Tổng tuyển cử 2025 - nước Đức 'rẽ trái'

Cuộc bầu cử Đức vào ngày 23.2 tới được coi là bước ngoặt quan trọng, không chỉ với nước Đức mà còn với thế giới. Là quốc gia đông dân nhất EU và nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu, định hướng chính trị của Đức sẽ có tác động sâu rộng. Câu hỏi chính trong suy nghĩ của nhiều người là đất nước này sẽ nghiêng về cánh hữu đến mức nào? Với liên minh bảo thủ CDU/CSU của ông Friedrich Merz dẫn đầu các cuộc thăm dò và đảng cực hữu AfD dự kiến về nhì, bối cảnh chính trị đang chứng kiến sự chuyển dịch rõ rệt.

Tại sao cuộc bầu cử này quan trọng?

Cuộc bầu cử này không chỉ là việc lựa chọn Quốc hội mới mà còn định hình sự lãnh đạo quốc gia và định hướng chính sách của Đức. Nhiều vấn đề chính chi phối chiến dịch bầu cử.

 Bên trong tòa nhà Quốc hội Đức

Bên trong tòa nhà Quốc hội Đức

Trước hết là chính sách di cư: Cuộc tranh luận về vấn đề di cư đã trở nên gay gắt hơn sau vụ tấn công bằng dao chết người vào tháng trước ở Aschaffenburg, bang Bavaria được cho là do một thanh niên Afghanistan thực hiện, người này bị bác đơn xin tị nạn trước đó và đang trong quá trình bị trục xuất. Liên minh bảo thủ gồm đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của ông Merz và đảng chị em - Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) đã phản ứng bằng cách thúc đẩy các biện pháp chặt chẽ hơn đối với di cư bất hợp pháp với sự ủng hộ của đảng AfD, phá vỡ điều cấm kỵ chính trị lâu đời là không được hợp tác với phe cực hữu.

Cụ thể, trong phiên họp của Bundestag (Quốc hội) vào tháng 1, phe bảo thủ của ông - lần đầu tiên kể từ Thế chiến II - đã thúc đẩy các đề xuất của Quốc hội nhằm hạn chế di cư với sự hỗ trợ từ AfD. Tuy nhiên, sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, ông Merz nhấn mạnh sẽ không hợp tác với AfD sau bầu cử, mà thay vào đó tìm cách làm giảm ảnh hưởng của đảng này. Dù vậy, một số ý kiến cho rằng uy tín chính trị của ông đã bị ảnh hưởng.

Vấn đề thứ hai liên quan đến ưu tiên kinh tế. Ông Merz đang ưu tiên các thế mạnh công nghiệp truyền thống của Đức hơn các chính sách khí hậu quyết liệt, báo hiệu sự thay đổi tiềm tàng khỏi chương trình nghị sự xanh của các chính quyền trước.

Tiếp đó là bản sắc hậu chiến của Đức. Thực tế, thành tích thăm dò ý kiến cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của AfD đã làm dấy lên mối lo ngại về cam kết lịch sử của đất nước trong việc từ chối chính trị cực đoan. Ông Merz, mặc dù tách mình khỏi sự hợp tác chính thức với AfD, nhưng vẫn áp dụng lập trường cứng rắn hơn về vấn đề di cư để giành lại cử tri bảo thủ.

Cơ chế bầu cử

Quốc hội Đức bao gồm 630 ghế, được phân bổ theo tỷ lệ giữa các đảng giành được ít nhất 5% số phiếu bầu. Mỗi cử tri bỏ hai phiếu-một phiếu cho ứng cử viên địa phương và một phiếu cho danh sách đảng, trong đó phiếu thứ hai đóng vai trò quyết định trong việc xác định sức mạnh của đảng. Trong hầu hết các trường hợp, các ứng cử viên giành chiến thắng tại khu vực của họ sẽ có một ghế trong Quốc hội. Nhưng tỷ lệ ghế chung mà các đảng giành được trong Quốc hội được xác định bởi tỷ lệ phiếu bầu thứ hai mà họ giành được, vì vậy đây là con số được báo cáo rộng rãi nhất vào đêm bầu cử. Các đảng sẽ lấp đầy các ghế mà họ giành được thông qua phiếu bầu thứ hai dựa trên danh sách ứng cử viên khu vực.

