Đã học 2 buổi ở trường mà để ngỏ dạy thêm ngoài nhà trường là điều đáng lo ngại

Dự thảo Thông tư chỉ không cho dạy thêm trong nhà trường khi trường dạy 2 buổi, còn giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường sẽ không vi phạm vì dự thảo không đề cập.

Việc dạy thêm, học thêm của giáo viên và học sinh phổ thông trong những năm qua luôn có 2 luồng ý kiến: ủng hộ và không ủng hộ. Tất nhiên, người ủng hộ hoặc không ủng hộ đều có cái lí riêng, quan điểm riêng. Bởi cả nước có hơn 1 triệu giáo viên và gần 20 triệu học sinh phổ thông nên liên quan đến nhiều phụ huynh, gia đình thì quan điểm, chính kiến khác nhau cũng là điều bình thường.

Vấn đề đặt ra lâu nay là giáo viên dạy thêm có hiện tượng dùng chiêu trò để lôi kéo học sinh chính khóa đến học thêm với mình. Một phần học sinh vì sợ, vì điểm số và áp lực học tập trên lớp nên đi học thêm cho bằng bạn, bằng bè.

Vì thế, hiện tượng dạy thêm, học thêm trở nên tràn lan ở các cấp học, ở các đối tượng học sinh ở những trường có điều kiện. Học sinh giỏi cũng đi học thêm, học sinh yếu kém cũng đi học thêm và những giáo viên có cơ hội dạy thêm được là mở lớp dạy thêm tại nhà.

Ngày 22/8 vừa qua, Bộ công bố dự thảo thông tư quy định dạy thêm, học thêm- điều mà nhiều phụ huynh chờ đợi để quản lý việc dạy thêm, học thêm đi vào quy củ. Thế nhưng, theo nội dung dự thảo, có thể tình trạng dạy thêm, học thêm tới đây sẽ còn có những diễn biến khó lường.

 Ảnh minh họa: Báo Công lý

Ảnh minh họa: Báo Công lý

Cần làm rõ hướng dẫn “không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày”

Tại khoản 5, Điều 3 dự thảo thông tư quy định: “Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày”.

Đọc dự thảo, chúng tôi nhận thấy đối với 3 cấp học phổ thông, chỉ có học sinh tiểu học là học 02 (hai) buổi/ngày nhưng quy định vẫn còn khá mơ hồ. Bởi, trong 1 tuần, học sinh tiểu học sẽ học từ thứ Hai đến thứ Sáu 1 buổi xuyên suốt. Trái buổi sẽ có một số buổi nghỉ.

Vậy, theo dự thảo có thể hiểu theo 2 cách: cách 1 là khi có học 2 buổi trong tuần là đồng nghĩa nhà trường không tổ chức dạy thêm tại trường; cách 2 có thể hiểu là trái buổi hôm nào nhà trường không dạy chính khóa thì có thể sắp lịch học thêm trong nhà trường.

Vì tại khoản 2, Điều 4 của dự thảo hướng dẫn: “Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học”.

Trong khi, số tiết trung bình/tuần (không kể các môn học tự chọn) đối với cấp Tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 cụ thể như sau: lớp 1, lớp 2 mỗi tuần có 25 tiết; lớp 3 mỗi tuần có 28 tiết; lớp 4 và 5 mỗi tuần có 30 tiết.

Vì thế, trừ một số ít những học sinh học môn tự chọn tiếng dân tộc thiểu số thì chỉ có học sinh lớp 1, lớp 2 ở cấp Tiểu học có tiết tự chọn Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh). Số tiết tự chọn cho 2 khối lớp này mỗi năm 70 tiết, tương ứng với mỗi tuần 2 tiết nên mỗi tuần, vừa chính khóa, vừa tự chọn, học sinh sẽ học 27 tiết.

Vì thế, học sinh tiểu học có thể học thêm tối đa trong nhà trường từ 5-8 tiết/tuần.

Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm nhất là dự thảo thông tư chỉ yêu cầu: “Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày”.

Vậy, dự thảo chỉ không cho dạy thêm trong nhà trường khi trường dạy 2 buổi, còn giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường sẽ không vi phạm vì dự thảo không đề cập và cũng không còn cấm giáo viên dạy thêm các môn văn hóa cho học sinh chính khóa ở cấp Tiểu học như Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.

Vấn đề đặt ra là học sinh tiểu học có độ tuổi từ 6-11 tuổi đã học 2 buổi chính khóa trong nhà trường thì có cần thiết phải tham gia học thêm trong nhà trường, ngoài nhà trường nữa không? Nếu nhà trường đã dạy 2 buổi mà đến tối đi học thêm nữa liệu có quá sức với học sinh tiểu học hay không?

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Theo chương trình phổ thông mới, học sinh tiểu học được thiết kế học 2 buổi/ngày và hầu hết các trường đã thực hiện việc này, đồng nghĩa cũng không tổ chức dạy thêm trong trường đối với cấp Tiểu học.

