Hà Nội: Hơn 150 trường bị ảnh hưởng bởi bão lũ đang gấp rút khắc phục để đón học sinh đi học trở lại
Trong đợt mưa lũ lịch sử lần này, số trường học trên toàn thành phố phải tạm dừng cho học sinh đến trường lên tới hơn 150 trường. Bên cạnh việc triển khai các hình thức học phù hợp, các nhà trường đang tích cực khắc phục khó khăn để trở lại dạy và học sớm nhất.
Trường vừa là chỗ tránh lũ vừa dạy học trực tuyến
Bà Đỗ Thị Hồng Nhung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương, quận Hoàn Kiếm cho biết, do nhà trường nằm trên địa bàn ngoài đê sát sông Hồng, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trong những ngày qua, nước sông Hồng đã lên cao mức độ 2, nhiều vùng dân cư quanh trường đã ngập lụt, nhà trường không đảm bảo điều kiện học tập của học sinh. Qua khảo sát, 110 học sinh của trường đã phải nghỉ học do gia đình nằm trong khu vực ngập nước. Nhà của nhiều giáo viên cũng nằm trong khu vực nước lũ.
Nhà trường đã báo cáo UBND quận và Phòng GD&ĐT Hoàn Kiếm cho phép học sinh nghỉ học từ chiều thứ 4, ngày 11/9 và chuyển hình thức giảng dạy và học tập từ trực tiếp sang trực tuyến kể từ ngày 12/9 cho đến khi thời tiết ổn định, trường học đảm bảo an toàn.
Toàn bộ giáo viên nhân viên nhà trường sẽ tới tổng vệ sinh trường, lớp và thực hiện các nội dung chuyên môn đầu năm. Nhà trường đã thông báo đến phụ huynh học sinh về việc chuyển đổi hình thức dạy học để phụ huynh quản lý con em tại nhà.
Trong ngày 12/9, nhà trường đã triển khai dạy học trực tuyến đến tất cả các khối lớp. Tỉ lệ học sinh học trực tuyến đạt hơn 60%. Với các trường hợp bất khả kháng, không kết nối được mạng thì giáo viên sẽ chủ động kết nối với phụ huynh, gửi bài giảng, bài tập để phụ huynh xem và hướng dẫn con tại nhà.
Đến thời điểm này, có 3 giáo viên nhà trường trong vùng ngập lụt. Nhà trường đã tạo điều kiện để các cô và gia đình ở tại trường, có thể kết nối dạy trực tuyến với học sinh. Các cô giáo khác thực hiện dạy học trực tuyến tại nhà.
Cùng với đó, nhà trường đã sử dụng cơ sở vật chất từ tầng 2 đến tầng 4 để để phục vụ không chỉ cho giáo viên tránh lụt mà cả cư dân bị lụt. Ngoài chuẩn bị bàn ghế, chăn, gối, nhà trường còn hỗ trợ người dân đồ ăn, nước uống, khu vệ sinh đảm bảo.
Ngoài việc quan tâm đến các cô giáo, các hộ nhà dân có các cháu bé đi theo cũng được nhà trường quan tâm, cử người chăm sóc. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ nhà trường cũng được Ban Giám hiệu hỗ trợ tối đa, tạo mọi điều kiện để trực xuyên bão, xuyên lũ.
Cô Nguyễn Lê Thủy Quang - Giáo viên Trường Tiểu học Chương Dương chia sẻ: Do nhà nằm trong vùng lũ lụt nên cô và gia đình đã phải di chuyển đến trường để ở và dạy học. Trong những ngày ở và sinh hoạt tại trường, Ban Giám hiệu và các cán bộ giáo viên, nhân viên trong trường đã tạo điều kiện giúp đỡ tối đa khiến cô rất yên tâm và rất cảm động.
Thăm và động viên các thầy cô giáo Trường Tiểu học Chương Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều trường học không thể đón học sinh đến trường học tập trực tiếp. Ngoài ra còn có nhiều trường học tại Hà Nội được trưng dụng làm nơi để nhân dân trên địa bàn tránh bão. Để bảo đảm an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên, các nhà trường cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình thực tế để xây dựng, triển khai phương án dạy học phù hợp với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho học sinh.
