Hơn 90% dân số tham gia BHYT là nền tảng tiến tới miễn viện phí toàn dân

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), hơn 90% dân số tham gia BHYT là một trong những thành tựu về y tế là nền tảng quan trọng để tiến tới miễn viện phí toàn dân.

BHYT là tiền đề tiến tới miễn viện phí toàn dân

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, triển khai chính sách miễn viện phí toàn dân có thách thức, tuy nhiên, khi thành công sẽ mang lại giá trị rất lớn cho người dân, giải quyết gánh nặng kinh tế trong điều trị bệnh cho người dân, xã hội; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Theo đại biểu, cần chú trọng giám sát, đánh giá hiệu quả chính sách miễn, giảm viện phí thường xuyên, học hỏi mô hình thành công từ các nước trên thế giới để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

"Chỉ khi mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe một cách công bằng và hiệu quả, chúng ta mới thực sự tiến gần hơn đến một Việt Nam khỏe mạnh và phát triển bền vững", đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh.

Theo ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình), định hướng miễn viện phí toàn dân là minh chứng cho cam kết "không ai bị bỏ lại phía sau". (Ảnh: Media Quốc hội)

Theo ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình), định hướng miễn viện phí toàn dân là minh chứng cho cam kết "không ai bị bỏ lại phía sau". (Ảnh: Media Quốc hội)

Cũng theo đại biểu, viện phí có đặc thù khác nhau ở từng đối tượng, từng căn bệnh điều trị, có bệnh người dân chỉ vài trăm nghìn để khám chữa nhưng cũng có người phải chi trả đến hàng trăm triệu, thậm chí vài tỉ đồng để điều trị các bệnh nặng, ung thư. Bên cạnh đó, xu hướng dân số già hóa, bệnh mãn tính tăng; cùng tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật, nhiều kỹ thuật tiên tiến được áp dụng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe ở nước ta, dẫn đến chi phí y tế tại Việt Nam đang tăng nhanh theo từng năm.

Trong khi nguồn lực ngân sách của đất nước còn hạn chế so với các quốc gia phát triển, tỷ lệ thu thuế/GDP còn thấp, tình trạng chênh lệch vùng miền, vấn đề quá tải ở tuyến trên, chất lượng y tế chưa đồng đều hay tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế ở một số nơi vẫn xảy ra. Hiện nay, các bệnh viện công lập hoạt động tự chủ tài chính, nguồn thu chủ yếu lại từ giá dịch vụ khám chữa bệnh, trong khi đội ngũ y bác sĩ cũng chỉ hưởng lương như người lao động thông thường.

"Triển khai chính sách miễn viện phí, đồng nghĩa với việc sẽ cần thêm các cơ chế đảm bảo nguồn lực, giữ chân nhân lực chất lượng cao và đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng điều trị", bà Thu cho hay.

Nữ đại biểu tin tưởng, định hướng miễn viện phí toàn dân là minh chứng cho cam kết "không ai bị bỏ lại phía sau". Việt Nam đã có những kinh nghiệm trong triển khai chính sách BHYT toàn dân với độ bao phủ đạt hơn 92%, đối tượng miễn, giảm viện phí đã mở rộng hơn trong thời gian qua cùng kinh nghiệm quản lý các chương trình y tế quy mô lớn như tiêm chủng phòng chống dịch bệnh...Đây chính là tiền đề từng bước tiến tới miễn viện phí hoàn toàn.

Để hiện thực hóa chính sách trên, đại biểu cho rằng, một mặt cần chuẩn bị nguồn tài chính (ngân sách Nhà nước kết hợp xã hội hóa, viện trợ quốc tế), trước mắt cũng nên tập trung thực hiện đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân. Tiến tới đảm bảo đầy đủ quyền lợi bảo hiểm, tiếp tục mở rộng diện miễn, giảm phí cho nhóm yếu thế (người nghèo, vùng khó khăn, trẻ em, người già, bệnh hiểm nghèo). Cùng với đó, tạo điều kiện để mọi người dân đều có thể tiếp cận các kỹ thuật điều trị cần thiết.

