Quy định chi tiết về bảo mật và an toàn dữ liệu cá nhân
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia tham gia góp ý một số nội dung thiết thực liên quan dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 12/5, ĐBQH đoàn Hà Tĩnh cùng các tỉnh Hải Dương, Ninh Thuận thảo luận tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia tham gia góp ý một số nội dung thiết thực liên quan đến các quy định về bảo mật, an toàn dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền lợi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh cùng các tỉnh Hải Dương, Ninh Thuận thảo luận tổ chiều 12/5.
Hỗ trợ và bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội
Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia cho rằng,một trong những vấn đề quan trọng của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là quy định về việc chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài. Do đó, cần xây dựng quy định cụ thể cơ chế đánh giá mức độ bảo vệ dữ liệu của các quốc gia, đồng thời quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý để giám sát chặt chẽ hơn việc này.
Theo đại biểu, hiện nay, dữ liệu của người tiêu dùng rất dễ bị lợi dụng bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, cần bổ sung quy định yêu cầu bên thu thập dữ liệu trình bày rõ ràng, ngắn gọn hoặc tách bạch giữa các nội dung về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các điều khoản liên quan đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ nhằm bảo vệ quyền lợi của người sử dụng, đồng thời tăng cường lòng tin và uy tín của tổ chức, doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định chi tiết về bảo mật và an toàn dữ liệu, đặc biệt là đối với dữ liệu cá nhân nhạy cảm và dữ liệu trẻ em trong nghĩa vụ của bên xử lý dữ liệu vì hiện nay, một số nền tảng trực tuyến có thể tiếp tục truy cập dữ liệu cá nhân ngay cả khi người dùng đã xóa tài khoản, việc này gây nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam. Đồng thời, quy định về hỗ trợ và bảo vệ nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương trong xã hội (người già, trẻ em, người khuyết tật chưa am hiểu về công nghệ thông tin), vì đây là nhóm đối tượng người yếu thế, dễ bị tổn thương cần sự hỗ trợ của cộng đồng và căn cứ pháp luật để bảo vệ.
Nâng cao hiệu quả bảo vệ dữ liệu cá nhân phù hợp với từng lĩnh vực
Góp ý về các quy định cụ thể trong dự thảo Luật, về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng bổ sung quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân trong từng lĩnh vực cụ thể như: tài chính, ngân hàng, y tế, thương mại điện tử, truyền thông - mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo và internet; giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ dữ liệu cá nhân, phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực và đảm bảo tính thực tiễn trong quá trình triển khai luật.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu thảo luận.
Về hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7, đại biểu đề nghị bổ sung quy định các hành vi bị cấm khác, vì đây là luật mới, nhiều nội dung chuyên ngành có thể phát sinh trong hoạt động cũng như xu thế và khoa học kỹ thuật hiện nay, khi phát sinh thì có thể được bổ sung trong nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật.
Ngoài ra, tại khoản 5 quy định “mua, bán dữ liệu cá nhân” là hành vi bị nghiêm cấm, theo đại biểu, thực tế có một số hoạt động yêu cầu trao đổi dữ liệu cá nhân để phục vụ các mục đích khác nhau mà không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thể dữ liệu. Đơn cử như trong nghiên cứu, dữ liệu có thể được chia sẻ để phục vụ mục đích khoa học, miễn là được ẩn danh hoặc ẩn danh hóa và nghiên cứu được thực hiện một cách có đạo đức. Tương tự, trong giao dịch kinh doanh, dữ liệu có thể được cung cấp cho người mua tiềm năng của một doanh nghiệp nhằm hỗ trợ quá trình mua bán. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung một số trường hợp ngoại lệ để phù hợp với thực tiễn.