Người dân tộc Lào ở Lai Châu gìn giữ và phát huy trang phục truyền thống
Trải qua nhiều biến đổi của đời sống xã hội, người dân tộc Lào ở tỉnh Lai Châu vẫn chú trọng gìn giữ trang phục truyền thống của dân tộc mình một cách bền vững. Đây cũng là niềm tự hào dân tộc.
Ngày nay, đến với làng bản của người dân tộc Lào ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, vẫn gặp những chị em phụ nữ miệt mài bên khung cửi dệt vải, nhuộm chàm để may trang phục truyền thống.
Dù là một dân tộc có dân số ít, sống đan xen với những dân tộc có dân số lớn hơn rất nhiều, nhưng không vì thế mà người dân tộc Lào bị mai một bản sắc văn hóa. Họ vẫn gìn giữ được những nét độc đáo riêng biệt, tạo nên hệ giá trị văn hóa truyền thống độc đáo cho riêng mình, trong đó có trang phục truyền thống.
Chị Lò Thị Ngần, ở xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, cho biết: “Hàng năm các gia đình người dân tộc Lào ở đây đều để ra một khoảnh ruộng để trồng bông. Sau khi thu hoạch bông, chị em lại cùng nhau xe sợi, dệt vải, nhuộm chàm để may trang phục cho các thành viên trong gia đình mình. Đặc biệt là vào dịp cuối năm, mọi người trong gia đình đều muốn có bộ trang phục truyền thống để mặc vào dịp Tết. Hầu hết phụ nữ ở đây đều biết dệt vải, thêu thùa và may váy áo thổ cẩm truyền thống”.
Cho đến nay, không chỉ người lớn thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống, mà các cháu bé người dân tộc Lào cũng mặc trang phục truyền thống đến trường. Nhìn vào trang phục đều dễ dàng nhận thấy các cháu học sinh là người dân tộc Lào ở địa phương.
Ông Phạm Văn Thời, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lai Châu, chia sẻ: “Thời gian qua, tỉnh Lai Châu tích cực tuyên truyền, vận động người dân tộc thiểu số trong tỉnh đẩy mạnh công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc. Nhờ đó, các dân tộc đều nhận thức rõ vai trò của trang phục truyền thống. Đó vừa là niềm tự hào dân tộc, vừa tạo ra những bức tranh sắc màu độc đáo của địa phương, trong đó có người dân tộc Lào ở huyện Tân Uyên”.
Từ khi triển khai thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, các cấp ủy, chính quyền địa phương, phòng Văn hóa, Thông tin và Du lịch huyện Tân Uyên đã phối hợp với xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên) để mở lớp truyền dạy kỹ năng tạo hình, dệt và may trang phục, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Qua lớp học, học viên sẽ được học đầy đủ các bước và kỹ thuật để có thể tự làm 1 bộ quần áo, váy áo cho gia đình. Là người trực tiếp giảng dạy, chị Lò Thị Di ở bản Hào Nghè, xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) chia sẻ: Chúng tôi sẽ truyền dạy cho các học viên đầy đủ các công đoạn theo lối cầm tay chỉ việc.
Qua lớp học, các học viên sẽ được tìm hiểu ý nghĩa cũng như cách thức làm các họa tiết hoa văn trên trang phục nam, nữ người Lào.
Chị Lò Thị Dị nói: Các sản phẩm chúng tôi đang truyền dạy bao gồm dệt váy, dệt áo, dệt khăn quấn đầu, dệt áo nam, quần nam thắt lưng và khăn quấn đầu nam. Còn nội dung truyền dạy về thêu thì đối với áo nữ có các hoa văn như cổ áo, tay áo; đối với áo nam có thêu túi và sườn áo. Nay huyện tổ chức lớp truyền dạy như này chúng tôi rất vui. Bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự vì được truyền dạy lại cho bà con, để mong được lưu giữ cho các con cháu và thế hệ mai sau.
Việc gìn giữ và phát huy trang phục truyền thống của người dân tộc Lào ở huyện Tân Uyên nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung, đã trở thành một nề nếp quen thuộc, tạo nên sự tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống. Và hơn nữa, đó còn là nguồn lực để tạo nên những sắc màu văn hóa độc đáo ở tỉnh Lai Châu, trở thành những thành tố văn hóa để khai thác phát triển du lịch rất quan trọng.