"Để hiện thực hóa chính sách miễn viện phí tại nước ta là vô cùng thách thức và nhiều khó khăn, đòi hỏi nguồn lực kinh tế dồi dào và cần có lộ trình rõ ràng, có sự đồng thuận từ Trung ương và các bộ ngành. Tuyệt đối không để áp lực cản trở việc nâng cao năng lực chuyên môn và phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật của các cơ sở y tế", đại biểu nhấn mạnh.

Phải chú trọng phát triển y tế tuyến cơ sở

Cũng chia sẻ kỳ vọng về miễn viện phí toàn dân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đồng tình rằng, hơn 90% dân số tham gia BHYT là một trong những thành tựu về y tế là nền tảng quan trọng để tiến tới miễn viện phí toàn dân. Trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân thuộc hộ nghèo được miễn 100%, các đối tượng còn lại dao động từ 80 - 90%.

"Với lộ trình Tổng Bí thư đưa ra thực hiện miễn viện phí toàn dân trong giai đoạn 2030 - 2035, chúng ta còn tối đa 10 năm để chuẩn bị. Do đó, cần đánh giá kỹ tác động của chính sách. Trong đó, làm thế nào để tăng năng suất lao động, tăng thu ngân sách, tăng GDP hàng năm để có nguồn lực thực hiện chính sách trên rất quan trọng", bà Nga nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương).

Đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chú trọng phát triển y tế tuyến cơ sở. Thực tế, y tế tuyến cơ sở hiện nay còn nhiều bất cập, không chỉ thiếu thiết bị y tế mà nhân lực ở khu vực này cũng yếu. Chính vì vậy, chỉ có những bệnh nhẹ người dân mới đến trạm y tế xã, phường, còn lại đều chỉ muốn lên tuyến trên, thậm chí tuyến Trung ương để điều trị.

Theo bà, cần có chính sách thu hút đội ngũ y bác sĩ giỏi về tuyến cơ sở, không chỉ giảm tải cho tuyến trên mà còn giúp giảm chi phí cho người bệnh bởi đây là tuyến gần dân nhất.

"Nếu y tế tuyến cơ sở không phát triển, không đáp ứng được, người bệnh phải lên tuyến trên điều trị thì dù miễn viện phí, áp lực kinh tế vẫn cao do phải di chuyển xa. Thậm chí, còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do không được kịp thời điều trị. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ y tế của tuyến trên khi quá tải nhân lực, quá tải cơ sở vật chất, cứ 4, 5 bệnh nhân một giường thì chất lượng dịch vụ không thể tốt được", bà Nga nói.

Do vậy, nữ đại biểu đoàn Hải Dương đề xuất, cần có những chính sách ưu đãi đối với các cơ sở y tế ngoài công lập. Đặc biệt, các cơ sở chất lượng cao đang hỗ trợ rất lớn trong việc san sẻ gánh nặng cho các cơ sở y tế công lập: "Đây sẽ là cơ sở y tế được nhiều người dân có điều kiện, quan tâm đến chất lượng dịch vụ hướng tới, nhờ đó, giảm áp lực cho cơ sở y tế công lập, để người ít có điều kiện kinh tế hơn được tiếp cận cơ sở y tế công lập thuận lợi hơn".

Song song với đó, đại biểu Việt Nga cho rằng, cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện lối sống lành mạnh. Nếu duy trì được lối sống lành mạnh, chú trọng phát triển y tế dự phòng, đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng, sẽ giảm được gánh nặng bệnh tật, giảm tải cho các cơ sở y tế. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước trong thực hiện chính sách miễn viện phí toàn dân.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/hon-90-dan-so-tham-gia-bhyt-la-nen-tang-tien-toi-mien-vien-phi-toan-dan-post1198382.vov
Zalo