Lạm dụng bóng cười: Hiểm họa khôn lường
Dù được quảng bá như một chất 'giải trí', song việc lạm dụng bóng cười có thể dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
Mới đây, Công an Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất, mua bán "khí cười" quy mô lớn. Đặc biệt, cơ quan công an đã tạm giữ hơn 137 tấn nguyên liệu để sản xuất khí N2O. Vậy tác hại khi sử dụng bóng cười cũng như những sai lầm phổ biến mà người trẻ mắc phải ra sao? Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với Th.S-BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) về vấn đề này.
Th.S-BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) nói về tác hại của bóng cười
* Thưa bác sĩ, bóng cười là gì và nó gây hại như thế nào đến sức khỏe con người?
- Th.S-BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa: Bóng cười là cách gọi dân gian của khí N2O. Đây là một loại khí không màu, có mùi hơi ngọt, thường được bơm vào bóng bay để người dùng hít vào nhằm tạo cảm giác hưng phấn, thư giãn, thậm chí cười không kiểm soát.
Trước đây, N2O được sử dụng trong y khoa với liều lượng kiểm soát để gây mê ngắn. Tuy nhiên, khi bị lạm dụng ngoài mục đích y tế, khí này gây ra hiện tượng thiếu oxy lên não và tủy sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh và tim mạch.
Người dùng bóng cười có thể gặp các triệu chứng như chóng mặt, mất thăng bằng, tê bì tay chân, rối loạn cảm giác, và trong trường hợp nặng có thể dẫn đến ngất, co giật hoặc đột tử.
* Vì sao giới trẻ ngày nay lại dễ dàng sa vào việc sử dụng bóng cười?
Có nhiều nguyên nhân. Trước tiên là tò mò và thiếu hiểu biết, nhiều bạn trẻ nghĩ rằng bóng cười chỉ mang tính "giải trí nhẹ", không gây nghiện. Thứ hai là áp lực từ bạn bè, môi trường tiệc tùng như quán bar, karaoke, nơi việc sử dụng bóng cười trở thành "trào lưu". Thứ ba là do khả năng tiếp cận dễ dàng vì trước đây bóng cười không nằm trong danh mục kiểm soát chặt chẽ như ma túy.
Ngoài ra, áp lực học tập, công việc cũng khiến nhiều bạn tìm đến bóng cười như một cách "giải tỏa stress", mà không lường trước hậu quả lâu dài.
* Tác hại lâu dài của bóng cười ra sao, thưa bác sĩ? Nó có gây nghiện như ma túy đá hay heroin không?
Tác hại đáng ngại nhất là tổn thương hệ thần kinh. N2O làm bất hoạt vitamin B12 – dưỡng chất cần thiết cho quá trình bảo vệ vỏ bao myelin quanh dây thần kinh. Khi thiếu vitamin này kéo dài, tủy sống thoái hóa, gây tê liệt chi, yếu cơ, rối loạn dáng đi và có thể không hồi phục.
Ngoài ra, bóng cười còn làm tăng nguy cơ rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, suy giảm trí nhớ và tăng nguy cơ đột quỵ. Một số trường hợp còn bị thiếu máu, tổn thương tủy xương, suy giảm miễn dịch.
* Bóng cười có gây nghiện hay không, thưa bác sĩ?
Về nghiện, bóng cười không gây lệ thuộc thể chất như heroin, nhưng gây nghiện tâm lý rất cao. Người dùng bị cuốn vào cảm giác "phê", dẫn tới lặp lại hành vi, tăng liều và cuối cùng là lệ thuộc hành vi. Từ một quả bóng có thể lên đến hàng chục quả mỗi lần để đạt cảm giác tương tự – và khi đó, nguy cơ tổn thương thần kinh, thậm chí tử vong là rất lớn.
* Vậy bác sĩ có lời khuyên nào dành cho giới trẻ?
Thứ nhất, hãy hiểu rõ bóng cười không hề "vui" hay "vô hại" như lời đồn – nó có thể để lại hậu quả thần kinh suốt đời. Thứ hai, các bạn cần rèn luyện kỹ năng từ chối, dũng cảm nói "không" trước lời mời từ bạn bè. Thứ ba, nên tham gia các hoạt động lành mạnh như thể thao, âm nhạc, kỹ năng sống để giải tỏa stress hiệu quả hơn.
Gia đình, nhà trường và xã hội cũng cần tăng cường giáo dục, định hướng và đồng hành cùng giới trẻ. Nếu đã từng sử dụng bóng cười và có triệu chứng bất thường, hãy nhanh chóng đến các cơ sở chuyên khoa thần kinh hoặc tâm thần để được đánh giá và điều trị kịp thời.