Đã hết thời 'đại bàng' Đài Loan, Việt Nam chuẩn bị đón bầy 'bồ câu', 'chim sẻ' đến làm tổ

Chuyên gia nhận định trong ngắn hạn Đài Loan đã hết 'đại bàng' mà Việt Nam có thể thu hút được. Nhưng hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp phụ trợ là 'bồ câu', 'chim sẻ' có thể sang Việt Nam thời gian tới. Do đó, Việt Nam cần sẵn sàng để thu hút, tận dụng dòng vốn này phát triển nội lực doanh nghiệp trong nước.

Doanh nhân Viên Tế Phàm, Chủ tịch Tập đoàn Eternal Prowess khởi nghiệp tại Đài Nam, Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 1975 với sản phẩm chủ yếu là đế giữa và đế ngoài bằng cao su của giày. Khách hàng của ông là những thương hiệu giày thể thao quốc tế bao gồm Puma, Adidas. Để giành được lợi nhuận cao hơn, ông nảy sinh ý tưởng ra nước ngoài phát triển. Sau khi đi khảo sát lần lượt các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Campuchia... ông quyết định dừng chân tại Việt Nam.

"Miền đất lành" của nhà đầu tư Đài Loan

“Việt Nam không phải là sự lựa chọn hàng đầu tại khu vực ASEAN nhưng có dân số khá đáng kể lên tới 100 triệu người, có độ tuổi trung bình ngoài 30, đất đai rộng lớn và nhân công giá rẻ, văn hóa cũng khá giống với Đài Loan”, ông Phàm lý giải sự lựa chọn thời điểm đó là kết hợp của nhiều yếu tố.

Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam tiếp tục là điểm đến hàng đầu của các doanh nghiệp Đài Loan.

Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam tiếp tục là điểm đến hàng đầu của các doanh nghiệp Đài Loan.

Việt Nam là nơi gây dựng sự nghiệp của nhiều doanh nhân Đài Loan như ông Phàm.

“Trước đây, khi gặp bạn bè là chủ doanh nghiệp tại sân bay, họ thường hỏi tôi rằng: ‘Sao ông lại đến Việt Nam?’. Bây giờ khi gặp họ, tôi hỏi ngược lại rằng: ‘Cuối cùng các ông cũng đến Việt Nam rồi à?”, vị doanh nhân chia sẻ.

Các nhà đầu tư Đài Loan bắt đầu đến Việt Nam cách đây 35 năm, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ thời kỳ đầu tập trung vào ngành dệt may, đồ gỗ nội thất, giày da, sản xuất xe đạp, cho tới những năm gần đây là “làn sóng” công nghệ - điện tử.

“Việt Nam có sức hút lớn với các doanh nghiệp Đài Loan”, ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam chia sẻ trong một diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan tổ chức cách đây không lâu. Ông Kỳ dẫn thông tin từ một cuộc khảo sát cho kết quả Việt Nam, cùng với Philippines, được bình chọn là điểm đến hàng đầu cho dòng vốn của các doanh nghiệp ngành truyền thống Đài Loan. Còn trong các ngành điện tử công nghệ cao, Việt Nam cũng là lựa chọn đầu tiên, sau đó mới đến Indonesia, Ấn Độ hay Philippines.

Theo phân tích, trong bối cảnh kinh tế quốc tế và địa chính trị hiện nay, Việt Nam tiếp tục được các doanh nghiệp Đài Loan quan tâm mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh bởi được đánh giá là một trong những mắt xích quan trọng trong xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như tại châu Á, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và công nghệ cao. Các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, định hướng chuyển đổi số và xây dựng kinh tế xanh của Chính phủ Việt Nam cũng là yếu tố tích cực để các doanh nghiệp Đài Loan phát huy được thế mạnh đầu tư.

Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp điện tử - công nghệ

Việt Nam đang tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn… Còn Đài Loan nổi tiếng là thị trường dẫn đầu thế giới về các lĩnh vực này, thể hiện ở việc chiếm hơn 70% thị phần chip cao cấp, các công ty Đài Loan sản xuất hơn 80% máy tính cá nhân và 90% máy chủ trên thế giới.

Điện tử cũng là lĩnh vực đầu tư hàng đầu của Đài Loan vào Việt Nam ở giai đoạn hiện nay. 6 tháng đầu năm nay, trong 39 dự án sản xuất đăng ký mới của Đài Loan tại Việt Nam với tổng giá trị 513,37 triệu USD, nhóm ngành điện tử đứng đầu về giá trị với 4 dự án, tổng cộng 255 triệu USD, chiếm 50%.

