Chuyện về những 'người hùng thầm lặng' hồi sinh sông Tô Lịch

Dưới cái nóng oi ả những ngày đầu Hè, giữa mùi hôi tanh nồng nặc của bùn sông và nước thải, những công nhân của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội vẫn miệt mài làm việc, từng gầu bùn được múc lên khỏi lòng sông Tô Lịch, gạn bỏ đi phần ô nhiễm, trả lại cho dòng sông lịch sử vẻ đẹp vốn có. Họ là những 'người hùng thầm lặng', đang ngày đêm góp sức mình vào hành trình 'giải cứu' dòng sông, viết tiếp giấc mơ về một Tô Lịch trong xanh, thơ mộng.

Đời công nhân thoát nước như một giấc mơ nhiều màu sắc

20h30 một ngày cuối tháng 4/2025, theo lịch đã hẹn, tôi có mặt tại bờ sông Tô Lịch, khu vực trước cổng nhà số 67 Nguyễn Khang, nơi Tổ sản xuất cơ giới số 10, thuộc Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp, Công ty TNHH MTV Thoát nước

Hà Nội làm việc. Lúc này mọi người đã hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị, bắt đầu thực hiện công việc nạo vét bùn sông. Dưới ánh sáng đỏ quạch của bóng đèn đường, từng tốp công nhân chia đều nhau ra làm việc. Người phụ trách máy hút trên bờ, người vận hành máy múc bùn trên sông, người điều khiển ống hút bùn trên khoang chứa dưới sông…. Mỗi người một việc, không ai bảo ai nhưng các công đoạn ăn khớp một cách tuyệt đối như kiểu giữa họ có một sợi dây liên lạc vô hình vậy. Ánh sáng từ bóng đèn gắn trên chiếc máy múc bồng bềnh trên mặt sông chiếu loang lổ xuống mặt nước hòa trộn với tiếng gầm gào của máy múc, máy hút bùn càng khiến cho không khí lao động trên công trường trở nên sôi nổi và gấp gáp. Thấy tôi đang lò dò ra công trường, anh Phan Kỳ San - Tổ trưởng Tổ sản xuất cơ giới số 10 giơ tay ra hiệu rồi nhanh chóng kéo tôi về bàn tiếp khách “dã chiến” được bố trí ngay trên bờ sông. Chén trà nóng rót vội và câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu giữa những tiếng ầm ào của máy móc hoạt động ngay bên cạnh.

Anh Phan Kỳ San - Tổ trưởng sản xuất có giới 10.

Anh Phan Kỳ San - Tổ trưởng sản xuất có giới 10.

Sinh năm 1971 tại TP Hải Phòng, năm 1992, sau 3 năm làm việc tự do, anh Phan Kỳ San được một người quen giới thiệu về làm tại Công ty THNN MTV Thoát nước

Hà Nội và chính thức bén duyên với nghề thoát nước. “Lúc mới về công ty tôi làm việc tại Xí nghiệp cống ngầm. Ở đó 9 năm rồi chuyển qua Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp và làm từ đó đến nay. Tính đến hiện tại cũng ngót 33 năm trong nghề rồi” – anh Phan Kỳ San nói. Trong chừng ấy thời gian làm nghề, anh Phan Kỳ San đã trải qua biết bao cung bậc cảm xúc, bao kỷ niệm. Từ những lần “tác nghiệp” dưới cống ngầm, lặn ngụp trong bùn thải, nước cống đến những chuyến ngâm mình trong nước thải dưới cái lạnh thấu xương của mùa Đông để dọn rác, vét bùn… Đối với anh, tất cả đều là kỷ niệm đáng nhớ.

