Hành trình mới của du lịch miền trung
Từ sự kiện khai mạc 'Năm Du lịch quốc gia 2025' tại thành phố Huế, liên kết vùng giữa năm tỉnh, thành phố miền trung bước vào giai đoạn mới, không chỉ là bắt tay trên giấy mà là hành trình cùng phát triển, cùng chia sẻ, cùng lan tỏa.

Điểm du lịch tại Hội An, tỉnh Quảng Nam thu hút du khách.
Nếu mỗi địa phương là một giai điệu riêng thì Năm Du lịch quốc gia 2025 vừa được khai mạc tại thành phố Huế chính là bản giao hưởng mở đầu cho một hành trình mới của du lịch miền trung. Từ Huế, Quảng Nam đậm đặc di sản, đến Đà Nẵng hiện đại; từ Quảng Nam cổ kính đến Quảng Bình, Quảng Trị thấm đẫm dấu ấn tự nhiên và lịch sử.
Hợp tác để cùng lan tỏa
Năm địa phương như những nốt nhạc hòa vào nhau, tạo nên giai điệu du lịch liên vùng đầy sắc thái. Và phía sau ánh đèn khai mạc, phía sau những con số và sự kiện là một chiến lược liên kết đang từng bước đi vào chiều sâu, sáng tạo, bền vững và đầy kỳ vọng. Năm địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động chung như: Tham gia hội chợ, xúc tiến quảng bá tại thị trường trọng điểm (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hàn Quốc, Nhật Bản...); tổ chức các chương trình famtrip, hội thảo phát triển sản phẩm liên vùng; xây dựng thương hiệu điểm đến chung...
Trước đó, tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2024, gian hàng chung của năm địa phương rộng 108 m2 đã thu hút khoảng 3.000 lượt khách, phát hành hàng nghìn ấn phẩm và được vinh danh là “Gian hàng có quy mô lớn nhất”. Tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh 2024 (ITE HCMC 2024), gian hàng chung tiếp tục tạo dấu ấn với 434 cuộc hẹn thương mại B2B và hơn 3.000 lượt khách tham quan.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Thị Lan Hương, việc xây dựng hình ảnh điểm đến miền trung với thương hiệu chung giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả tiếp cận thị trường và tạo dấu ấn mạnh mẽ hơn với du khách.
Không dừng ở quảng bá, liên kết còn thể hiện qua phát triển sản phẩm đặc thù như: “Con đường di sản miền trung”, hành trình văn hóa-ẩm thực, du lịch sinh thái cộng đồng miền núi, du lịch MICE, carnival... Mỗi địa phương có thế mạnh riêng nhưng gắn kết để bổ trợ lẫn nhau. Giám đốc Sở Du lịch thành phố Huế Trần Thị Hoài Trâm nhận định: “Huế giàu di sản, Đà Nẵng hiện đại, Quảng Nam cổ kính, Quảng Trị, Quảng Bình nổi bật với du lịch lịch sử cách mạng và sinh thái. Đây là hành trình trải nghiệm đa dạng và toàn diện”.
Mặc dù đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực nhưng liên kết du lịch của năm địa phương miền trung vẫn còn nhiều rào cản.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết là chính cộng đồng địa phương. Từ người chèo đò ở Tam Giang đến hộ dân làm du lịch ở A Lưới (Huế), làng rau Trà Quế (Quảng Nam)... mỗi người dân là một đại sứ văn hóa, là điểm chạm chân thật nhất với du khách. Muốn liên kết bền vững, không thể bỏ quên tiếng nói và lợi ích của họ, những người giữ gìn tài nguyên du lịch ngay từ gốc.
Mặc dù đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực nhưng liên kết du lịch của năm địa phương miền trung vẫn còn nhiều rào cản. Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế cho rằng: “Liên kết phải đi vào thực chất, cần có sản phẩm rõ ràng, cơ chế phối hợp lâu dài, đặc biệt trong kết nối hạ tầng và chia sẻ lợi ích”.
Thực tế cho thấy, tour, tuyến liên vùng còn manh mún, hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu cơ chế điều phối chung. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế nhấn mạnh: “Liên kết chủ yếu tập trung vào quảng bá, còn liên kết trong quản lý nhà nước, chuyển đổi số, sản phẩm... vẫn hạn chế”.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Liên kết là then chốt với miền núi, nơi tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả. Nhưng hiện nay thiếu cơ chế ràng buộc và sự tham gia sâu của doanh nghiệp”. Từ phía doanh nghiệp, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc VITRACO Tour đề xuất: “Miền trung cần tổ chức sản phẩm theo chuỗi, chia sẻ khách hàng, chi phí, lợi ích để tạo sức cạnh tranh quốc tế”.
Đột phá trên chặng đường mới
Để đi vào chiều sâu, các địa phương thống nhất xây dựng kế hoạch liên kết hằng năm, phân công rõ ràng, tăng vai trò doanh nghiệp, hiệp hội du lịch. Đặc biệt, Năm Du lịch quốc gia Huế 2025 là cơ hội để thể hiện sự gắn kết thực chất.
Ông Hồng đề xuất, cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối như cao tốc, cảng, sân bay; phát triển sản phẩm cấp vùng gắn với làng nghề, ẩm thực, cảnh quan đặc trưng. Trong khi đó, ông Tùng kiến nghị thành lập cơ quan điều phối vùng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu dùng chung hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời cần có một trang website với công nghệ AI bằng nhiều thứ tiếng để giúp khách hàng khắp nơi trao đổi, tìm hiểu trước khi đến miền trung Việt Nam du lịch.
