Cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp thủy sản vượt qua khó khăn

Những cảnh báo sớm về nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại sẽ giúp các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhằm vượt qua các vụ kiện.

Sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Công Thương

Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu cả ngành, đặc biệt là mặt hàng tôm và cá tra. Tuy nhiên trong hơn 20 năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam phải luôn đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp tại thị trường này.

Ứng phó thành công với các vụ điều tra phòng vệ thương mại cần sự đồng lòng của các doanh nghiệp

Ứng phó thành công với các vụ điều tra phòng vệ thương mại cần sự đồng lòng của các doanh nghiệp

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặt hàng cá tra Việt Nam đã bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra và áp thuế phá giá từ năm 2003 và mặt hàng tôm từ năm 2004. Tính đến nay, Việt Nam đã trải qua 21 kỳ xem xét hành chính hàng năm, kết quả xem xét cũng thay đổi hàng năm và phụ thuộc nhiều vào cách tính, cách lựa chọn bị đơn bắt buộc và cách quyết định quốc gia thay thế của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC).

Bên cạnh đó, do Hoa Kỳ chưa công nhận có nền kinh tế thị trường của Việt Nam, nên Bộ Thương mại Hoa Kỳ lựa chọn quốc gia có nền kinh tế tương đương, có số lượng nhà sản xuất đáng kể và tương đồng với Việt Nam để quyết định làm quốc gia thay thế tính mức thuế chống bán phá giá chống bán phá giá cho Việt Nam. Trên thực tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ không chọn quốc gia cố định mà thay đổi theo từng kỳ rà soát, điều này khiến cho các doanh nghiệp luôn luôn bị động.

Có thể nói, việc đối diện với các vụ điều tra phòng vệ thương mại, cùng với các rào cản kỹ thuật, quy định xuất xứ theo Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu của Hoa Kỳ (SIMP), theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam sẽ là khó khăn và trở ngại cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ, cũng như còn giảm sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam so với các quốc gia khác.

Trong thời gian qua, theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Phòng vệ thương mại đã đồng hành, hỗ trợ Hiệp hội, doanh nghiệp thủy sản rất nhiều. Theo đó, Hiệp hội và các doanh nghiệp đã luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của Cục Phòng vệ thương mại trong quá trình tham gia vụ kiện chống bán phá và chống trợ cấp. Thông qua đó đã góp sức cho doanh nghiệp thủy sản nâng cao năng lực cạnh tranh nhất định trong xuất khẩu và duy trì thị phần của mình.

Đồng thời, trong các vụ kiện chống bán phá giá tôm và cá tra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam luôn là đầu mối đứng ra tổ chức họp thường xuyên với các doanh nghiệp để trao đổi chiến lược tham gia phù hợp cho từng kỳ rà soát, thu thập các số liệu bán hàng của các doanh nghiệp tham gia vụ kiện hàng tháng, thống kê doanh số bán hàng. Thông qua số liệu từ đó đưa ra các đánh giá tình hình tham gia từng đợt rà soát và có sự chuẩn bị kịp thời.

Như vậy, với sự đồng hành của Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, sự tích cực, chủ động của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản ứng phó và vững vàng hơn trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại của thị trường Hoa Kỳ cũng như các thị trường xuất khẩu khác.

Doanh nghiệp phải chủ động theo đuổi các vụ kiện

Thời gian tới, để tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, việc nâng cao năng lực ứng phó điều tra phòng vệ thương mại của doanh nghiệp thủy sản theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần phải đẩy mạnh.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, phải có đồng lòng nhất trí, cùng ngồi lại của doanh nghiệp trong ngành khi có vụ việc xảy ra. Điều này minh chứng từ kết quả của các vụ kiện tôm Việt Nam có được kết quả tương đối khả quan như hiện nay là nhờ sự đồng lòng của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động về kế hoạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ về sản lượng, loại sản phẩm, và giá bán,... Cũng như phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các hồ sơ kỹ thuật và kế toán của doanh nghiệp. Các thông tin doanh nghiệp cần được hệ thống hóa từ khâu từ ao nuôi, thu hoạch, nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất, bảo quản, định mức khấu hao, nhân công, các chi phí phụ khác,... Trong quá trình cung cấp thông tin điều tra, doanh nghiệp phải tham gia trả lời các câu hỏi của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đúng thời hạn, có nguồn quỹ sẵn sàng để thuê luật sư tư vấn pháp lý khi tham gia vụ kiện.

Thời gian tới, ở góc độ ngành hàng, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục là chủ công trong ứng phó phòng vệ thương mại. Vì thế, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ Công Thương và Cục Phòng vệ thương mại trong cập nhật thông tin, tình hình diễn biến của các vụ kiện chống bán phá giá tại Hoa Kỳ và các thị trường khác.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Cục Phòng vệ thương mại cần tiếp tục tăng cường những cảnh báo sớm về nguy cơ bị điều tra cho các doanh nghiệp Việt Nam, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt nhằm vượt qua các vụ kiện và đạt được kết quả tốt nhất.

Đồng thời, việc phối hợp nghiên cứu và có đánh giá đầy đủ về những lợi ích mang lại từ việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đối với từng ngành hàng xuất khẩu riêng biệt. “Chúng tôi sẽ luôn đồng hành để công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Dù có thể mất nhiều thơi gian, nguồn lực nhưng đây là vấn đề hết sức quan trọng”- ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP): Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Phòng vệ thương mại đã luôn đồng hành, hỗ trợ Hiệp hội, doanh nghiệp thủy sản trong quá trình tham gia vụ kiện chống bán phá và chống trợ cấp. Thông qua đó đã góp sức cho doanh nghiệp thủy sản nâng cao năng lực cạnh tranh nhất định trong xuất khẩu và duy trì thị phần của mình.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/canh-bao-som-giup-doanh-nghiep-thuy-san-vuot-qua-kho-khan-368959.html
Zalo