Đà Nẵng đưa Đề án 06 đến gần với người dân hơn
Xác định lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06, tại TP Đà Nẵng đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân. Để có thể đưa Đề án 06 đến gần hơn với người dân là sự nỗ lực rất lớn của lực lượng Công an và các cấp chính quyền địa phương.
Kinh doanh cho thuê nhà trọ, chị Trương Thị Vũ Trinh (trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) phải thường xuyên làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người thuê trọ. Khi biết có thể đăng ký tạm trú qua cổng dịch vụ công trực tuyến, chị đã liên hệ ngay với tổ công tác triển khai Đề án 06 tại tổ dân phố để được hướng dẫn các bước thực hiện. Đây là sự thay đổi lớn giúp chị tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Chị Trinh chia sẻ: “Mình cho thuê nhà trọ, người ra người vào liên tục nên phải đăng ký tạm trú thường xuyên. Mỗi lần có người thuê trọ mới lại phải lên cơ quan Công an đăng ký thì rất mất thời gian. Giờ có thể đăng ký tạm trú qua dịch vụ công thì tiện lợi hơn rất nhiều”.
Có nhu cầu xin visa để đi du lịch, ông Nguyễn Văn Minh đã được tổ công tác triển khai Đề án 06 hướng dẫn làm giấy xác nhận thông tin cư trú trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Chỉ trong vài phút thao tác trên điện thoại, ông đã có thể hoàn thành xong thủ tục ngay tại nhà. Ông Minh vui mừng bày tỏ ông rất hài lòng khi đỡ phải đi tới đi lui nhiều. “Ngồi ở nhà cũng làm được. Rất cảm ơn các anh chị đã hướng dẫn nhiệt tình. Mới đầu thì hơi bỡ ngỡ nhưng sau này tôi sẽ sử dụng nhiều hơn thì tôi nghĩ cũng đơn giản thôi, vì nó rất dễ làm. Tôi cảm thấy hiệu quả Đề án 06 mang lại đã đến gần hơn với người dân”, ông Minh nói.
Đó chỉ là 2 trong số nhiều dịch vụ công trực tuyến khác mà Đề án 06 mang lại cho người dân, để người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, vì thói quen và tâm lý ngại thay đổi nên nhiều người vẫn lựa chọn đến trực tiếp các cơ quan để làm thủ tục hành chính. Hiểu được tâm lý đó, Công an TP Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan đang nỗ lực đưa Đề án 06 đến gần hơn với người dân.
Trung tá Phạm Thị Diệu Thúy - Đội trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Đà Nẵng thông tin, hiện nay, TP Đà Nẵng đã kết nối, tích hợp giữa hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố và triển khai đến 100% các sở, ngành, địa phương trực thuộc UBND TP để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong CSDLQG về DC phục vụ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công. Theo đó, đã triển khai cung cấp 22/25 dịch vụ công thiết yếu, đang triển khai 03/25 dịch vụ công thiết yếu còn lại theo Đề án 06/CP. Trong 6 tháng đầu năm, đã tiếp nhận, giải quyết 259.976 hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công, trong đó, một số dịch vụ công có tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến đạt 100% và cao trên 90%. Ngoài ra, đang thực hiện nghiêm túc việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để kết nối, chia sẻ phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Đến nay, có 2.598 hồ sơ đã số hóa các trường dữ liệu điện tử; 117.566 kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được ký số để trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp; 5.706 hồ sơ có ký số thành phần hồ sơ.
Mặt khác, thời gian qua toàn lực lượng Công an TP Đà Nẵng đã mở đợt cao điểm thu nhận hồ sơ căn cước công dân (CCCD) và Định danh điện tử mức 2 cho công dân. Mục tiêu đặt ra phải về đích trước ngày 30-7 theo kế hoạch của Bộ Công an đề ra. Qua theo dõi, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH ghi nhận nhiều cách làm hay của Công an các địa phương và đã “về đích” sớm trước hạn như: P. Bình Thuận, P. Hòa Thuận Đông của Q. Hải Châu; P. An Hải Tây của Q. Sơn Trà; P. Tân Chính của Q. Thanh Khê và P. Hòa An của Q. Cẩm Lệ…
Hòa Thuận Đông là một trong những địa phương đã về đích với kết quả 100% công dân trên địa bàn phường được cấp CCCD và Định danh điện tử mức 2, Thiếu tá Vũ Minh Khoa - Trưởng Công an phường Hòa Thuận Đông cho biết, đơn vị đã triển khai thực hiện nghiêm túc, khắc phục mọi khó khăn để đạt được việc hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD cho số công dân đủ điều kiện có mặt trên địa bàn phường. Cụ thể, Công an phường đã phối hợp với Cảnh sát Quản lý hành chính các cấp không quản ngày đêm bố trí nhiều tổ công tác lưu động và cố định, chia ca và tăng giờ làm việc. Cảnh sát khu vực đến từng nhà, vận động từng người dân đủ điều kiện đi làm CCCD. Đơn vị hỗ trợ phương tiện di chuyển, hỗ trợ chi phí làm CCCD cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn phường. Đặc biệt, đối với các công dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn phường nhưng đang tạm trú ở quận, huyện khác, Công an phường bố trí phương tiện, vận động hỗ trợ các trường hợp này đi làm CCCD, hỗ trợ phương tiện đưa cán bộ đến tận nhà để hỗ trợ.
Để người dân hiểu hơn về các nội dung, tiện ích, hiệu quả của Đề án 06/CP, thời gian qua TP Đà Nẵng cũng đã tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, trọng tâm là tiện ích của thông tin công dân trên hệ thống CSDLQG về DC, CCCD gắn chíp, tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VneID và các dịch vụ công thiết yếu để người dân biết. Theo đó, Công an TP đã phối hợp với Đài phát thanh Truyền hình Đà Nẵng thực hiện 158 số phát sóng chương trình FM 98.5 MHz chủ đề “Hướng dẫn sử dụng Dịch vụ công trực tuyến”, 05 buổi tọa đàm liên quan Đề án 06/CP; tổ chức 04 Buổi báo cáo chuyên đề “Hướng dẫn nộp hồ sơ, cách đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công trực tuyến” tại cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, công ty, xí nghiệp,... cho đối tượng công nhân, cán bộ, công chức, viên chức...; đăng tải, tuyên truyền trên 100 tin, bài trên trang Thông tin điện tử, trên 1.500 tin, bài trên các trang mạng xã hội (zalo, facebook...); tổ chức 50 lượt ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID, đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2 và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; niêm yết các thủ tục hành chính và quy trình thực hiện tại 100% địa điểm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính...
Với quyết tâm hoàn thành sớm chỉ tiêu Bộ đề ra, Công an TP Đà Nẵng đang dồn toàn lực, tăng ca, làm ngoài giờ với phương châm “làm hết việc chứ không hết giờ” để thu nhận CCCD và cấp tài khoản định danh điện tử mức 2. Đó là những cơ sở ban đầu để người dân có thể tiếp cận được với các tiện ích trên môi trường điện tử.