Cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường và 26 bị cáo hầu tòa

Bị cáo Nguyễn Linh Ngọc (cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường) và 26 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án Khai thác trái phép khoáng sản gây thiệt hại hơn 800 tỉ đồng.

Ngày 12/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Linh Ngọc và 26 bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Gây ô nhiễm môi trường xảy ra tại Mỏ đất hiếm Yên Phú, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương (Công ty Thái Dương) và các đơn vị có liên quan.

 Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đến tòa.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đến tòa.

Ghi nhận của phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, hơn 7h sáng nay, một số bị cáo được áp giải đến phiên tòa.

Trong số 27 bị cáo, có một số bị cáo được tại ngoại, trong đó có cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc.

 Sau khi được kiểm tra an ninh, cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc lên phòng xét xử.

Sau khi được kiểm tra an ninh, cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc lên phòng xét xử.

Khoảng 7h30’, cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đến tòa, ông mặc áo sơ mi cộc tay màu xanh, đội mũ và đeo khẩu trang.

 Xe chở các bị cáo bị tạm giam đến phiên tòa.

Xe chở các bị cáo bị tạm giam đến phiên tòa.

Trong số 27 bị cáo, riêng Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương) bị Tòa án đưa ra xét xử về 3 tội danh, gồm: “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Gây ô nhiễm môi trường”, quy định tại khoản 2, Điều 227, khoản 3, Điều 221 và khoản 3, Điều 235 Bộ luật Hình sự.

Nhóm 7 bị cáo là cựu lãnh đạo, nhân viên Bộ TN&MT và Sở TN&MT tỉnh Yên Bái bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự, gồm: Nguyễn Linh Ngọc (cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT); Nguyễn Văn Thuấn (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản); Hoàng Văn Khoa (cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản); Lê Duy Phương (cựu Chuyên viên chính Vụ Khoáng sản); Hồ Đức Hợp (cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái); Lê Công Tiến (cựu Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái); Bùi Đoàn Như (cựu Phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái).

Bị cáo Nguyễn Văn Chính (Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty Thái Dương) bị đưa ra xét xử về 2 tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 2, Điều 227 và khoản 3, Điều 221 Bộ luật Hình sự;

 Bị cáo Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản.

Bị cáo Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản.

6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3, Điều 221 Bộ luật Hình sự, gồm: Đặng Trần Chí (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải Hợp Thành Phát); Phạm Thị Hà (Kế toán Công ty TNHH Thương mại Vận tải Hợp Thành Phát); Trương Thị Hiển (Kế toán Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam); Nguyễn Anh Sơn (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sơn Anh Phú Thọ); Đoàn Hải Nam (Trưởng phòng vật tư Công ty cổ phần thép Hòa Phát Hải Dương); Đỗ Khánh Toàn (Phó Giám đốc Công ty TNHH Atexim).

Bị cáo Lưu Vũ (LIU YU, quốc tịch Trung Quốc) bị đưa ra xét xử về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, quy định tại khoản 4, Điều 323 Bộ luật Hình sự.

 Một bị cáo khác trong vụ án.

Một bị cáo khác trong vụ án.

Bị cáo Nguyễn Quang Mạnh (Giám đốc điều hành mỏ Yên Phú - Công ty Thái Dương) bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, quy định tại khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự.

Có 2 bị cáo thuộc Nhà máy sản xuất, chế biến đất hiếm - Công ty Thái Dương bị Tòa án đưa ra xét xử về tội “Gây ô nhiễm môi trường”, quy định tại khoản 3, Điều 235 Bộ luật Hình sự, gồm: Nguyễn Văn Lai (Phó Giám đốc điều hành xưởng nghiền, tuyển quặng đất hiếm) và Lê Văn Cẩn (Quản đốc xưởng thủy luyện đất hiếm).

Bị cáo Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam) bị đưa ra xét xử về 2 tội “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định khoản 4, Điều 188, khoản 3, Điều 221 Bộ luật Hình sự;

7 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Buôn lậu”, quy định tại khoản 4, Điều 188 Bộ luật Hình sự gồm: Đỗ Hạnh Hương (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam); Phạm Xuân Hậu và Phạm Thị Yến (cùng là nhân viên Xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam); Nguyễn Thanh Đoàn (Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương Binh Trường Sơn); Vũ Thị Tuyết (lao động tự do); Trần Đức (Giám đốc Công ty TNHH Dương Liễu Logistics); Trần Như Hoàng (nhân viên Công ty TNHH Dương Liễu Logistics).

Khai thác trái phép khoáng sản có tổng giá trị hơn 864 tỉ đồng

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh, xuất khẩu và quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản. Đoàn Văn Huấn trong vai trò lãnh đạo Công ty Thái Dương đã tổ chức, chỉ đạo khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ Yên Phú (Yên Bái) trong thời gian từ 2019 - 2023.

Số khoáng sản bị khai thác trái phép có tổng giá trị hơn 864 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Huấn cùng đồng phạm đã tiêu thụ được số quặng trị giá hơn 763 tỉ đồng. Nhằm che đậy hành vi sai phạm trên các chứng từ, Đoàn Văn Huấn còn chỉ đạo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, gây thiệt hại hơn 9,6 tỉ đồng tiền thuế cho Nhà nước.

Cơ quan tố tụng xác định, năm 2012, Bộ TN&MT có quyết định giao Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc được chỉ đạo, giải quyết lĩnh vực địa chất, khoáng sản và phụ trách Tổng cục Địa chất và Khoáng sản - là đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.

Trước đó, năm 2011, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản nhận hồ sơ xin cấp phép khai thác đất hiếm tại mỏ Yên Phú của Công ty Thái Dương nên Nguyễn Linh Ngọc ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy phép, nêu rõ “hồ sơ đề nghị cấp phép đã đủ điều kiện”.

Do vậy, Văn phòng Chính phủ có công văn giao các bộ chỉ đạo Chủ đầu tư lập dự án đầu tư chế biến sâu đất hiếm, báo cáo đánh giá tác động môi trường... Thủ tướng cũng có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Vũ Phương - Hồng Nguyên

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/ky-an/cuu-thu-truong-bo-tai-nguyen-moi-truong-va-26-bi-cao-hau-toa-177541.html
Zalo