Khi được hỏi đâu là khó khăn, vất vả nhất của nghề thoát nước, anh San trầm ngâm một lúc rồi bảo, nói về khó khăn, vất vả của nghề thì nhiều lắm, kể không hết được. Nhưng nếu để chọn ra điều khiến anh băn khoăn nhất, có lẽ là quá trình đô thị hóa. Nghe có vẻ không liên quan đến nghề của chúng tôi lắm nhưng quả thật, trong những năm gần đây, đô thị hóa nhanh, ao hồ ở Hà Nội dần biến mất hoặc bị thu hẹp khiến cho gần như toàn bộ các loại nước thải, rác thải đều đổ dồn ra các dòng sông. Áp lực cho sông ngòi vì thế cũng ngày một lớn hơn. Mỗi lần đi dọn dẹp vệ sinh các dòng sông, kênh mương, ngoài nước thải thì các loại rác là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với những công nhân thoát nước như anh San.

Công nhân của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nạo vét bùn làm sạch sông Tô Lịch. Ảnh Phạm Hùng.

Công nhân của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nạo vét bùn làm sạch sông Tô Lịch. Ảnh Phạm Hùng.

Anh kể, một trong những kỷ niệm mà anh nhớ nhất trong suốt 33 năm làm nghề của mình gắn liền với nỗi ám ảnh này. “Đó là cái lần tôi với anh em trong xí nghiệp đi dọn dẹp một đoạn cống ở trên Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Ba Đình – PV) cách đây khoảng gần chục năm. Đó là một đoạn kênh dài ken đầy rác thải. Rác nhiều đến mức một người có trọng lượng tầm 50 – 60kg đi trên bè rác bình thường như đang đi trên mặt đất, không có bất cứ dấu hiệu sụt lún nào. Tôi ước tính bè rác trên đoạn cống đó phải dày tới cả mét. Đủ các loại rác thải trên đời đều tập trung ở đó” – anh San nhớ lại. Cả một đoạn cống dài hàng trăm mét ken đầy rác trong khi “tổ làm việc” chỉ có hai người. Suốt hơn một tháng trời ròng rã, anh San và người đồng nghiệp của mình đã phải làm việc liên tục như “đánh vật” mới có thể dọn dẹp được hết núi rác, khơi thông dòng chảy cho đoạn cống đó. Đến nay, sau hơn 10 năm nghĩ lại anh San vẫn còn rùng mình: “Phải nói là khi mới đến nơi, nhìn thấy hiện trạng đoạn cống tôi đã bị choáng. Đến khi hoàn thành công việc, chúng tôi vẫn còn thấy mơ hồ, không nghĩ mình có thể làm được việc đó”.

Sau 33 năm làm nghề, giờ nhìn lại nhiều lúc anh San vẫn có cảm giác lâng lâng mơ hồ như vừa trải qua một giấc mơ. Và để đi hết được giấc mơ nhiều màu sắc ấy, anh luôn cảm thấy tự hào và biết ơn người bạn đời của mình. Người đã luôn chia sẻ và cảm thông cho anh mọi việc trong cuộc sống cũng như công việc. “Có những bữa cơm chiều vừa dọn, chưa kịp cầm đũa thì tôi nhận lệnh đi làm chống ngập úng. Thế là vợ tôi cũng lại phải bỏ bát đũa xuống, đi chuẩn bị đồ nghề cho tôi kịp lên đường” – anh San vừa nói, vừa phóng tầm mắt ra khoảng không trước mặt với vẻ mặt trầm ngâm. Anh bảo, những ngày đầu, mỗi lần đi làm trong hoàn cảnh đó, nhìn bóng dáng người vợ đứng trước hiên nhà khuất dần sau bóng tối, một cảm giác bâng khuâng khó tả cứ dâng trào trong anh. Rồi khóe mắt của người đàn ông nghị lực ấy chợt nhòe đi tự lúc nào không rõ. Anh bảo, công việc nào cũng có cái vất vả riêng, không chỉ mỗi việc thoát nước của anh. Nhưng để theo được nghề này với một thời gian dài như vậy thì sự thông cảm, sẻ chia của người thân phải rất lớn. Vì thế anh muốn gửi lời cảm ơn thật nhiều đến người vợ của mình, chị không chỉ cảm thông, thấu hiểu cho công việc của anh mà còn âm thầm ở đằng sau vun vén chu toàn cho gia đình, giúp anh yên tâm công tác.