Cùng phối hợp khắc phục khó khăn sớm đón học sinh đi học trở lại
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, do mưa lũ, 3 trường học trên địa bàn bị ngập, gồm Tiểu học Nghĩa Dũng, Mẫu giáo số 8 và THCS Phúc Xá. Bà Hoàng Anh Đào - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Dũng cho biết: Nằm ở vùng trũng ngoài đê sông Hồng, sau bão số 3, từ chiều 8/9, nước đã bắt đầu ngập ở xung quanh trường. Mực nước mỗi ngày một tăng thêm, đến nay đã ngập sàn tầng 1. Nhiều đồ dùng, trang thiết bị của trường bị hư hỏng.
Tuy nhiên, nhà trường đã sớm nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ các trường bạn với 25 chiếc chổi tre, 23 đôi ủng và 7kg Cloramin B từ các trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba, Nguyễn Bá Ngọc, Vạn Phúc, Đại Yên, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Tri Phương. Đây là món quà ý nghĩa để nhà trường sẵn sàng tổng vệ sinh môi trường, đón học sinh trở lại khi nước rút", cô Đào thông tin.
Ngay sau khi nước đã rút dần ra khỏi sân trường. Nhà trường đã thông báo cho giáo viên, nhân viên có mặt cùng đơn vị vệ sinh công nghiệp làm vệ sinh với tinh thần "nước rút đến đâu, vệ sinh đến đấy". Đồng thời, trường đang cho thau bể nước ngầm (là nguồn nước sạch- đã bị ngập nước nhiều ngày).
Được biết, sáng 13/9, Trạm y tế phường Phúc Xá đã đến trường phun dung dịch khử khuẩn và hỗ trợ thau bể nước sạch. Giáo viên sẽ lau dọn các vật dụng trong phòng học bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B. Hiện tại, vệ sinh môi trường trong khuôn viên trường đã cơ bản sạch, gọn. Trước tình trạng nước chưa rút hết ở các tuyến đường trong địa bàn phường nên nhà trường dự kiến có thể cho học sinh đi học trở lại vào thứ Hai, ngày16/9.
Theo thống kê của nhà trường, đơn vị này có 796 học sinh thì có đến 50% các em sống ở trong vùng ngập lụt. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ủng hộ về nguồn lực để giúp nhà trường vệ sinh phòng học sau khi nước rút, các trường bạn cũng mong muốn hỗ trợ thêm học sinh có hoàn cảnh khó khăn. "Chúng tôi đang rà soát danh sách các em để có sự hỗ trợ kịp thời nhất", Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Dũng chia sẻ.
Triển khai phương án dạy học phù hợp
Trong đợt mưa lũ lần này, toàn thành phố tính đến thời điểm ngày 14-9 đã có hơn 150 trường học chưa thể đón học sinh đến trường học tập trực tiếp. Trong số này, có 44 trường mầm non, 53 trường tiểu học, 40 trường trung học cơ sở, 16 trường trung học phổ thông, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 trường trực thuộc Sở GD&ĐT.
“Dù thời tiết đang dần thuận lợi trở lại cho việc dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, tại một số trường học không còn bị ngập nước nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, vì vậy tính đến ngày 14-9, một số nhà trường chưa đón học sinh học tập trực tiếp.
Để bảo đảm kế hoạch thời gian năm học, tùy điều kiện thực tế, có trường duy trì hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến; với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có thiết bị hoặc không có mạng internet, ở địa bàn bị mất điện, nhà trường cũng đã có phương án hỗ trợ bảo đảm khi trở lại trường có thể học tập theo kế hoạch”, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội
Cũng theo Sở GD&ĐT Hà Nội, theo báo cáo của các trường, tận dụng tối đa khoảng thời gian 2 ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật), các trường học trên địa bàn thành phố đều tăng cường lực lượng, huy động sự tham gia của phụ huynh học sinh để làm tổng vệ sinh, rà soát cơ sở vật chất, khắc phục các thiệt hại sau bão để sớm tổ chức cho học sinh đi học trở lại trong điều kiện trường lớp đảm bảo an toàn vệ sinh.