Cứu người như cứu hỏa
Để phòng cấp cứu 'bình an', pháp luật cần nghiêm trị những kẻ côn đồ vẫn lộng hành nghiêm trọng ở nơi mà sự sống và cái chết cận kề gang tấc.

Vụ việc "nộp đủ tiền mới cấp cứu" tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định vẫn là chủ đề còn gây nhiều tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng quy trình thu viện phí trước khi khám, đặc biệt trong tình huống cấp cứu, có thể vô tình đẩy căng thẳng giữa bệnh nhân và nhân viên y tế lên cao.
Tri Thức - Znews trân trọng chia sẻ góc nhìn của PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương – về câu chuyện viện phí và cách các bệnh viện cần ứng xử.
Ngay từ khi tham gia vào Ban giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chúng tôi đã thống nhất chủ trương bệnh nhân không có tiền cũng phải cấp cứu. Số lượng bệnh nhân không trả tiền cũng có, nhưng không nhiều vì đa phần người bệnh và gia đình luôn tôn trọng những người đã chữa khỏi cho mình.
Khi làm giám đốc, tôi cũng quyết định bỏ qua việc đóng tiền khám trước mà người bệnh vào thẳng phòng khám, sau khi có chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng sẽ ra quầy viện phí đóng một thể.
Lúc đầu cũng bị phản đối vì sợ có người khám xong thì về luôn, không đóng tiền, nhưng tôi lý luận trường hợp như vậy chắc họ không hài lòng với việc khám bệnh nên bỏ về cũng hợp lý. Quả thật, tỷ lệ này gặp ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội rất hãn hữu.
Đấy là tuyến trung ương nhưng ở địa phương có sự khác biệt khá rõ. Ông Bí thư Tỉnh ủy khi mời tôi về làm giám đốc kiêm nhiệm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương có giao nhiệm vụ: Không để bệnh nhân nghèo không được cấp cứu kịp thời. Chúng tôi quán triệt rất nghiêm túc.

Hình ảnh nam thanh niên đánh vào đầu nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Ảnh cắt từ clip.
Tuy nhiên, đúng là một gánh nặng cho các bệnh viện mà nguồn thu hạn chế chỉ từ Bảo hiểm Y tế (BHYT) vì đa phần bệnh nhân hoàn cảnh éo le này không có người thân và chắc chắn không đóng BHYT.
Thống kê 4 tháng đầu năm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương có 55 ca không có thân nhân, trong đó 9 bệnh nhân người nước ngoài (1 người cư trú bất hợp pháp đã báo công an trục xuất), 10 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Trong số những ca không tìm được người thân, 11 ca chữa thành công, bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện và tất nhiên không đóng một đồng viện phí nào.
Đấy chỉ là con số thống kê trong 4 tháng, không kể rất nhiều bệnh nhân có người thân nhưng hoàn cảnh gia đinh khó khăn không đóng được viện phí, phòng Công tác xã hội và các nhà hảo tâm phải vào cuộc chung tay hỗ trợ. Bệnh nhân trốn viện thì ngày nào cũng có. Chưa một trường hợp nào nhân viên bệnh viện bị bỏ tiền túi ra đóng vào khoản thất thu này.
Có chăng vì thái độ không phù hợp hay không tuân thủ đúng quy trình, thiếu trách nhiệm gây hậu quả... sẽ bị kỷ luật. Nhẹ thì nhắc nhở phê bình đến trừ thu nhập tăng thêm, đổi vị trí công tác hay nặng nhất là buộc thôi việc.
Nói như vậy để thấy, các bệnh viện công vẫn là nơi dành cho người nghèo và người yếu thế. Chắc chắn với quá tải bệnh viện, nguồn lực hạn chế, hệ thống vận hành cồng kềnh với hàng mớ thủ tục chồng chéo, áp lực của chính sách tự chủ bệnh viện... rất nhiều các trường hợp cấp cứu bị trì hoãn, bị hiểu nhầm vì nghĩ chưa có tiền không cứu và nguy hiểm nhất là điều trị không chính xác.

PGS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng các bệnh viện công vẫn là nơi dành cho người nghèo và người yếu thế. Ảnh: BSCC.
Chính vị vậy, theo tôi, cái cần đấu tranh là việc làm sao nâng cao chất lượng phòng cấp cứu hồi sức.
Rất cần xây dựng quy trình cấp cứu hồi sức theo nguồn lực của mỗi tuyến, thậm chí mỗi bệnh viện. Ví dụ, cấp cứu ở bệnh viện huyện có hay không có máy chụp cắt lớp, chắc chắn quy trình sẽ khác nhau.
Chúng ta cần có chủ trương "bù lỗ" cho các đơn vị cấp cứu hồi sức. Không thể để khoa này tự chủ hạch toán thu chi được, cần bao cấp và nếu bị "thất thu" thì ngân sách địa phương hoặc chính bản thân bệnh viện sẽ chi trả sau khi kiểm toán hàng năm.
Cuối cùng, để phòng cấp cứu bình an, pháp luật cần nghiêm trị những kẻ côn đồ vẫn lộng hành nghiêm trọng ở nơi mà sự sống và cái chết cận kề gang tấc.
Các bạn thử đặt địa vị vào chúng tôi khi xem những clip đồng nghiệp bị bạo hành về thể xác và tâm hồn khi đang cấp cưu người nhà của họ.
Chúng tôi không cần sự thương hại. Chuyên nghiệp và tường minh là đích ngành y tế phải hướng tới. Đối với những kẻ vô lương tri, chúng tôi cũng sẵn sàng đoàn kết để đấu tranh đòi lẽ công bằng.