Xuất hiện mức 'đạt có điều kiện' trong kiểm định CTĐT: Trường đại học nói gì?

Điểm mới về 'mức đạt có điều kiện' trong dự thảo Thông tư về kiểm định chất lượng CTĐT nhận được sự quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư Quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (sửa đổi Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT về kiểm định chương trình đào tạo đại học, cao đẳng sư phạm - gọi tắt là Thông tư 04) để lấy ý kiến.

Dự thảo Thông tư mới về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đã đề xuất một số thay đổi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả đánh giá và quản lý chất lượng giáo dục đại học. Một trong những điểm thay đổi nổi bật là việc điều chỉnh số lượng tiêu chí và tiêu chuẩn kiểm định. Theo đó, dự thảo này giảm từ 11 tiêu chuẩn xuống còn 8 tiêu chuẩn, đồng thời tăng số lượng tiêu chí từ 50 lên 52 tiêu chí.

Bên cạnh đó, dự thảo còn đề cập tới một điểm mới là thêm mức “Đạt có điều kiện”. Theo quy định này, cơ sở giáo dục đại học sẽ có 18 tháng để thực hiện các cải tiến cần thiết nếu chương trình đào tạo chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để được công nhận “Đạt”.

Các điều chỉnh trong dự thảo Thông tư mới là cần thiết

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Phước Sơn, Kiểm định viên Kiểm định chất lượng giáo dục, Phó Trưởng phòng Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục, Trường Đại học Luật (Đại học Huế), cho biết, sau gần 10 năm triển khai kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo Thông tư 04, cùng với sự ra đời của nhiều quy định mới (như Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT về chuẩn chương trình đào tạo và Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo trình độ đại học), các điều chỉnh trong dự thảo Thông tư quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học là cần thiết.

Thạc sĩ Lê Phước Sơn chỉ ra rằng, dự thảo Thông tư mới đã tích hợp và rút gọn các tiêu chí có nội hàm tương đồng vào cùng một tiêu chuẩn.

Ngoài ra, đối với các chương trình đào tạo đã được đánh giá đạt từ chu kỳ thứ hai trở đi và có kết quả cải tiến chất lượng đáp ứng yêu cầu, thời gian kiểm định chất lượng tiếp theo sẽ kéo dài 7 năm. Điều này giúp giảm bớt áp lực cho các trường, đặc biệt là những trường có nhiều chương trình đào tạo đã được kiểm định và công nhận chất lượng.

 Thạc sĩ Lê Phước Sơn, Kiểm định viên Kiểm định chất lượng giáo dục, Phó Trưởng phòng Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục, Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Lê Phước Sơn, Kiểm định viên Kiểm định chất lượng giáo dục, Phó Trưởng phòng Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục, Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Ảnh: NVCC

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Doãn Thanh Bình, Phụ trách Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng tại Trường Đại học Điện lực, cho rằng dự thảo Thông tư về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo là sự kế thừa có chọn lọc và bổ sung từ Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT, vốn đã quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của các trình độ giáo dục đại học hiện hành.

Mặc dù có những thay đổi về số lượng tiêu chí và tiêu chuẩn, dự thảo mới vẫn dựa trên các yếu tố chính để đánh giá chất lượng một chương trình đào tạo.

Theo Tiến sĩ Doãn Thanh Bình, những thay đổi này được cho là cần thiết để bắt kịp với sự phát triển của giáo dục đại học trong bối cảnh hiện nay, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục đại học trong nước và quốc tế.

Thầy Bình nêu quan điểm, với sự kế thừa, chọn lọc và bổ sung các quy định trong dự thảo Thông tư mới, các cơ sở giáo dục sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo khi thông tư này được chính thức ban hành.

Mức “Đạt có điều kiện”: Có cần thiết?

Chia sẻ quan điểm về mức “Đạt có điều kiện” và việc thực hiện quy trình kiểm định lại để từ “Đạt có điều kiện” lên “Đạt” được đề cập trong dự thảo Thông tư mới, Tiến sĩ Doãn Thanh Bình cho rằng nên giữ nguyên hai mức đánh giá rõ ràng là “Đạt” và “Không đạt”, không nên thêm mức “Đạt có điều kiện” vì một số lý do sau.

Thứ nhất, mức “Đạt có điều kiện” sẽ gây khó khăn trong việc triển khai hoạt động kiểm định chất lượng và cũng làm cho công tác truyền thông đến các bên liên quan trở nên phức tạp. Người học sẽ gặp khó khăn trong việc nhận biết chương trình đào tạo mà họ đang hoặc chuẩn bị theo học có thực sự đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng hay không.

Thứ hai, theo quy định của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018, các chương trình đào tạo phải đạt kiểm định để có thể tổ chức đào tạo và duy trì ngành học. Vì vậy, việc có mức “Đạt có điều kiện” có thể gây ra những mâu thuẫn với quy định về chất lượng.

