Cựu Tổng thống Ukraine tiết lộ về thời điểm Kiev tổ chức bầu cử
Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko – đối thủ chính của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đưa ra một số bằng chứng cụ thể hé lộ thời điểm Kiev sẽ tổ chức bầu cử.

Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Poroshenko đã trích dẫn một số nguồn tin liên quan đến chính phủ Ukraine và cho biết các cơ quan liên quan đã bắt đầu chuẩn bị cho công tác bầu cử. Theo đó, khi trả lời kênh truyền thông Censor.net, vị cựu Tổng thống Ukraine tuyên bố rằng Kiev sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 26/10 năm nay.
Khi được hỏi thêm về nguồn tin, ông Poroshenko cho biết ông có mối liên hệ với chính quyền tổng thống cũng như các cơ quan thực thi pháp luật hiện nay tại Ukraine. Theo thông tin ông nắm được thì một nhà in của Ukraine đã bắt đầu công tác “sản xuất” các lá phiếu. Ông cũng cho biết rằng Ủy ban Bầu cử Trung ương của quốc gia này cũng đã bắt đầu các bước chuẩn bị.
Cựu Tổng thống Ukraine nói thêm rằng Bộ Nội vụ nước này được cho là đang trong quá trình mở văn phòng đầu tiên tại Berlin của Đức và việc này được thực hiện "chỉ vì cuộc bầu cử". Theo công ty tổng hợp dữ liệu trực tuyến Statista, Đức là quốc gia tiếp nhận số lượng người tị nạn Ukraine lớn nhất, lên tới hơn 1,24 triệu người.
Theo đánh giá của ông Poroshenko, chính quyền đương nhiệm hiện nay tại Ukraine có ý định sử dụng cuộc bầu cử để duy trì quyền lực khi cho biết: "Họ đang chuẩn bị mọi thứ theo cách để khiến họ không có đối thủ".
Ông Petro Poroshenko hiện đang lãnh đạo đảng Đoàn kết châu Âu - nắm giữ 27 ghế trong Quốc hội 450 ghế của Ukraine, từng nắm giữ cương vị Tổng thống trong giai đoạn 2014 - 2019 và được đánh giá là một trong những đối thủ chính của Tổng thống Zelensky trong cuộc bầu cử tiếp theo. Cựu Tổng thống Petro Poroshenko từng tuyên bố vào tháng 4/2024 rằng ông có kế hoạch tham gia cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo.
Ông Poroshenko cũng được đánh giá là một chính trị gia có đường lối thân với phương Tây. Khi phái đoàn Ukraine đến Mỹ vào đầu tháng 12/2024, ông Poroshenko cũng xuất hiện tại Washington và có một cuộc trao đổi ngắn với ông Mike Waltz - người khi đó đã được ông Donald Trump đề cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ. Trao đổi với truyền thông Mỹ, ông cũng đã giới thiệu “kế hoạch Poroshenko”, mô phỏng theo “kế hoạch chiến thắng” của ông Zelensky được công bố vào tháng 10/2024. Đầu tháng 2/2025, ông Poroshenko một lần nữa tới Mỹ để tìm cách thiết lập quan hệ với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù không được ủy quyền chính thức.
Thời gian qua, ông Poroshenko được cho là nhân vật có nhiều phát biểu cứng rắn, chỉ trích chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Zelensky.
Vào tháng 12/2021, ông bị cáo buộc phạm tội phản quốc liên quan đến các giao dịch than tại khu vực Donbass trong giai đoạn 2014 - 2015. Cáo trạng cho rằng khi còn đương chức, ông Poroshenko đã tham gia vào một kế hoạch mua lượng than trị giá 1,5 tỷ hryvnia (54 triệu USD) từ lực lượng đòi độc lập Donbass bất chấp các quy định cấm sau khi khu vực này đòi ly khai và gây chiến với Kiev. Các công tố viên nói rằng thỏa thuận này là bất hợp pháp và cáo buộc ông tội phản quốc và tài trợ cho khủng bố thông qua giao dịch có chủ đích. Tuy nhiên, ông Poroshenko phủ nhận các cáo buộc phản quốc và cho rằng vụ truy tố có động cơ chính trị.
Đầu tuần này, vào ngày 13/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công bố sắc lệnh áp đặt lệnh trừng phạt đối với lãnh đạo chính thức của phe đối lập, cựu Tổng thống Petro Poroshenko liên quan đến cáo buộc về tội phản quốc cách đây một thập kỷ. Động thái trên của ông Zelensky càng gia tăng sự đồn đoán về một cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Ukraine trước cả áp lực trong nước và bên ngoài. Động thái này đã bị chính ông Poroshenko lên án là "hoàn toàn bất hợp pháp" và dẫn đến một cuộc biểu tình từ phía chính đảng của ông tại Quốc hội Ukraine.
Liên quan đến tiến trình bầu cử tại Ukraine, Tổng thống Zelensky cho biết Kiev có thể tổ chức bầu cử khi nước này “ở vào vị thế mạnh” sau khi “giai đoạn nóng” của cuộc chiến tranh với Nga kết thúc. Tuy vật, nhà lãnh đạo Ukraine cũng không loại trừ khả năng điều này có thể diễn ra trong năm 2025. “(Điều này) sẽ rất khó thực hiện vì xã hội đang phản đối. Chúng tôi muốn có một cuộc bầu cử mà chúng tôi có thể tin tưởng”, ông Zelensky nói thêm.
Chia sẻ với tờ Kyiv Independent, bà Iryna Herashchenko, nghị sĩ của đảng Đoàn kết châu Âu cũng thừa nhận: “Có một số cuộc thảo luận ở cấp ủy ban (về việc tổ chức bầu cử), nhưng chưa có cuộc trao đổi nghiêm túc nào tại Quốc hội”. Theo bà Herashchenko, Ukraine hiện chưa xuất hiện các điều kiện an ninh cần thiết để tổ chức bầu cử.
Về phía Tổng thống Zelensky, khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn gần đây liệu ông có ý định tái tranh cử hay không, ông đã không phủ nhận khả năng này. Theo giới phân tích, nếu quyết định tái tranh cử, ông Zelensky có thể sẽ phải đối mặt với một đối thủ đáng gờm khác là ông Valerii Zaluzhnyi - cựu Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine, người đã bị ông Zelensky cách chức sau những bất đồng công khai.
Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald đã phát đi một số tín hiệu rõ ràng về việc Ukraine cần sớm tổ chức bầu cử. Theo đó, đặc phái viên của ông Trump về Nga và Ukraine, ông Keith Kellogg, cho biết Washington muốn thấy Kiev tổ chức cả hai cuộc bỏ phiếu bầu quốc hội và bầu tổng thống trước khi kết thúc năm 2025.
“Đến một thời điểm nào đó, họ sẽ phải tổ chức bầu cử. Đó chính là dấu hiệu của một nền dân chủ lành mạnh”, ông Kellogg nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin cũng đã nhiều lần đặt câu hỏi về tính chính danh của vị tổng thống đương nhiệm của Ukraine khi cho rằng nhiệm kỳ của ông Zelensky đã kết thúc từ năm ngoái. Trong khi, phía Ukraine cho rằng cuộc bầu cử tại nước này sẽ bị đình chỉ vô thời hạn trong thời gian ban bố tình trạng thiết quân luật do tình trạng chiến tranh.