Hành trình còn dài của những “người hùng thầm lặng”

Một nhân vật kỳ cựu khác của Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp mà tôi gặp là anh Nghiêm Văn Huynh – Tổ trưởng Tổ sản xuất cơ giới số 11. Không giống như anh San đến với nghề thoát nước từ năm 21 tuổi, anh Huynh lại trải qua một khoảng thời gian khá dài làm trong lĩnh vực xây dựng rồi mới bén duyên với công việc hiện tại. Ban đầu làm việc trong nhà máy gạch của Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng chuyên ngành.

Anh Nghiêm Văn Huynh - Tổ trưởng sản xuất có giới 11.

Anh Nghiêm Văn Huynh - Tổ trưởng sản xuất có giới 11.

Đến năm 1987, anh Huynh quyết định đi học lớp đào tạo máy xúc và không ngờ chính quyết định này đã thay đổi hoàn toàn nghề nghiệp của mình sau này. Năm 1991, tốt nghiệp lớp đào tạo máy xúc, anh Huynh chuyển sang làm việc tại Tổng Công ty gốm xây dựng, quanh năm rong ruổi đi theo công trình trên khắp mọi miền đất nước. Công việc mới cho anh thêm nhiều thu nhập hơn những cũng khiến sức khỏe anh ảnh hưởng bởi những chuyến đi dài.

Năm 1998, khi nhận được đề nghị của một người quen tại Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, anh Huynh quyết định dừng lại những chuyến đi dài để đầu quân về với nghề thoát nước. Quá trình làm việc tại đơn vị mới, anh nhận thấy nếu không thực hiện cơ giới hóa, mang máy móc hiện đại vào phục vụ công việc thì rất khó để cải thiện năng suất lao động. Nghĩ là làm. Anh mày mò nghiên cứu rồi phát minh ra bộ phao dành riêng cho máy múc. Với bộ phao này, các máy múc có thể dễ dàng hoạt động và di chuyển trên mặt sông, thực hiện việc múc bùn đất từ dưới lòng sông, đổ vào các xuồng chứa bùn trước khi cho máy hút hút lên bờ. Phát kiến của anh Huynh đã tạo ra một cuộc cách mạng thật sự trong công việc nạo hút bùn sông, hồ. Với bộ phao đặc dụng này, máy móc cơ giới đã thay thế cách làm thủ công trước đây của con người, từ đó tạo ra năng suất lao động vượt trội.

Từ đó đến nay, những chiếc phao đặc dụng do anh Huynh phát minh vẫn có mặt trên mọi công trường nạo vét sông, hồ của đơn vị, kể cả chiến dịch nạo vét sông Tô Lịch và đơn vị anh đang triển khai. “Trong bất kỳ lĩnh vực nào, sự xuất hiện của khoa học kỹ thuật, của máy móc hiện đại cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Tôi cảm thấy vui vì mình cũng đã có chút đóng góp nhỏ nhoi vào công việc của công ty cũng như vào chiến dịch làm sạch sông Tô Lịch mà TP đang triển khai” – anh Huynh tâm sự.

Công nhân của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nạo vét bùn làm sạch sông Tô Lịch. Ảnh Phạm Hùng.

Công nhân của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nạo vét bùn làm sạch sông Tô Lịch. Ảnh Phạm Hùng.

Những ngày cuối tháng 4/2025, tuyến đường Nguyễn Khang, đoạn từ nút giao với đường Trần Duy Hưng xuôi về khu vực Cầu Giấy bỗng đông đúc, náo nhiệt hơn thường lệ. Từng đoàn xe chuyên dụng màu vàng của Công ty TNHH TMV Thoát nước Hà Nội nối đuôi nhau đứng ngay ngắn bên đường. Từng nhóm công nhân trong bộ quần áo bảo hộ màu vàng hối hả tập hợp. Rồi chẳng ai bảo ai, mỗi người một việc, nhanh chóng chuẩn bị máy móc, lắp ráp trang thiết bị sẵn sàng cho việc nạo vét bùn dưới lòng sông Tô Lịch. Đây là công việc họ đã thực hiện trong suốt nhiều tháng qua nhằm hướng tới mục tiêu chung là hồi sinh dòng sông lịch sử của TP.

