa là cả sự hy sinh thầm lặng của các 'chiến sĩ' đội chiếu phim thuộc Trung tâm Xúc tiến Du lịch và Văn hóa, Điện ảnh Thanh Hóa. Bất chấp trời nắng hay mưa, không quản khó khăn, vất vả, hàng ngày họ vẫn đang nỗ lực, miệt mài để đưa những 'thước phim' về với bản, làng.

Một buổi chiếu phim lưu động phục vụ bà con vùng cao.

Một buổi chiếu phim lưu động phục vụ bà con vùng cao.

Sau nhiều giờ đồng hồ theo chân các “chiến sĩ” Đội chiếu phim số 1, Trung tâm Xúc tiến Du lịch và Văn hóa, Điện ảnh Thanh Hóa, chúng tôi cũng đến được bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy. Sau dăm ba câu chuyện với bà con dân bản, các “chiến sĩ” của đội chiếu phim bắt tay ngay vào công việc. Người thì căng phông, buộc dây, người thì lắp đặt, chỉnh máy, tăng âm loa đài... để chuẩn bị cho buổi tối biểu diễn văn nghệ và chiếu phim lưu động phục vụ bà con.

Anh Lê Thế Chuyên, phụ trách Đội chiếu phim số 1, cho biết: "Lần này, đến với bản Xía Nọi - nơi chủ yếu là bà con dân tộc Mông sinh sống, chúng tôi sẽ tổ chức chương trình văn nghệ do các nghệ sĩ, diễn viên đến từ Trung tâm Xúc tiến Du lịch và Văn hóa, Điện ảnh Thanh Hóa biểu diễn với nhiều tiết mục đặc sắc, như: hát, múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, truyền thống đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc trong tỉnh... Đồng thời, mang đến những thước phim về chiến tranh, cách mạng, đời sống xã hội như “Mùi cỏ cháy”, “Đường xuyên rừng", “Những chặng đường cách mạng vẻ vang”...".

“Nghề chiếu phim lưu động cũng lắm gian nan, nhất là đội chúng tôi lại phụ trách ở các địa bàn miền núi thì lại càng khó khăn hơn, bởi đường sá xa xôi, có nhiều nơi đường nhỏ, dốc, xe ô tô chở thiết bị còn không vào được, buộc chúng tôi phải vận chuyển bằng xe máy. Điểm chiếu phim nào gần thì mất vài giờ chạy xe, còn bản nào xa thì mất cả buổi, thậm chí đi từ sáng sớm đến tối mịt mới đến nơi... Khó khăn về giao thông, thời tiết hay xe hỏng là những vấn đề mà mọi người trong đội chúng tôi thường xuyên gặp phải. Không chỉ vậy, những hôm mưa gió đường trơn trượt, nhiều đèo dốc, tai nạn cũng luôn rình rập. Khi chiếu xong bộ phim, anh em trong đội thu dọn đồ nghề cũng phải đến 11 - 12 giờ đêm. Nghề chiếu bóng tuy vất vả nhưng những người làm nghề như chúng tôi cũng cảm thấy vinh dự, tự hào bởi mỗi khi đến vùng chiếu, thấy bà con hồ hởi, vui mừng chào đón bằng tình cảm chân thành thì mọi khó khăn dường như tan biến hết", anh Chuyên bộc bạch.

Bà Sùng Thị Lâu, người dân bản Xía Nọi chia sẻ: Với bà con vùng sâu, vùng xa, khi chúng tôi được xem những thước phim thấy vô cùng quý giá. Bởi vậy, khi nào có đoàn phim lưu động đến là cả bản vui như ngày hội, ai ai cũng hồ hởi đi xem. Hôm nay, chúng tôi được xem những bộ phim về Đảng, Bác Hồ, và đoàn làm phim cũng tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho bà con. Qua đó, không chỉ nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho chúng tôi".

Chia sẻ về hoạt động chiếu phim lưu động, ông Dương Ngọc Lâm, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Điện ảnh, Trung tâm Xúc tiến Du lịch và Văn hóa, Điện ảnh Thanh Hóa, cho biết: Hiện nay, trung tâm có 4 đội chiếu phim lưu động, tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Từ đầu năm 2025 đến nay, các đội đã chiếu được gần 800 buổi chiếu phim lưu động với các nội dung phim từ lịch sử đến truyền thống cách mạng, giải trí... phục vụ bà con ở hàng trăm thôn, bản, cơ quan, đơn vị, trường học... Riêng trong các dịp cao điểm như 19/5 và 2/9, các buổi chiếu được sắp xếp tăng cường. Dù hiện nay, những “thước phim” lưu động vẫn được bà con háo hức đón nhận, và là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, hoạt động chiếu phim lưu động cũng gặp không ít khó khăn trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin.

"Thực trạng đó đòi hỏi chúng tôi phải không ngừng nâng cao chất lượng, cả về mặt nội dung và công nghệ, nhất là quan tâm đầu tư máy chiếu phim kỹ thuật số hiện đại, đồng bộ, mua sắm thêm máy phát điện... đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Đồng thời, tăng cường đổi mới các thể loại phim theo hướng đa dạng và phong phú từ hình thức đến nội dung, liên tục cập nhật những bộ phim mới, có ý nghĩa xã hội và mang nội dung giáo dục cao. Cùng với đó là kết hợp lồng thêm tiếng dân tộc như Thái, Mường, Mông, Dao... vào trong phim để phục vụ bà con dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc lồng ghép, phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa cũng được các đội chiếu phim chú trọng. Qua đó, vừa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, vừa phát huy được tối đa hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của tỉnh", ông Dương Ngọc Lâm khẳng định.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hanh-trinh-cua-nhung-thuoc-phim-luu-dong-253952.htm
Zalo