“Gần đây, các công ty Đài Loan đã đẩy mạnh đầu tư vào các thiết bị điện tử tiên tiến hơn. Những khoản đầu tư như vậy sẽ giúp Việt Nam nâng cao trình độ của lực lượng lao động, gia tăng chuỗi giá trị sản xuất và thu hút các nhà cung ứng khác”, chuyên gia từ ngân hàng HSBC Đài Loan nhận định trong một báo cáo mới đây.

Cho đến nay, 10/13 tập đoàn điện tử - công nghệ Đài Loan nằm trong top 100 công ty công nghệ lớn nhất thế giới đã có dự án đầu tư tại Việt Nam, chẳng hạn như Foxconn, Pegatron, Wistron, Qisda, Inventech, Compal, Quanta, Liteon… “Có thể sơ bộ nhận định rằng, trong ngắn hạn, Đài Loan gần như đã… hết ‘đại bàng’ mà Việt Nam có thể thu hút được. Nhưng hết ‘đại bàng’, thì vẫn còn ‘bồ câu’, ‘chim sẻ’”, ông Tuấn đặt vấn đề.

Vị chuyên gia phân tích, hệ thống doanh nghiệp của Đài Loan được cấu thành trên cơ sở 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành nghề, lĩnh vực được phân công chi tiết và phân khúc rõ ràng.

Trong giới sản xuất điện tử - công nghệ Đài Loan, có một định nghĩa là “open cluster”, hiểu nôm na là chuỗi cung ứng mở. Theo đó, mỗi thiết bị, sản phẩm điện tử - công nghệ có hàng trăm, hàng nghìn linh kiện nhỏ bên trong. Các “đại bàng” chỉ thiết kế để ráp nối các linh kiện thành một sản phẩm hoàn chỉnh, ít khi tự sản xuất tất cả.

Các “đại bàng” điện tử - công nghệ Đài Loan cũng sử dụng nhiều doanh nghiệp phụ trợ bên ngoài, không như một số “đại bàng” lĩnh vực này của Hàn Quốc - chỉ sử dụng doanh nghiệp phụ trợ trong hệ sinh thái tập đoàn.

“Do đó, việc hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp phụ trợ là “bồ câu”, “chim sẻ” của Đài Loan có thể sang Việt Nam cùng “đại bàng” tiếp tục là xu thế chủ đạo trong thời gian tới”, ông Tuấn cho biết.

Đây được đánh giá là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này có thể thông qua việc hợp tác sản xuất, trở thành nhà cung ứng cho các “bồ câu”, “chim sẻ” Đài Loan, từ đó nâng cao trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý và mở rộng năng lực sản xuất.

Song song với đó, cần sự phối hợp của các doanh nghiệp Đài Loan trong việc tăng cường chuyển giao công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hỗ trợ đào tạo lao động tay nghề cao; tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất; quan tâm mở rộng, liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện để hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Sáng tạo Đổi mới Quốc gia

Đài Loan hiện là đối tác đầu tư lớn thứ 4 và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam với quy mô đầu tư FDI đã đạt trên 37 tỷ USD, nhiều gấp rưỡi tổng FDI 24 tỷ USD của 27 nước Liên minh châu Âu (EU). Foxconn có thể coi như điển hình đầu tư thành công của doanh nghiệp công nghệ Đài Loan nói riêng và doanh nghiệp Đài Loan nói chung vào Việt Nam. Việt Nam có dân số 100 triệu dân và đang trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong nhiều ngành nghề, nhiều cơ hội để người Việt Nam sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ Đài Loan.

Ông John Campbell, Phó giám đốc, Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam

Ngày càng nhiều nhà sản xuất Đài Loan đã thiết lập chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam với tầm nhìn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro sản phẩm, trong đó có các tập đoàn điện tử lớn như Foxconn, Pegatron, Compal và Wistron. Việt Nam có tham vọng trở thành trung tâm chất sản xuất bán dẫn, trong khi Đài Loan nổi tiếng với ngành công nghiệp chất bán dẫn thành công. Do đó, các nhà đầu tư Đông Bắc Á này có thể cung cấp kiến thức chuyên môn quý báu mà Việt Nam có thể tận dụng để đạt được các mục tiêu của mình.

Ông CY Huang, Chủ tịch sáng lập Liên minh Ảnh hưởng Đông Nam Á

Việt Nam là điểm đến tiềm năng của nhà đầu tư Đài Loan, là một mắt xích quan trọng trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á. Các doanh nghiệp Đài Loan mong muốn Việt Nam sẽ giải quyết bài toán thiếu điện, xây dựng cơ chế nhằm giảm thiểu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời tích cực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành điện tử, bán dẫn.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/da-het-thoi-dai-bang-dai-loan-viet-nam-chuan-bi-don-bay-bo-cau-chim-se-den-lam-to-1102081.html
Zalo