Đà Nẵng chạy đua tiến độ xây dựng Trung tâm tài chính

Đà Nẵng đang tập trung nhiều giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách đặc thù, xây dựng hạ tầng cơ sở, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao... với quyết tâm sớm hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, tạo động lực phát triển đột phá cho kinh tế thành phố.

Đà Nẵng tổ chức diễn đàn đầu tư ở Singpore vào tháng 3-2025, xúc tiến các nhà đầu tư thế giới đến với TTTC Đà Nẵng.

Đà Nẵng tổ chức diễn đàn đầu tư ở Singpore vào tháng 3-2025, xúc tiến các nhà đầu tư thế giới đến với TTTC Đà Nẵng.

Định vị mô hình TTTC Đà Nẵng

Mô hình TTTC Đà Nẵng tập trung vào các lĩnh vực chuyên biệt như tài chính xanh, tài chính thương mại phục vụ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các hoạt động thương mại xuyên biên giới gắn với Khu Thương mại tự do, các khu công nghệ cao, khu kinh tế mở, khu công nghiệp...TTTC Đà Nẵng cũng thử nghiệm có kiểm soát một số mô hình mới như tài sản số, tiền số, thanh toán, chuyển tiền kỹ thuật số; thu hút các quỹ đầu tư, quỹ kiều hối, công ty quản lý quỹ vừa và nhỏ; thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp giải pháp tài chính phục vụ đời sống tiêu dùng, du lịch, thương mại, logistics để cộng hưởng với các lợi thế từ vị trí địa chính trị - kinh tế và môi trường sống, hạ tầng đô thị...

TTTC Đà Nẵng sẽ cung cấp giải pháp tín dụng thương mại và tài chính cho các hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam, hỗ trợ hệ thống chuyển tiền, thanh toán kỹ thuật số cho các giao dịch xuyên biên giới trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, TTTC Đà Nẵng còn có chức năng là cửa ngõ cho hội nhập tài chính khu vực; thúc đẩy các ngành kinh tế mới và công nghệ; kết nối với các trung tâm tài chính lớn…

Hiện nay, Đà Nẵng đang đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, mang tính cạnh tranh, theo thông lệ quốc tế, thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam để áp dụng cho TTTC Đà Nẵng. Chẳng hạn như việc áp dụng luật nước ngoài theo thỏa thuận (Luật thông lệ Anh) để điều chỉnh các hoạt động kinh tế, tài chính, thương mại trong TTTC Đà Nẵng; chính sách đầu tư ra nước ngoài, chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài hàng năm; các cơ chế hình thành, sử dụng, chia sẻ và kết nối cơ sở dữ liệu thông suốt với các trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới; sử dụng ngôn ngữ Tiếng Anh trong Trung tâm tài chính quốc tế; áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt, tinh gọn theo mô hình một cửa tại chỗ; miễn thị thực cho các trường hợp người nước ngoài hoạt động trong TTTC; có chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại các cơ quan quản lý trong TTTC…Đà Nẵng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về Trung tâm tài chính tại Việt Nam tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù nhằm xây dựng và hình thành TTTC Đà Nẵng đảm bảo khả thi, hiệu quả.

Chạy đua với thời gian

Hiện nay Đà Nẵng đang khẩn trương lựa chọn nhân sự, thành lập Ban trù bị và đảm bảo điều kiện hoạt động cho Cơ quan điều hành TTTC, đồng thời nghiên cứu phương án thuê chuyên gia, nhân sự quốc tế có năng lực, kinh nghiệm tham gia quản lý, điều hành TTTC. Thành phố cũng tích cực rà soát, hoàn thiện, chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ TTTC, trong đó nghiên cứu khai thác Tòa nhà ICT tại Khu Công viên phần mềm số 2 để tổ chức hoạt động TTTC; nghiên cứu khai thác, sử dụng các khu đất đã được quy hoạch như Khu vực phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), phường Thuận Phước (quận Hải Châu), Khu Công nghiệp Đà Nẵng, khu vực lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng.

Trong tháng 4 vừa qua, thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về TTTC Đà Nẵng cho các cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo lộ trình, trong tháng 5-2025, thành phố sẽ cử cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi nghiên cứu, thực tập sinh tại các Trung tâm tài chính quốc tế, các tổ chức tài chính... tại một số nước để chuẩn bị nguồn nhân lực hoạt động tại TTTC Đà Nẵng. Dự kiến khoảng tháng 7-2025 sẽ tổ chức Hội nghị công bố Nghị quyết của Quốc hội về TTTC quốc tế tại Việt Nam gắn với Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TTTC Đà Nẵng, Diễn đàn tài chính Việt Nam tại Đà Nẵng. Đặc biệt, theo Nghị quyết của Thành ủy Đà Nẵng, các đơn vị đang khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các dự án thành phần về công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ TTTC Đà Nẵng vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư đảm bảo điều kiện vận hành của TTTC sau khi đưa vào hoạt động trong quý 3-2025.

Vị trí nghiên cứu xây dựng TTTC Đà Nẵng gồm các khu đất lớn trên đường Võ Văn Kiệt quận Sơn Trà.

Vị trí nghiên cứu xây dựng TTTC Đà Nẵng gồm các khu đất lớn trên đường Võ Văn Kiệt quận Sơn Trà.

Cũng theo nghị quyết của Thành ủy Đà Nẵng, trong giai đoạn 2025-2030 thành phố sẽ tập trung thu hút đối tác chiến lược, tập đoàn tài chính, định chế trong và ngoài nước đầu tư, hoạt động tại TTTC Đà Nẵng; thúc đẩy thành lập các trung tâm nghiên cứu tài chính quốc tế, công nghệ tài chính, chuỗi khối nhằm hỗ trợ về chuyên môn, kĩ thuật; thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng cứng và hạ tầng mềm tại TTTC gắn với Khu Thương mại tự do Đà Nẵng và các dự án động lực, trọng điểm của thành phố như đường sắt đô thị, không gian lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng...

Song song với đó, thành phố cũng chú trọng đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao về TTTC làm việc, quản lý, điều hành. Trước mắt, cho phép tạm thời áp dụng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng đối với các đối tượng được thu hút về làm việc tại TTTC.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/da-nang-chay-dua-tien-do-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-post312494.html
Zalo