Theo thầy Bình, cải tiến chất lượng là một hoạt động quan trọng và luôn được thực hiện thường xuyên sau mỗi đợt kiểm định chất lượng. Các cơ sở giáo dục luôn coi trọng và chủ động thực hiện việc cải tiến chất lượng dựa trên các khuyến nghị của đoàn chuyên gia đánh giá ngoài. Việc yêu cầu các cơ sở giáo dục bắt buộc thực hiện cải tiến chất lượng sau khi đạt mức “Đạt có điều kiện” là không cần thiết, vì đó vốn dĩ là một phần của quy trình đảm bảo chất lượng mà các trường đã và đang thực hiện.

Hơn nữa, điều này cũng tạo ra áp lực về nguồn nhân lực cho cả trung tâm kiểm định và các cơ sở giáo dục, vốn đã phải huy động nhiều nguồn lực để phục vụ các đợt kiểm định chất lượng, đồng thời còn phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như tuyển sinh, phát triển chương trình, tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Thầy Bình cũng cho rằng, thời gian 18 tháng để cải tiến chất lượng từ “Đạt có điều kiện” lên “Đạt” là không đủ trong một số trường hợp, đặc biệt với các tiêu chí liên quan đến kết quả đầu ra hoặc cơ sở vật chất, trang thiết bị.

“Những cải tiến trong các tiêu chí này sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện và đánh giá, cũng như một số lĩnh vực còn phụ thuộc vào yêu cầu, quy định khác dẫn tới kéo dài thời gian cải tiến chất lượng, như các quy định liên quan tới việc xây dựng hay mua sắm trang thiết bị…”, thầy Bình nói.

Nếu mức “Đạt có điều kiện” được thông qua, thầy Bình đề xuất nên giữ nguyên mốc thời gian đánh giá giữa chu kỳ 2,5 năm như quy định cũ. Đồng thời nên tổ chức báo cáo kết quả cải tiến chất lượng để thẩm định lại những tiêu chuẩn, tiêu chí chưa đạt, không nên tổ chức lại quy trình đánh giá ngoài như lần đầu.

 Một số hình ảnh về hoạt động kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của Trường Đại học Điện lực. Ảnh: NTCC

Một số hình ảnh về hoạt động kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của Trường Đại học Điện lực. Ảnh: NTCC

Trong khi đó, Thạc sĩ Lê Phước Sơn lại cho rằng việc có thêm mức “Đạt có điều kiện” là hợp lý. Thầy Sơn cho biết, khi nghe đến quy định mới về mức “Đạt có điều kiện”, nhiều người có thể cảm thấy rằng đây là một sự thỏa hiệp.

Tuy nhiên, thầy Sơn khẳng định rằng điều này hoàn toàn phù hợp. Thay vì sử dụng hệ thống đánh giá gồm 7 mức như cách tiếp cận của Tổ chức bảo đảm chất lượng thuộc mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Đông Nam Á (AUN-QA) trước đây, dự thảo Thông tư mới đã đơn giản hóa xuống chỉ còn 2 mức: “Đạt” hoặc “Không đạt”. Đồng thời, 10 tiêu chí bắt buộc đã được xác lập để đánh giá xem chương trình đào tạo có đạt chuẩn hay không, dựa theo các tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Kiểm định các chương trình Quản trị kinh doanh quốc tế (FIBAA).

Thầy Sơn nhận định rằng những thay đổi này sẽ giúp hệ thống kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của Việt Nam tiệm cận hơn với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Mức “Đạt có điều kiện” được xem như một bước đệm, giúp các cơ sở giáo dục tập trung cải tiến hoạt động xây dựng và vận hành chương trình đào tạo, xoay quanh các tiêu chí cốt lõi nhằm đạt chuẩn hoàn toàn trong tương lai.

Thầy Sơn cũng đề xuất rằng, cơ quan quản lý cần thông tin để xã hội và các bên liên quan hiểu rõ cách tiếp cận mới của Thông tư. Điều này sẽ giúp việc triển khai hoạt động kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo thông tư mới được diễn ra thuận lợi hơn.

Thầy Sơn cho biết, theo quy định hiện hành, các chương trình đào tạo sau khi được công nhận đạt chất lượng giáo dục cần phải xây dựng báo cáo cải tiến chất lượng giữa chu kỳ cho toàn bộ 11 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí sau 2,5 năm. Nghĩa là việc cải tiến, nâng cao chất lượng là công việc phải tiến hành thường xuyên, liên tục của mọi cơ sở giáo dục đại học.

Với quy định mới, các chương trình đào tạo "Đạt có điều kiện" sẽ chỉ cần tập trung cải tiến và tự đánh giá lại những tiêu chí, tiêu chuẩn chưa đạt trước đó, tối đa là 2 tiêu chuẩn hoặc 16 tiêu chí. Thời gian 1,5 năm được quy định cho việc này chủ yếu để thực hiện các hoạt động cải tiến, việc cập nhật báo cáo cho các tiêu chí, tiêu chuẩn này sẽ dựa trên báo cáo tự đánh giá đã có sẵn trước đó nên sẽ không mất quá nhiều thời gian. Hoạt động khảo sát chính thức để đánh giá lại các tiêu chí, tiêu chuẩn chưa đạt cũng sẽ chỉ diễn ra không quá 2 ngày.

