Đà Nẵng dự kiến 873 tỷ đồng hỗ trợ nhân lực vi mạch bán dẫn

Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng vừa ban hành Nghị quyết số 57/2024/NQ-HĐND quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố.

Đà Nẵng hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Ảnh: ST

Đà Nẵng hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Ảnh: ST

Thành phố đề ra nhiều chính sách hỗ trợ vượt trội với tổng kinh phí dự kiến khoảng 873 tỷ đồng, bao gồm chính sách hỗ trợ về chế độ đãi ngộ thu nhập, chi phí lưu trú đối với chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo với những tiêu chí: có năng lực, chuyên môn xuất sắc; có năng lực tập hợp và quy tụ phát triển đội ngũ thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Chính sách đối với các chuyên gia, nhà khoa học là được hưởng một lần thu nhập ban đầu 100 triệu đồng/tháng đối với người làm việc tại doanh nghiệp, thu nhập tối đa 50 triệu đồng/tháng đối với người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Nhà nước. Được hỗ trợ chi phí lưu trú tại Thành phố không quá 20 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ không quá một năm; đồng thời được hỗ trợ 25 triệu đồng đối với mỗi quyền sở hữu trí tuệ, bằng độc quyền sáng chế đã công bố tại Việt Nam, nếu được công bố quốc tế thì mức hỗ trợ là 50 triệu đồng.

Trong 5 năm tính đến thời điểm tuyển dụng, chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo phải đáp ứng tối thiểu một trong các tiêu chuẩn: đã từng có mức thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm đối với người làm việc tại Việt Nam hoặc có mức thu nhập từ 5 tỷ đồng/năm đối với người làm việc ở nước ngoài; có học vị tiến sĩ trở lên và có hoạt động khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; có tối thiểu 3 năm đảm nhiệm một trong các vai trò quan trọng như giám đốc, quản lý, kỹ sư cao cấp tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, có doanh thu toàn cầu từ 2.500 tỷ đồng trở lên; hoặc tại cơ sở giáo dục có ngành thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nằm trong 400 cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới. Các chuyên gia, nhà khoa học phải được tuyển dụng tại Đà Nẵng với thời gian tối thiểu một năm.

Những sinh viên học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố được vay học phí lên đến 180 triệu đồng cho toàn bộ chương trình đào tạo. Nếu sinh viên tốt nghiệp và làm việc ít nhất 3 năm tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố sẽ được miễn 100% số tiền nợ gốc và lãi vay ban đầu.

Các nhà chuyên môn cho rằng, những chính sách này không chỉ khuyến khích người học mà còn góp phần thúc đẩy phát triểnnguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện nay.

Hiện Thành phố có 4 trường, gồm: Đại học Bách khoa, Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn, Đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Duy Tân mở ngành đào tạo kỹ sư vi mạch và chính thức tuyển sinh từ tháng 8/2024 với 320 sinh viên. Bên cạnh đó, các trường đã mở 3 lớp đào tạo chuyển đổi sinh viên tốt nghiệp ngành gần kỹ sư vi mạch sang thiết kế vi mạch cho 59 giảng viên và 41 sinh viên.

Trong định hướng xây dựng và phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 5.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn, phấn đấu trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước./.

TRẦN HUYỀN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/da-nang-du-kien-873-ty-dong-ho-tro-nhan-luc-vi-mach-ban-dan-37666.html
Zalo