Đà Nẵng tập trung đầu tư phát triển cho văn hóa

Xác định vị thế của văn hóa trong bối cảnh mới, thành phố Đà Nẵng đang đẩy mạnh đầu tư cho văn hóa trên các lĩnh vực.

Năm 2023, Sở VHTT Đà Nẵng tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 1462/QĐ-UBND về Đề án “Phát triển văn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đến năm 2030”.

Đề án nhằm tăng cường, thúc đẩy hoạt động sáng tác, sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, tác phẩm viết về thành phố và con người Đà Nẵng.

Nỗ lực đưa vai trò của các văn, nghệ sĩ cùng đóng góp vào sự phát triển của xã hội, đẩy mạnh sáng tác mảng văn học, nghệ thuật dành cho thiếu nhi.

Hình thành giá trị bản sắc riêng cho văn học, nghệ thuật thành phố, góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa Đà Nẵng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Qua 50 năm xây dựng và phát triển, lĩnh vực văn học, nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng ngày càng lớn mạnh, đi vào chiều sâu, lan tỏa cảm hứng sáng tác tích cực đến với những người trong nghề.

Thành phố Đà Nẵng đã ban hành chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với một số cá nhân tiêu biểu là nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công các đơn vị biểu diễn nghệ thuật

Thành phố Đà Nẵng đã ban hành chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với một số cá nhân tiêu biểu là nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công các đơn vị biểu diễn nghệ thuật

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đánh giá:

“Qua 50 năm xây dựng và phát triển, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam, khẳng định vị thế của Đà Nẵng.

Văn học, nghệ thuật không chỉ là tấm gương phản ánh đời sống, mà còn là nguồn động lực, là sợi dây kết nối con người với nhau. Những nhà văn, nhà thơ cần tự đề ra những giải pháp nhằm tiếp tục phát huy, phát triển nền văn học, nghệ thuật của Đà Nẵng, phù hợp với bối cảnh mới của đất nước”.

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Văn học, nghệ thuật Đà Nẵng - 50 năm xây dựng và phát triển”, nhiềutham luận của các văn nghệ sĩ và nhà quản lý đã cho thấy những thành quả nổi bật mà văn học, nghệ thuật Đà Nẵng đã đạt được trong suốt 50 năm qua, từ thời kỳ sau giải phóng đến nay.

Các văn, nghệ sĩ cũng đưa ra một số định hướng và giải pháp phát triển bền vững cho văn học, nghệ thuật Đà Nẵng trong những năm tiếp theo, bám sát tiêu chí “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” cho văn hóa, nghệ thuật Đà Nẵng, nhưng cũng hòa nhập với xu thế hiện đại.

Theo bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật.

Qua đó khuyến khích văn nghệ sĩ thành phố tiếp tục sáng tạo cũng như tổ chức tốt các hoạt động văn học, nghệ thuật, đưa văn học, nghệ thuật đến với công chúng thành phố.

Ban hành chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với một số cá nhân tiêu biểu là nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của nhà hát Trưng Vương và nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Thành phố Đà Nẵng cũng ban hành Nghị quyết số 107/2023/NQ-HDND của HĐND thành phố về quy định chế độ hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân trên địa bàn thành phố đạt danh hiệu, thành tích cao tại các cuộc thi, liên hoan quốc gia, quốc tế trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Thời gian tới, Đà Nẵng tập trung triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29.8.2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, thông qua việc triển khai có hiệu quả đề án “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030”.

Mục tiêu phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, phát triển văn hóa ngang hàng với kinh tế, gắn với phát triển công nghiệp văn hóa. Vừa quảng bá bản sắc văn hóa Đà Nẵng với bạn bè trong và ngoài nước, vừa góp phần gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa của quốc gia, dân tộc.

NGỌC HÀ

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/da-nang-tap-trung-dau-tu-phat-trien-cho-van-hoa-130489.html
Zalo