Ngoài ra, miền trung cũng cần xây dựng hệ sinh thái du lịch sáng tạo, du lịch sức khỏe, visa dài hạn cho người cao tuổi, thủy phi cơ, chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, phát triển các tour tàu di sản Huế-Đà Nẵng. Từ góc độ quản lý, ông Phương lưu ý: “Liên kết phải cụ thể hóa bằng kế hoạch hành động có nguồn lực rõ ràng, quy hoạch chung, đầu tư hạ tầng và đánh giá kết quả hằng năm”.
Một trong những điểm sáng đáng chú ý trong chuỗi liên kết là việc giới thiệu các sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính đặc trưng từng vùng. Các tour carnival xuyên tỉnh, các hành trình trải nghiệm bằng tàu kết nối di sản Huế-Đà Nẵng, hay chuỗi sản phẩm du lịch cộng đồng vùng cao gắn với OCOP và bản sắc tộc người thiểu số... đã bắt đầu tạo được dấu ấn riêng. Không chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm, những mô hình này còn mở ra hướng đimới:Dulịchsâu-dulịchcó chiều sâu bản địa.
Ông Phương khẳng định, Năm Du lịch quốc gia 2025 được tổ chức tại thành phố Huế không chỉ là vinh dự riêng của vùng đất Cố đô mà còn là cơ hội vàng để cả dải đất miền trung lan tỏa sức hút. Liên kết du lịch không chỉ giúp các địa phương cùng nhau xây dựng sản phẩm mà còn là cách để nâng tầm thương hiệu du lịch miền trung trên bản đồ khu vực và quốc tế.
Trong bối cảnh xu hướng du lịch toàn cầu ngày càng ưu tiên trải nghiệm sâu, thực chất, bản địa, thì việc các tỉnh, thành phố miền trung không cạnh tranh mà bổ trợ cho nhau chính là lợi thế khác biệt. Khi hình ảnh một miền trung đa sắc, từ di sản đến biển đảo, từ vùng cao bản địa đến thành phố hiện đại được quảng bá đồng nhất, du khách không chỉ nhìn thấy điểm đến mà còn thấy một hành trình đầy hấp dẫn và thú vị. Đó cũng là cách giá trị văn hóa bản địa được lan tỏa rộng hơn, không bó hẹp trong từng địa phương mà được kể thành một câu chuyện xuyên suốt vùng.
Cùng với chuyển đổi số, các nền tảng truyền thông mới và nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, liên kết chính là công cụ để ngành du lịch miền trung vượt qua điểm nghẽn “tỉnh lẻ”, tạo ra sức hút vùng với dấu ấn riêng. Thay vì đi riêng lẻ và yếu ớt, các địa phương đang có cơ hội để đi cùng nhau nhanh hơn, mạnh hơn và lâu dài hơn. Các địa phương đang cùng chung tay để các hoạt động mang tính liên vùng được triển khai đồng bộ: Quảng bá chéo, tour tuyến kết nối, truyền thông thống nhất... Sự kiện không chỉ là một lễ hội kéo dài, mà là một chiến dịch lan tỏa hình ảnh miền trung ra quốc tế.
Điều quan trọng nhất, có lẽ không nằm ở những sự kiện ngắn hạn mà ở cách các địa phương đang học cách “chơi cùng một bản nhạc”. Thành phố Huế không chỉ giữ vai trò trung tâm di sản mà còn đẩy mạnh phát triển biển, đầm phá, cộng đồng, tâm linh và nghỉ dưỡng cao cấp. Đà Nẵng, Quảng Nam cùng nổi bật với hệ sinh thái du lịch đa dạng như: Biển, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, tâm linh, MICE và chiều sâu văn hóa. Quảng Bình, Quảng Trị góp thêm trải nghiệm thiên nhiên kỳ vĩ và ký ức chiến tranh. Sự đồng hành ấy nếu tiếp tục được nuôi dưỡng bằng cam kết thật và hành động thật sẽ là “lực kéo mềm” đưa miền trung vươn xa một cách tự nhiên và bền vững.
Một đề xuất được nhiều chuyên gia nhấn mạnh là cần có một trung tâm điều phối liên kết vùng, không thuộc riêng tỉnh nào để đứng ra làm đầu mối điều hành, xây dựng kế hoạch, chuẩn hóa dữ liệu, kết nối doanh nghiệp và truyền thông thống nhất. Đây sẽ là bộ máy trung gian giúp gắn kết thực chất các địa phương, đồng thời bảo vệ lợi ích vùng một cách hài hòa, bền vững.
So với nhiều vùng khác như Tây Bắc, Đông Nam Bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long - nơi cũng đã có mô hình liên kết du lịch thì miền trung đang sở hữu một lợi thế riêng: Tính kế thừa và chiều sâu văn hóa. Tuy nhiên, chính sự phong phú này cũng đòi hỏi phải có chiến lược liên kết tinh tế hơn, không dàn trải, không trùng lặp. Mỗi địa phương cần giữ được bản sắc riêng trong tổng thể chung, vừa tạo dấu ấn cá nhân, vừa hòa nhịp với một thông điệp vùng thống nhất. Chỉ khi nào tiếng nói chung được xây dựng trên nền tảng tôn trọng khác biệt, thì du lịch miền trung mới thật sự trở thành một thương hiệu vùng bền vững.