Công việc nạo vét bùn thải tại sông Tô Lịch không chỉ là một hoạt động kỹ thuật thông thường mà còn là một cuộc chiến thực sự với thời gian, điều kiện tự nhiên và những khó khăn chồng chất. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã huy động toàn bộ nguồn lực, từ các thiết bị chuyên dụng như máy xúc, xà lan đến xe hút bùn hiện đại, nhằm xử lý khối lượng bùn thải khổng lồ tích tụ qua nhiều năm. Theo kế hoạch được phê duyệt, khoảng 40.000 mét khối bùn thải sẽ được nạo vét và xử lý trước tháng 8 năm 2025. Đây là một con số ấn tượng, minh chứng cho quy mô và tầm quan trọng của dự án, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa con người và máy móc để bảo đảm tiến độ.

Sau khi bùn được hút lên, quá trình vận chuyển và xử lý phải được thực hiện bài bản để bảo đảm không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Công nhân và kỹ sư còn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn lao động, trong khi vẫn phải đối mặt với những thách thức từ địa hình và thời tiết. Trong chiến dịch nạo vét sông Tô Lịch, Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chính là lực lượng nòng cốt.

Sông Tô Lịch nhìn từ trên cao. Ảnh Phạm Hùng.

Sông Tô Lịch nhìn từ trên cao. Ảnh Phạm Hùng.

Câu chuyện của chúng tôi bất ngờ bị chen ngang bởi giọng nói sang sảng của anh Phan Kỳ San. Hai tay cầm 2 quả dưa hấu, anh San nói với giọng sảng khoái: “Mọi người nghỉ tay ăn hoa quả. Quà của bà con tặng anh em công nhân chúng ta”. Quả dưa hấu bổ ra đỏ tươi, mỗi người một miếng ngọt lịm và mát rượi. Anh San cho biết, từ lúc thực hiện công tác nạo vét sông Tô Lịch đến nay, các anh vẫn thường xuyên nhận được những món quà nho nhỏ mà ý nghĩa như vậy từ tay bà con Nhân dân sống hai bên bờ sông Tô Lịch. Hôm thi hoa quả, hôm thì vắt xôi, lúc thì chai nước… những món quà nhỏ từ tay người dân đã mang đến nguồn động viên rất lớn cho anh San, anh Huy và những công nhân thoát nước đang ngày đêm âm thầm góp sức vào công cuộc hồi sinh sông Tô Lịch. “Bà con không chỉ cho quà mà còn có những lời động viên, cảm ơn anh em khiến anh em chúng tôi rất xúc động.

Chúng tôi cảm thấy vui và tự hào khi được góp một phần nhỏ công sức của mình vào công cuộc hồi sinh dòng sông lịch sử này” – anh San nói với giọng xúc động. Kết thúc buổi nói chuyện, tôi tạm biệt các anh khi trời dần về khuya để trở về nhà. Nhưng với các anh, buổi làm việc vẫn còn kéo dài, dài lắm.

Ngày 16/4/2025, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội có Tờ trình số 40/TTr-TNHN đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện công tác nạo vét, cải tạo sông Tô Lịch. Trong tờ trình trên, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội báo cáo UBND TP Hà Nội và Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội xem xét khen thưởng, động viên đối với hai tập thể và 9 cá nhân đã có thành tích trong triển khai thực hiện công tác nạo vét, cải tạo sông Tô Lịch. Anh Phan Kỳ San - Tổ trưởng Tổ sản xuất cơ giới số 10 và anh Nghiêm Văn Huynh - Tổ trưởng Tổ sản xuất cơ giới số 11 là 2 trong số 9 cá nhân nằm trong danh sách được đề nghị khen thưởng.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-hung-tham-lang-hoi-sinh-song-to-lich.690783.html
Zalo