Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VX: Đại biểu Quốc hội nêu quan điểm về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng việc tăng giá bán điện là cần thiết để tái đầu tư, phát triển ngành điện, phục vụ cho việc phát triển nền kinh tế của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) trả lời phỏng vấn. Ảnh: Hải Ngọc - TTXVN
Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV chiều 10/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng việc tăng giá bán điện là cần thiết để tái đầu tư, phát triển ngành điện, phục vụ cho việc phát triển nền kinh tế của đất nước.
Trước đó, ngày 9/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với mức tăng thêm 4,8% theo thẩm quyền. Theo đó, giá điện tăng từ mức hiện nay là 2.103,11 đồng/kWh lên mức 2.204,06 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Với việc điều chỉnh tăng giá như trên, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 100,94 đồng/kWh. Việc điều chỉnh giá điện áp dụng chính thức từ hôm nay — 10/5.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương), việc cân đối giữa đầu vào và đầu ra của ngành điện đang ở mức thấp, gây khó khăn nhất định cho EVN. Trong khi đó, ngành điện của Việt Nam là một trong những ngành xương sống của nền kinh tế. Nếu EVN không đủ mạnh, không đủ nguồn lực để tái đầu tư, nâng cấp công nghệ… sẽ dẫn đến tình trạng ngành điện của Việt Nam lạc hậu so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á chưa nói đến việc so sánh với các quốc gia phát triển trên thế giới. Ngành điện lạc hậu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả nước. Do vậy, ông Nguyễn Quang Huân ủng hộ việc tăng giá điện trong lộ trình hiện nay để có nguồn lực, tái đầu tư, phát triển ngành điện, đưa ngành điện của Việt Nam phát triển hơn phục vụ cho nền kinh tế quốc gia.

EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh, so với các nước đang phát triển trên thế giới, ngành điện của Việt Nam đang đứng ở thứ bậc rất thấp. Trong bối cảnh đời sống của người dân đang được nâng lên, dần dần giá điện cũng sẽ phải được điều chỉnh ngang bằng . Tuy nhiên, cần có lộ trình tăng giá điện cụ thể và nên có khoảng thời gian nhất định để thông báo đến người dân, doanh nghiệp để họ chủ động, sẵn sàng đón nhận.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, việc tăng giá điện cũng cần tính đến các chính sách hỗ trợ đối với những đối tượng là người nghèo, người có thu nhập thấp vì quan điểm của Đảng và Nhà nước là không để ai bỏ lại phía sau. Vậy cần phải hỗ trợ những đối tượng trên như thế nào cũng là bài toán cần phải giải quyết.
Chúng ta không nên tiếp tục cách hỗ trợ bằng cách giảm giá bán điện như trước đây mà phải đưa giá bán điện về sát với giá thị trường, sau đó nghiên cứu hỗ trợ những đối tượng chính sách bằng cách chi trả tiền vào tài khoản cho những đối tượng này một cách công khai, minh bạch để đảm bảo cuộc sống cho những đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ… Do đó, việc tăng giá điện không làm chúng ta lo lắng mà ngược lại, chúng ta ủng hộ việc này để ngành điện phát triển mạnh hơn để phục vụ người dân tốt hơn.
Ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh, giá bán điện của Việt Nam hiện nay so với giá bán điện của các nước trong khu vực không cao. Quan điểm xuyên suốt của chúng ta là chuyển dịch cơ cấu để phát triển kinh tế nhưng không dựa vào nhân công giá rẻ và mức thâm hụt điện năng. Nếu Việt Nam không tăng giá bán điện, có thể một bộ phận người dân được hưởng lợi nhưng ngược lại cả nền kinh tế sẽ bị thiệt hại. Các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ tận dụng nguồn năng lượng giá rẻ và sẽ không chịu cải tiến công nghệ, giữ nguyên hoặc đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Nguyên nhân là giá mua điện không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, không ảnh hưởng đến chi phí đầu vào. Như vậy, Việt Nam sẽ bị thiệt thòi so với các quốc gia khác vì phải tiếp nhận các công nghệ sản xuất lạc hậu. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề phát triển kinh tế của đất nước.
Như vậy, cần phải nghiên cứu để có chính sách phù hợp, tham mưu cho Chính phủ nhằm cân đối lợi ích của doanh nghiệp trong vấn đề tính toán đầu vào, đầu ra với mức sống của người dân. Đảm bảo người dân vẫn có thể chi trả được trong khi nhà nước vẫn có nguồn lực để tái đầu tư, phát triển ngành điện, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của cả nước./.