Cửu Đỉnh Hoàng cung Huế: 'Bách khoa thư' về Việt Nam thế kỷ 19

Cửu Đỉnh được đánh giá là bộ 'Bách khoa thư' về đất nước Việt Nam thống nhất, có chủ quyền, được thể hiện dưới hình thức biểu trưng bằng hình ảnh chạm khắc nổi.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, bộ Cửu Đỉnh trong Hoàng thành Huế là cụm tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị cao về mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam. Cách tạo tác và các hình chạm nổi trang trí chứa đựng tư tưởng của một thời đại, tâm tư và ý niệm của con người về đất nước, về vũ trụ và thiên nhiên.

Với những giá trị độc đáo về hình thức, nội dung thông tin, đặc biệt là các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á, hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chính đỉnh đồng Hoàng cung Huế” đã được ghi danh là Di sản Tư liệu Khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

162 họa tiết được chạm nổi tinh xảo

Chín chiếc đỉnh đồng (Cửu Đỉnh) do vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu (Hoàng thành Huế) từ đó tới nay.

Trải qua 200 năm với sự tàn khốc của chiến tranh và thời gian, song Cửu Đỉnh vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu, chưa từng được sửa chữa, dù chỉ một chi tiết nhỏ. Vì vậy, bộ Cửu Đỉnh này có giá trị độc bản và không thể thay thế. Cửu Đỉnh được công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 1, năm 2012.

 Các hình đúc nổi trên Cửu Đỉnh. (Ảnh: Cục Di sản Văn hóa)

Các hình đúc nổi trên Cửu Đỉnh. (Ảnh: Cục Di sản Văn hóa)

Cả 9 chiếc đỉnh đều có dáng chung giống nhau: Bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có 3 chân. Ở phần cổ đỉnh, bên phải ghi năm đúc đều là "Minh Mạng thập lục niên Ất Mùi” (1835), bên trái ghi trọng lượng từng đỉnh. Chiếc nặng nhất là Cao đỉnh (khoảng 2.600kg), nhẹ nhất là Huyền đỉnh (khoảng 1.930kg).

Theo hồ sơ khoa học, ngoài tính biểu trưng cho các vị vua, thể hiện quyền lực của vương triều nhà Nguyễn thì Cửu Đỉnh như một bộ “Địa dư chí lược” của Việt Nam đầu thế kỷ 19 được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với tổng cộng 162 họa tiết được chạm nổi tinh xảo.

Trong số các họa tiết chạm nổi có tới 90 hình ảnh là về các loài động thực vật đặc trưng của Việt Nam. Các họa tiết này đều thể hiện một cách sống động các loài động thực vật, nhiều chỗ chạm khắc khá chi tiết những đặc điểm nổi bật của các loài.

 Cửu Đỉnh được công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 1, năm 2012. (Ảnh: TTXVN)

Cửu Đỉnh được công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 1, năm 2012. (Ảnh: TTXVN)

Thực vật trên Cửu Đỉnh có thể phân thành 6 nhóm: Cây lương thực, cây lấy sợi, rau và cây gia vị, cây lấy quả, các loại hoa, các loại gỗ, dược liệu và hương liệu. Động vật gồm có: loài cá, ốc, côn trùng; chim; thú lớn bốn chân; các loài vật linh.

Cửu Đỉnh gắn liền với con số 9, một con số thiêng liêng theo quan niệm phương Đông, tượng trưng cho Trời, cho sự hoàn thiện tuyệt đối, cho quyền uy và sức mạnh của người đứng đầu thiên hạ.

Tất cả các hình ảnh được đúc nổi trên Cửu Đỉnh đều là những đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam, được chọn lọc và sắp xếp theo số 9: “Chín tinh tú và thiên nhiên trong vũ trụ; Chín ngọn núi lớn; Chín con sông lớn; Chín sông đào và sông khác; Chín cửa biển, cửa quan, biển, cầu vồng; Chín con thú lớn bốn chân; Chín con vật linh; Chín loài chim; Chín loại cây lương thực; Chín loại rau, củ; Chín loại hoa; Chín loại cây lấy quả; Chín loại dược liệu quý; Chín loại cây thân gỗ; Chín loại vũ khí; Chín loài cá, ốc, côn trùng; Chín loại thuyền, xe, cờ.”