So với việc phải thực hiện báo cáo cải tiến giữa chu kỳ sau 2,5 năm đối với toàn bộ chương trình đào tạo, thầy Sơn cho rằng việc quy định cải tiến và đánh giá lại trong thời hạn 18 tháng đối với chương trình “Đạt có điều kiện” là một điều hợp lý.

“Dự thảo Thông tư mới quy định rằng các cơ sở giáo dục đại học có chương trình đào tạo được đánh giá ‘Đạt có điều kiện’ sẽ có 18 tháng để khắc phục và cải tiến. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục vì sau thời gian cải tiến, họ có khả năng cao sẽ đáp ứng được các yêu cầu để lên mức kiểm định ‘Đạt’.

Bên cạnh đó, theo quy định về kiểm định chất lượng giáo dục, ngay từ giai đoạn xây dựng báo cáo tự đánh giá, các cơ sở giáo dục đã phải triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng nhằm khắc phục những điểm yếu phát hiện ra. Sau khi được đánh giá ngoài, cơ sở giáo dục tiếp tục cải tiến dựa trên các khuyến nghị, bất kể chương trình đào tạo có được công nhận đạt hay không”, thầy Sơn cho hay.

Thầy Sơn nhấn mạnh rằng triết lý của công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục là phải liên tục cải tiến, dựa trên quy trình PDCA (Plan - Kế hoạch, Do – Thực hiện, Check – Kiểm tra, Act – Cải tiến). Những cơ sở giáo dục có định hướng đúng đắn đối với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục thì sẽ có các kế hoạch thực hiện ngắn hạn, dài hạn hợp lý và tránh được việc chạy đua cải tiến trong thời gian quá ngắn, vừa tốn kém, mệt mỏi lại khó có hiệu quả thực chất.

Còn lãnh đạo Trường Đại học Hà Nội cho rằng, việc cải tiến chất lượng chương trình đào tạo là điều cần thiết và hợp lý, vì các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm cung cấp cho xã hội những chương trình đào tạo đạt chuẩn, đảm bảo lợi ích cho người học. Không nên xem đây là sự lãng phí ngân sách, bởi thay đổi này trong dự thảo Thông tư mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp các cơ sở giáo dục đại học có thể “Đạt” kiểm định chất lượng.

Cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể

Qua tư vấn công tác tự đánh giá cho nhiều cơ sở giáo dục và nghiên cứu báo cáo tự đánh giá của các trường trong giai đoạn vừa qua, Thạc sĩ Lê Phước Sơn chỉ ra một số thách thức mà các cơ sở giáo dục đại học đang gặp phải trong quá trình tự đánh giá và xây dựng chương trình đào tạo.

Cụ thể, hiện nay nhiều trường vẫn còn một số hạn chế trong thiết kế, xây dựng và đánh giá chương trình, đặc biệt là việc xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn đầu ra và đo lường mức độ đạt được chuẩn đầu ra của người học. Đây là những điểm yếu cần được cải thiện thông qua các quy định ràng buộc hơn để đảm bảo các cơ sở giáo dục chú trọng thực hiện.

“Trong 10 tiêu chí điều kiện bắt buộc của dự thảo, có đến 6 tiêu chí liên quan trực tiếp đến việc thiết kế và đo lường chuẩn đầu ra, cũng như thiết kế nội dung, hoạt động dạy học và phương pháp đánh giá người học phù hợp với chuẩn đầu ra. Điều này cũng phù hợp với các yêu cầu đã được nêu trong Thông tư 17 và Thông tư 08 mà tôi đã đề cập ở trên”, thầy Sơn nhấn mạnh.

Thầy Doãn Thanh Bình cũng cho biết, việc quy định rõ các tiêu chí điều kiện bắt buộc là rất cần thiết, bởi chúng là nền tảng cốt lõi để đánh giá chất lượng của một chương trình đào tạo. Quy định cụ thể này giúp tránh sự nhầm lẫn và đánh đồng các tiêu chí với nhau, từ đó các cơ sở giáo dục có thể xác định rõ các vấn đề trọng tâm cần phát triển để đạt yêu cầu về chất lượng và kiểm định chất lượng.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Trường Đại học Hà Nội cho rằng việc đưa ra những tiêu chí bắt buộc và quy định tỷ lệ tối thiểu các tiêu chí phải đạt sẽ giúp đánh giá chính xác chất lượng của chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cũng đề xuất rằng cần có thêm văn bản hướng dẫn cụ thể về "các mốc chuẩn tham chiếu tối thiểu" cùng với "minh chứng gợi ý" để thể hiện rõ ràng việc đã hoặc chưa đáp ứng các mốc chuẩn này. Điều này sẽ giúp các trường chủ động hơn trong việc chuẩn bị thông tin và minh chứng trước khi tổ chức tự đánh giá.

Bên cạnh đó, từ ngữ được sử dụng trong các quy định cũng cần phải thống nhất với các văn bản quản lý mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành trước đây để tránh hiểu lầm và mâu thuẫn.

Châu Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/xuat-hien-muc-dat-co-dieu-kien-trong-kiem-dinh-ctdt-truong-dai-hoc-noi-gi-post245366.gd
Zalo