Do đó về bản chất, dự thảo thông tư mới không thay đổi so với hiện nay. Chưa kể, dự thảo thông tư mới cũng quy định tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học... Những điều này không được đề cập trong quy định hiện hành”. [1]

Rõ ràng, dự thảo Thông tư chưa cụ thể về hướng dẫn: “Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày” nên đây sẽ là “điểm mở” hay nói đúng hơn đây sẽ là kẽ hở cho nhà trường và giáo viên dạy thêm chính đáng vì nó có nhiều cách hiểu khác nhau.

Dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm có mở ra cơ hội dạy thêm ngoài nhà trường?

Thực tế ở nhiều trường học- đặc biệt là những trường thuộc khu vực đô thị hiện nay cho thấy, những năm qua mặc dù Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT cấm dạy thêm ở cấp Tiểu học nhưng vẫn có nhiều giáo viên dạy thêm tại nhà học sinh.

Sau giờ tan học, luôn có những chiếc ô tô đứng chờ sẵn ở cổng trường và đưa học sinh về thẳng nhà thầy cô. Không chỉ dạy thêm mà nhiều giáo viên hiện nay còn nuôi ăn cho học sinh trọn gói.

Trong số những học sinh học thêm ở cấp Tiểu học, tất nhiên có những phụ huynh có nhu cầu nhưng cũng không ít phụ huynh miễn cưỡng cho con đi học thêm. Việc học thêm các môn văn hóa theo kiểu đại trà những năm qua giải quyết một phần nhu cầu của phụ huynh nhưng nó cũng đan cài nhiều hạn chế.

Giáo viên là người dạy chính khóa, ôn tập, ra đề, thậm chí còn gác kiểm tra định kỳ, lại đang dạy thêm cho học trò. Vì thế, điểm kiểm tra của những em học sinh học thêm đa phần đều điểm 9, điểm 10 – cơ bản đã đủ điều kiện để khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc.

Vấn đề còn lại là môn Ngoại ngữ (đánh giá bằng điểm số) và một số môn đánh giá bằng nhận xét, như: Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục phải ở mức Hoàn thành Tốt mới đủ điều kiện khen thưởng. Môn Ngoại ngữ (khó hơn các môn đánh giá bằng nhận xét) lên đến lớp 3 mới là môn học bắt buộc nên ở lớp 1 và lớp 2 việc giáo viên chủ nhiệm muốn em nào có danh hiệu học tập cực dễ.

Vì thế, gần cuối học kỳ, cuối năm học là những giáo viên dạy thêm đi xin, đa phần giáo viên chủ nhiệm gửi hẳn danh sách những em đang học thêm với mình để yêu cầu đánh giá ở mức Hoàn thành Tốt.

Nếu giáo viên các môn kia không đồng ý thì họ lên tiếng nhờ Ban giám hiệu tác động.

Vậy nên, cuối năm học sẽ có nhiều học sinh có danh hiệu Học sinh Xuất sắc nhưng thực chất không hẳn đạt như vậy. Những góc khuất này không phải ai cũng tường tận và quan niệm môn phụ trong trường Tiểu học vẫn luôn tồn tại với học sinh, phụ huynh và ngay cả giáo viên chủ nhiệm.

Dự thảo thông tư dạy thêm, học thêm đã không còn cấm chuyện giáo viên tiểu học dạy thêm, không còn cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa sẽ tạo cơ hội cho giáo viên dạy thêm chính đáng. Họ không chỉ dạy ngoài nhà trường mà còn có thể dạy trong nhà trường.

Trong khi, mục tiêu của chương trình 2018 hướng đến: “Giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại”.

Chính vì thế, cùng với các môn văn hóa, năng khiếu thì chương trình 2018 đã đưa thêm Hoạt động trải nghiệm mỗi tuần 3 tiết/lớp với mục đích giảm áp lực học tập trên lớp cho học sinh.

Nhưng, dự thảo thông tư quy định dạy thêm, học thêm hướng dẫn: “tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học”, cũng đồng nghĩa mỗi ngày đã có 7 tiết ở trường (trừ thứ Bảy và Chủ nhật) mà không cấm dạy thêm ngoài nhà trường thì liệu có phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe của học sinh hay không?

Không chỉ quá sức với học sinh mà ngay cả với giáo viên. Thử hỏi đã dạy 2 buổi ở trường mà còn dạy thêm ngoài nhà trường thì hiệu quả sẽ ra sao? Nếu dạy thêm nhiều thì dạy chính khóa có đảm bảo chất lượng? Nếu dạy chính khóa có chất lượng thì học sinh tiểu học có cần thiết học thêm ngoài nhà trường khi đã học 2 buổi/ ngày ở trường?

Vì thế, dự thảo thông quy định: “không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày” mà không cấm cản việc dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh tiểu học là điều dư luận băn khoăn, lo lắng nhất.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/vu-truong-gdth-bo-1-so-quy-dinh-khong-co-nghia-bat-den-xanh-day-them-o-truong-post245150.gd#245150|topic-box-1304|0

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/da-hoc-2-buoi-o-truong-ma-de-ngo-day-them-ngoai-nha-truong-la-dieu-dang-lo-ngai-post245191.gd
Zalo