 Bên trong tòa nhà Quốc hội Đức

Bên trong tòa nhà Quốc hội Đức

Theo cuộc thăm dò mới nhất tính đến ngày 17.2, liên minh CDU/CSU của ông Merz hiện dẫn đầu với gần 30% sự ủng hộ. Xếp sau là đảng cực hữu AfD với 22%, trong khi SPD (đảng Dân chủ Xã hội) đạt 16%. Đảng Xanh giành được 13% sự ủng hộ. Trong khi đó, đảng Dân chủ Tự do (FDP), đảng Cánh tả và Liên minh Sahra Wagenknecht theo chủ nghĩa dân túy cánh tả (BSW) đều đang phải vật lộn để giành được ghế trong Quốc hội, khi mà kết quả thăm dò ý kiến cho thấy họ chỉ đạt được ngưỡng đại diện là 5%.

Kết quả thăm dò ý kiến cử tri đầu tiên sẽ được công bố lúc 6 giờ chiều vào đêm bầu cử, với kết quả sơ bộ dự kiến trong vòng nửa giờ. Phân bổ ghế cuối cùng sẽ được xác định qua đêm.

Các kịch bản tiềm năng sau bầu cử

Mặc dù liên minh CDU/CSU dự kiến sẽ giành chiến thắng, việc thành lập một chính phủ ổn định có thể là thách thức không nhỏ. Các chính trị gia từ đảng của ông Merz cho biết, kết quả ít được ủng hộ nhất của họ là liên minh ba bên, xét đến cuộc đấu đá nội bộ chắc chắn sẽ xảy ra sau đó, và cho biết họ muốn liên minh với đảng Xanh hoặc đảng SPD. Một lựa chọn như vậy sẽ củng cố đáng kể vị thế đàm phán của phe bảo thủ.

Nhưng liên minh ba đảng có thể khó tránh khỏi nếu một số đảng nhỏ hơn hiện đang có mặt trong Quốc hội - FDP, đảng Cánh tả và BSW - một lần nữa giành được ghế.

Nếu không có đảng nhỏ nào vượt qua được rào cản 5% để giành được ghế trong Bundestag, thì khoảng 40% số phiếu có thể đủ để kiểm soát đa số ghế trong Quốc hội (316). Nhưng ngược lại, nếu hai đảng nhỏ hơn tái gia nhập Quốc hội, thì cần khoảng 46% số phiếu mới giành được đa số, làm giảm đáng kể khả năng liên minh hai đảng. Mặt khác, mặc dù không có khả năng tham gia liên minh cầm quyền, nhưng thành tích mạnh mẽ của AfD có thể đẩy chính trị Đức tiến xa hơn về phía hữu và thách thức động lực của các đảng truyền thống.

Tác động đối với quốc tế

Theo nhiều nhà phân tích, cuộc bầu cử của Đức sẽ có hiệu ứng lan tỏa vượt ra ngoài biên giới của nước này. Đối với châu Âu, thành tích mạnh mẽ của AfD có thể thúc đẩy các phong trào cánh hữu trên khắp châu Âu, ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử sắp tới ở các nước láng giềng.

Về quan hệ với EU, ông Merz đã cam kết cải thiện quan hệ với Pháp và Ba Lan, đồng thời cam kết kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn như trục xuất người di cư bất hợp pháp trở lại biên giới, điều có thể gây căng thẳng cho sự thống nhất của liên minh lá cờ xanh về cải cách tị nạn đã được đàm phán từ lâu của khối.

Tiếp đến là chính sách đối với cuộc xung đột tại Ukraine. Không giống như Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz, người đã do dự trong việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, ông Merz ủng hộ việc cung cấp tên lửa Taurus và có lập trường quyết đoán hơn đối với cuộc chiến. “Khi cuộc chiến này bắt đầu, tôi không nghĩ rằng nó sẽ kéo dài 3 năm. Tôi tin rằng nó có thể kết thúc sớm hơn nếu Ukraine được giúp đỡ một cách can đảm hơn và ít do dự hơn”, ông Merz nói trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại.

Cuộc bầu cử năm 2025 của Đức không chỉ là cuộc thi chính trị trong nước, mà còn là thời điểm quyết định cho tương lai của châu Âu. Với liên minh CDU/CSU đang trên đà chiến thắng, nhưng phải đối mặt với những thách thức trong việc thành lập liên minh, và AfD đang giành được sức hút chưa từng có, kết quả sẽ định hình các chính sách của Đức về di cư, kinh tế và các vấn đề quốc tế trong nhiều năm tới. Liệu đất nước có chuyển dịch mạnh mẽ sang cánh hữu hay hay duy trì sự cân bằng trung dung sẽ được xác định trong những ngày tới.

Linh Anh (Theo Politico)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tong-tuyen-cu-2025-nuoc-duc-re-trai-post405060.html
Zalo