Lý do khiến trẻ bị nhiệt miệng và cách khắc phục

Nhiệt miệng là căn bệnh khá phổ biến có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ em. Mặc dù nhiệt miệng không gây nguy hiểm lớn và có thể tự khỏi sau một thời gian bị bệnh, tuy nhiên vết loét do nhiệt miệng lại gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu khiến trẻ chán ăn.

Lý do khiến trẻ dễ bị nhiệt miệng

Trẻ bị nhiệt miệng và lưỡi thường xuyên hay thậm chí tái phát nhiều lần có thể do một số nguyên nhân khách quan dưới đây:

Một số yếu tố như bệnh tật, kén ăn,,...có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của bé. Từ đó tạo môi trường cho vi khuẩn tấn công và gây nhiệt miệng ở trẻ.
Trẻ vô tình cắn phải những vật cứng như bàn chải đánh răng, đồ chơi,... hoặc cắn trúng bên trong môi, má, dẫn tới rách niêm mạc miệng.
Trẻ ăn quá nhiều đồ cay nóng, thực phẩm nhiều béo sẽ gây nóng trong người và bị nhiệt miệng.
Chăm sóc răng miệng không đúng và sạch sẽ khiến vi khuẩn và nấm có thể phá vỡ sự cân bằng sinh học và khiến cho vết loét ngày càng phát triển.
Các tình trạng như viêm nha chu, sâu răng, viêm tủy có thể làm tăng nguy cơ khiến trẻ nhiệt miệng.
Trẻ bị dị ứng với thuốc hoặc thực phẩm chức năng hay thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như vitamin C, B12, kẽm, sắt gây nhiệt miệng.
Đối với những bé đang bú sữa mẹ thì có thể do mẹ ăn uống không điều độ, thường xuyên căng thẳng, khiến nguồn sữa bị ảnh hưởng chất lượng là yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị nhiệt miệng.

Tập cho trẻ thói quen thường xuyên vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn để tránh nhiệt miệng

Tập cho trẻ thói quen thường xuyên vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn để tránh nhiệt miệng

Biểu hiện khi trẻ bị nhiệt miệng

Thông thường khi bị nhiệt miệng, vết loét sẽ xuất hiện ở bề mặt lưỡi hoặc trên nướu răng của trẻ nhỏ. Trẻ sẽ gặp phải những triệu chứng sau:

Đau, khó chịu, quấy khóc
Lở loét hoặc có mụn nhỏ ở đầu lưỡi
Sưng nướu răng, chảy máu
Chảy nước dãi nhiều
Trẻ lười ăn, không muốn ăn
Có thể sốt đột ngột

Xử trí khi trẻ bị nhiệt miệng

Tình trạng nhiệt miệng có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên với trẻ nhỏ, sức đề kháng kém và nhiệt miệng kéo dài gây khó chịu, chán ăn… ảnh hưởng tới sức khỏe, thể trạng. Vì thế cha mẹ cần có cách chữa nhiệt miệng cho trẻ hiệu quả để cải thiện tình trạng bệnh.

Dùng thuốc chữa nhiệt miệng cho trẻ dạng gel bôi vào vết nhiệt miệng theo đúng liều lượng hướng dẫn của bác sĩ.

Cho trẻ súc miệng bằng nước ấm hoặc nước muối pha loãng, mỗi ngày súc 4 lần nhằm loại bỏ vi khuẩn trong miệng, giúp chữa lành dần các vết loét.

Dùng bàn chải mềm để vệ sinh răng miệng, không chà sát mạnh vào răng, vào nướu.

Ngoài ra, bố mẹ cần xây dựng chế độ ăn uống phù hợp để hạn chế tình trạng trẻ mắc nhiệt miệng tái phát nhiều lần.

Nên cho trẻ ăn các loại thức ăn dạng lỏng, xay nhuyễn, dễ nuốt, không cần phải nhai nhiều như cháo, súp. Tuyệt đối không ăn các thực phẩm quá cay, mặn hoặc nóng.

Cho trẻ uống các loại nước ép trái cây 1 - 2 lần/ngày để giúp cung cấp đủ các vitamin cần thiết. Nhằm nâng cao sức đề kháng để bệnh nhanh khỏi. Nên cho trẻ uống nhiều nước hơn.

Tóm lại: Nhiệt miệng là một triệu chứng phổ biến gặp ở trẻ nhỏ. Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng và có thể tự khỏi sau vài ngày, nhưng các vết loét luôn gây cảm giác đau rát và khó chịu. Vì vậy, cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen thường xuyên vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn để tránh thức ăn tồn động gây kích thích dẫn đến trẻ bị nhiệt miệng. Lựa chọn bàn chải đánh răng mềm hạn chế tình trạng gây tổn thương cho trẻ.

Cha mẹ cần theo dõi trẻ tại nhà và đi khám ngay khi có bất thường xảy ra. Việc đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời sẽ giúp xử trí đúng cách, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra.

BS. Nguyễn Huy Thành

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ly-do-khien-tre-bi-nhiet-mieng-va-cach-khac-phuc-16925052008234986.htm
Zalo