Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới
Với tinh thần 'Học Bác một đời, học Bác mãi mãi', những người lính Bộ đội Cụ Hồ không chỉ bất khuất, kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, mà còn là những tấm gương sáng, đóng góp nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội. Trong tâm khảm mỗi cựu chiến binh (CCB), ngôi sao sáng nhất là ngôi sao cài trên mũ, trên áo và 'danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất' nên phải sống sao cho thật ý nghĩa.

Cựu chiến binh Trương Văn Khoa là tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế ở xã Thiệu Toán.
CCB Nguyễn Thế Hường, xã Hoằng Sơn mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng hoài niệm: “Khi chính thức bước chân vào đời binh nghiệp, xông pha trên các chiến trường chống đế quốc Mỹ xâm lược, tôi mới thấm thía sự tàn khốc của chiến tranh và sự hy sinh xương máu của anh em đồng đội. Được trở về với gia đình, với quê hương, tôi thấy số phận mình may mắn hơn rất nhiều các đồng đội khác. Bởi thế, sống và cống hiến để trả ơn đồng đội đã ngã xuống cho đất nước mình đứng lên, tôi đã không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng xung phong trên “mặt trận” mới - “mặt trận” phát triển kinh tế”.
Giữ vững bản lĩnh người lính Cụ Hồ giữa thời bình, năm 1992, CCB Nguyễn Thế Hường bắt tay vào làm kinh tế. 33 năm qua, dù có những lúc làm ăn không thuận lợi, nhưng chưa bao giờ ông Hường nản chí hay bỏ cuộc mà luôn linh hoạt, tìm hướng đi mới cho riêng mình. Từ đầu tư vào nông nghiệp đến chăn nuôi quy mô lớn, trồng các loại cây dược liệu, rồi xây dựng hồ câu cá giải trí..., mỗi năm CCB Nguyễn Thế Hường thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng, cá biệt có năm lên tới 2 tỷ đồng. Với CCB Nguyễn Thế Hường, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng không chỉ là đòi hỏi của cuộc sống mà còn là danh dự, phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Vì thế, còn sức lực ông vẫn sẽ lao động để xây dựng đời sống khá giả và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
“Là CCB, tôi nghĩ việc học và làm theo tấm gương của Bác phải thể hiện bằng những hành động thiết thực, cụ thể”. Đó là tâm niệm của ông Trương Văn Khoa, xã Thiệu Toán. Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, năm 2014, CCB Trương Văn Khoa đã mạnh dạn thành lập HTX cơ giới hóa nông nghiệp do ông làm giám đốc. Bắt tay vào thực hiện, ông Khoa đầu tư 2,7 tỷ đồng mua máy gặt, máy cày, máy cấy, sản xuất mạ khay, bán phân bón, lúa giống... phục vụ bà con nông dân. Thời kỳ đầu ông Khoa làm ăn rất hiệu quả. Vài năm sau đó, số máy phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng lên, ông Khoa nhanh chóng chuyển hướng làm ăn. Vẫn bám vào cái gốc rễ từ nông nghiệp, ông nhận thầu 5ha để thực hiện mô hình nuôi cá giống, cá thịt, cá - lúa kết hợp và nuôi vịt. Là người luôn đi tiên phong trong phát triển kinh tế, ông Khoa tiếp tục học hỏi kinh nghiệm và quyết định trồng 2ha sen. Từ công sức và đôi bàn tay lao động chăm chỉ, bền bỉ, mô hình kinh tế tổng hợp của CCB Trương Văn Khoa đã cho quả ngọt với thu nhập mỗi năm từ 400 - 500 triệu đồng.
Với cán bộ, hội viên CCB Thanh Hóa, phong trào thi đua “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” được thực hiện với nhiều hình thức phong phú. Nổi bật như phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi” đã khơi dậy tình đồng chí, đồng đội, tinh thần đoàn kết và ý chí nỗ lực vượt khó vươn lên trong mỗi người. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 700 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 230 HTX, gần 1.500 trang trại, hơn 5.000 gia trại do hội viên CCB làm chủ. Từ đó, đưa số hội viên khá, giàu trên địa bàn tỉnh tăng lên 60,14%. Phong trào làm theo Bác thực hành tiết kiệm cũng được triển khai rộng khắp. Hằng năm, mỗi cán bộ, hội viên CCB sẽ tiết kiệm 24.000 đồng để góp quỹ xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên nghèo. Từ nguồn quỹ này, 5 năm qua (2019-2024), Hội CCB Thanh Hóa đã làm mới và sửa chữa 486 ngôi nhà, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 23 tỷ đồng và giúp gần 30.000 ngày công lao động từ hội viên. Đây là con số rất phấn khởi, không chỉ minh chứng cho tình đồng chí, đồng đội năm xưa vẫn luôn sống mãi với thời gian mà còn mang theo hơi ấm của sự đùm bọc, sẻ chia đầy trách nhiệm.
Đặc biệt, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, Hội CCB đã phối hợp với đoàn thanh niên thực hiện chương trình phối hợp “Tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.522 buổi nói chuyện truyền thống với 288.145 lượt đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia. Là người từng trực tiếp chiến đấu, cống hiến tuổi xuân cho cuộc chiến, CCB Lương Sỹ Vui, phường Nam Sầm Sơn càng hiểu rõ trách nhiệm và tình cảm của mình đối với đất nước. Bởi thế mà suốt 17 năm qua, ông đã miệt mài “tiếp lửa” truyền thống cho biết bao thế hệ, để những trang sử vàng của dân tộc luôn được tỏa sáng và để trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước ngày càng được phát huy.
Khi non sông cất tiếng gọi, những người lính hăng hái xông pha trên khắp các trận tuyến khốc liệt luôn nêu cao quyết tâm “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. May mắn sống sót trở về, những người CCB ấy vẫn không ngừng nỗ lực, phấn đấu, tiếp tục đóng góp sức mình xây dựng quê hương. Đó là câu chuyện đẹp được viết nên từ bản lĩnh, ý chí, nghị lực của mỗi cán bộ, hội viên CCB quê hương Thanh Hóa anh hùng.