Cựu chiến binh Trần Quang Khải và ký ức về những ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh

'Tôi còn sống để trở về, điều mà nhiều đồng đội tôi không có được!', cựu chiến binh Trần Quang Khải, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 nói chậm rãi khi nhắc về những ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh. 50 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử ấy, nhưng trong ký ức của người lính quê Gia Lâm, Hà Nội, từng đêm trắng giữa rừng Bình Dương, từng trận pháo kích 12 giờ trưa từ căn cứ Đồng Dù, từng đồng đội hy sinh chỉ cách nhau một hơi thở… vẫn hiện về rõ như vừa mới hôm qua.

Trận địa đầu đời và những ngày không ngủ

Cựu chiến binh Trần Quang Khải sinh năm 1954, quê ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cuối năm 1973, chàng chiến sĩ trẻ được biên chế về Trung đội 1, Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, thuộc Trung đoàn 1 (Đoàn Bình Giã), Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Ngay khi đặt chân vào chiến trường miền Nam (tháng 11-1973), ông cùng đơn vị lập tức tham gia chốt giữ tại tuyến lộ 16, địa phận tỉnh Bình Dương.

Tại đây, ông sống cùng khói súng và tiếng pháo rền, trong những căn hầm chốt trận, nơi mà bộ đồ Tô Châu màu xanh của ông hòa với bùn đất đã chuyển sang đỏ vì thời gian chốt trận quá lâu. “Hồi đó chốt trận ngày đêm, liên tục 2 tháng trời ở trong hầm, xác định không ngủ. Pháo địch bắn theo giờ: 12 giờ trưa, 4 giờ chiều và 11 giờ đêm. Chỉ cần sơ sẩy là hầm sập, là đồng đội không về được nữa”, ông kể, mắt nhìn xa xăm.

Ông Khải nhớ lại, cứ 12 giờ trưa, pháo từ căn cứ Đồng Dù và Lai Khê bắn tới hầm. Đến chiều lại thêm một loạt, rồi cả đêm cũng phải thức trắng. Có lần, hầm ông Khải bị sập lúc đang trực chiến, phải khoét từng lỗ nhỏ chờ đến đêm để sửa lại.

Đối với ông, trận đánh ám ảnh và sâu đậm nhất không phải ở Sài Gòn, mà là trận chiến vào tháng 12-1974 tại Xóm Rớt (Bàu Bàng, Bình Dương). Lúc đó, đơn vị ông hành quân từ tối, phải vượt qua 5 lớp hàng rào thép gai dày đặc để tấn công vào chốt địch, ông kể: “Chúng tôi phải nằm ngửa ra, bọc giẻ vào, cắt từng đoạn dây bằng kéo để không phát tiếng động. Có lúc phải cắt hình chữ A để luồn người vào, cắt từ 10 giờ đêm đến 4 rưỡi sáng mới xong”.

Chiến thắng trận này giúp ông được đề nghị kết nạp Đảng ngay trước Chiến dịch Hồ Chí Minh, lúc đó ông mới tròn 20 tuổi.

 Cựu chiến binh Trần Quang Khải không còn nhớ chính xác từng ngày, nhưng từng đồng đội hy sinh, từng trận đánh sinh tử, những ký ức ấy thì chưa bao giờ nhạt phai trong ông.

Cựu chiến binh Trần Quang Khải không còn nhớ chính xác từng ngày, nhưng từng đồng đội hy sinh, từng trận đánh sinh tử, những ký ức ấy thì chưa bao giờ nhạt phai trong ông.

Chiến thắng và cái giá không thể đong đếm

Chia sẻ với chúng tôi, điều khiến ông không bao giờ quên là một người đồng đội quê ở Thái Bình. Người chiến sĩ này được giao mang 6 quả thủ pháo, chạy đầu tiên khi cửa mở. Trong trận đánh ấy, anh bị thương, gãy mất một cánh tay và một bên mắt nên ông Khải phải dìu anh ra khỏi chiến trường.

Người lính ấy thều thào một câu mà ông không bao giờ quên: “Bao nhiêu ngày chỉ ăn ngô sắn, nay được một bữa cơm no thì lại bị thương…”. Một câu nói đơn giản nhưng khiến ông vẫn rơi nước mắt sau suốt nửa thế kỷ. Câu nói như khắc họa rõ nét cho những gian khổ mà người lính phải trải qua khi có một bữa cơm gạo trắng trong rừng cũng trở thành xa xỉ và thiêng liêng.