Cửu Đỉnh Huế gắn liền với Thụy hiệu các vua nhà Nguyễn. Lấy Cao đỉnh làm chuẩn, bên trái lần lượt là Nhân đỉnh, Anh đỉnh, Thuần đỉnh, Dụ đỉnh, bên phải lần lượt là Chương đỉnh, Nghị đỉnh, Tuyên đỉnh, Huyền đỉnh. Chẳng hạn, Cao đỉnh chính là thụy hiệu của Thế tổ Cao hoàng đế, Nhân đỉnh là thụy hiệu của chính vua Minh Mạng (Thánh tổ Nhân hoàng đế), Chương đỉnh là thụy hiệu của vua Thiệu Trị (Hiến tổ Chương hoàng đế), Anh đỉnh là thụy hiệu của vua Tự Đức (Dực tông Anh hoàng đế)…

 Cao đỉnh là thụy hiệu của Thế tổ Cao hoàng đế. (Ảnh: Cục Di sản Văn hóa)

Cao đỉnh là thụy hiệu của Thế tổ Cao hoàng đế. (Ảnh: Cục Di sản Văn hóa)

Cửu Đỉnh chạm khắc nhiều địa danh sông núi, biển đảo. Đặc biệt, trong 9 đỉnh có 3 đỉnh vua Minh Mạng cho khắc hình tượng về biển để thể hiện bao quát về biển đảo nước Việt gồm biển Đông ở Cao đỉnh; biển Nam ở Nhân đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh.

Như vậy, cùng với hàng loạt tài liệu Hán-Nôm cổ, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu Đỉnh là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho thấy các vị vua triều Nguyễn một lòng ra sức bảo vệ và thực thi chủ quyền biển đảo của đất nước.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Hán Nôm cho biết Cửu Đỉnh là di sản quý giá, là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa, giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp, cũng như nghệ thuật đúc đồng tài hoa của người Việt.

“Cửu đỉnh còn là biểu tượng của sự thống nhất và trường tồn của triều đại. Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đã lưu trữ nhiều giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á,” ông Cường nói.

Chiến lược Ngoại giao Văn hóa vượt mục tiêu

Ngày 8/5, toàn thể đại biểu của 23 quốc gia thành viên đã bỏ phiếu thông qua việc ghi danh những bản đúc nổi trên Cửu Đỉnh trở thành Di sản Tư liệu Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức thế giới (MOW) của Việt Nam, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng.

 Hồ sơ về Cửu Đỉnh được trình bày tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO, Mông Cổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hồ sơ về Cửu Đỉnh được trình bày tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO, Mông Cổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo bà Hiền, việc Thừa Thiên-Huế có thêm một di sản được UNESCO ghi danh sẽ là một nguồn lực mới, góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, từ đó, đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Cục trưởng cũng chia sẻ đến nay Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, đây chính là cơ sở thực tiễn để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trở thành một Chương mới trong Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024.

Bà Lê Thị Hồng Vân, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định đây là niềm vui không chỉ đối với riêng Thừa Thiên-Huế, mà còn là niềm vinh dự và tự hào của tất cả người dân Việt Nam.

Theo bà Vân, việc Hồ sơ lần này được ghi danh đã nâng tổng số các danh hiệu, di sản UNESCO mà Việt Nam sở hữu lên 68 danh hiệu, góp phần thực hiện vượt mục tiêu của Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030. Đây là sự ghi nhận, tin tưởng mà các nước khu vực và bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tư liệu.

“Việc Thừa Thiên-Huế có thêm một di sản, danh hiệu UNESCO sẽ góp phần giúp địa phương tiếp tục tham gia và mở rộng sự kết nối, trao đổi các kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu trong khu vực,” bà Vân nói./.

 Đoàn Việt Nam có mặt tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đoàn Việt Nam có mặt tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO. (Ảnh: PV/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cuu-dinh-hoang-cung-hue-bach-khoa-thu-ve-viet-nam-the-ky-19-post945414.vnp
Zalo