“Ngày 24-2-1975 là trận đánh có thương vong lớn nhất của đơn vị khi 8 chiến sĩ hy sinh cùng lúc vì trúng đạn pháo cối trong lúc đang được quân y băng bó vết thương. Người thì mới bị thương, đang ngồi chờ cứu, thế mà lại trúng đạn pháo cối, tất cả đi cùng nhau trong một khoảnh khắc”, giọng ông Khải trầm xuống.

Sau chiến thắng Dầu Tiếng ngày 11-3-1975, đơn vị ông tiếp tục hành quân qua Lò Gò - Xa Mát, Cà Tum, vòng sang đất Campuchia rồi tiến về Đức Huệ, Đức Hòa (Long An). “Ngày ấy hành quân giữa ruộng đồng mênh mông, không có nhà cửa như bây giờ, đêm đi, ngày nghỉ, có chỗ nước ngập tới bắp chân. Đến khu vực Bình Hưng Hòa (Tân Bình), đơn vị đụng độ lính ngụy khoảng 5-7 phút. Chúng tôi bắn vài loạt, quân địch tháo chạy, sau đó chúng tôi tiếp tục hành quân lên đầu sân bay Tân Sơn Nhất. Khi lên đến đó thì thấy xe tăng T34 đi theo đội hình của Tiểu đoàn 1 bị cháy, trực thăng Mỹ nằm bẹp trong sân bay”, ông Khải kể.

Sáng 30-4-1975, ông cùng đồng đội hành quân theo hướng Tây Nam tiến vào Sài Gòn, băng qua ngã tư Bảy Hiền. Trên đường đi, dấu hiệu của sự sụp đổ đã hiện rõ: Những chiếc mũ sắt, quân phục lính ngụy vứt vương vãi khắp nơi. “Chúng tôi không phải nổ một phát súng nào. Trinh sát đi trước dẫn đường, bộ đội cứ thế mà tiến. Người dân hai bên đường ùa ra, vẫy tay chào, mắt rưng rưng, miệng liên tục hô “Giải phóng rồi!”. Họ mang theo bánh kẹo, trái cây đưa cho bộ đội Giải phóng. “Cảm giác lúc đó khó tả lắm. Mình đi giữa lòng thành phố lạ mà thấy như được trở về nhà”, ông Khải xúc động nhớ lại.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ông Khải vào tiếp quản doanh trại biệt kích gần công viên Chí Hòa (nay là công viên Lê Thị Riêng). Sau đó ông nhận nhiệm vụ đến quận 6 truy quét tàn quân rồi về bảo vệ khu nhà máy đèn Chợ Quán.

Đến tháng 7-1975, ông được điều về Trung đoàn 3, Sư đoàn 500, làm nhiệm vụ canh giữ tù binh sĩ quan ngụy. Lúc này, ông là đảng viên, cấp hàm Trung sĩ, Trung đội phó Cảnh vệ. Cuối năm 1978, ông lại tiếp tục hành quân sang Campuchia trong chiến dịch giúp bạn. Sau này, ông tiếp tục công tác trong quân đội, từng đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 317, Quân khu 7. Tháng 6 năm 2005, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.

“Chiến dịch Hồ Chí Minh là bước ngoặt của dân tộc. Nó không chỉ kết thúc 21 năm chiến tranh mà còn mở ra một kỷ nguyên mới. Tôi được sống để chứng kiến khoảnh khắc đó, và được trở về, điều mà nhiều đồng đội tôi không có được. Hòa bình, độc lập, tự do không phải là điều tự nhiên có. Nó phải trả bằng máu và nước mắt của những người đi trước. Nếu các cháu quên điều đó, các cháu sẽ đánh mất tương lai”, ông nhắn nhủ với chúng tôi.

Chiến tranh qua đi đã nửa thế kỷ, giờ đây, ở tuổi ngoài 70, cựu chiến binh Trần Quang Khải không còn nhớ chính xác từng ngày, nhưng từng đồng đội hy sinh, từng trận đánh sinh tử, những ký ức ấy thì chưa bao giờ nhạt phai trong ông.

Bài và ảnh: MINH TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cuu-chien-binh-tran-quang-khai-va-ky-uc-ve-nhung-ngay-cuoi-cung-cua-chien-dich-ho-chi-minh-825899
Zalo