Cựu chiến binh Nguyễn Quang Sơn làm kinh tế giỏi

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, với bản lĩnh được tôi rèn trong quân ngũ, khi trở về cuộc sống đời thường, bằng nghị lực vượt khó vươn lên, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Quang Sơn, thôn Đại Nghĩa, xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô đã thành công với mô hình nuôi thỏ sinh sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông trở thành điển hình trong phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi tại địa phương.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ và rời quân ngũ năm 1987, ông Nguyễn Quang Sơn trở về địa phương và tham gia phát triển kinh tế. Ban đầu, cả gia đình chỉ gắn bó với ruộng đồng, chăn nuôi nhỏ lẻ. Song, những năm tháng quân ngũ đã rèn luyện cho ông ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên. Không cam chịu cảnh nghèo, ông Sơn luôn trăn trở và ấp ủ tìm một hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

CCB Nguyễn Quang Sơn chăm sóc đàn thỏ.

CCB Nguyễn Quang Sơn chăm sóc đàn thỏ.

Cơ duyên đến với nghề nuôi thỏ trắng Newzealand cách đây hơn 1 năm khi ông tình cờ biết đến một mô hình nuôi thỏ quy mô lớn tại xã Đồng Quế. “Thỏ dễ nuôi, ít bệnh, sinh sản nhanh, năng suất cao. Tôi nghĩ đây là con vật phù hợp với điều kiện nông thôn mình. Vậy là tôi bắt đầu tìm hiểu, học hỏi từng chút một”, ông Sơn nhớ lại.

Tận dụng hệ thống chuồng trại trước đây chăn nuôi lợn trên diện tích hơn 200m2, ông Sơn đã cải tạo hệ thống làm các chuồng sắt riêng biệt để nuôi thỏ. Ban đầu ông Sơn nuôi 10 cặp thỏ giống Newzealand.

Những ngày đầu là chuỗi thử thách: “Không có kinh nghiệm, thỏ chết nhiều, nhất là khi thời tiết thay đổi đột ngột, thất thường. Có lúc tôi gần như muốn bỏ cuộc. Nhưng bản lĩnh người lính giúp tôi đứng dậy từ thất bại. Tôi đã tìm đến những người đi trước để học hỏi kinh nghiệm, cũng như tìm hiểu kỹ thuật nuôi thỏ qua tivi, internet, sách báo để áp dụng vào mô hình nuôi thỏ của mình” - ông Sơn chia sẻ.

Sau hơn một năm nỗ lực, hiện ông Sơn đang nuôi 50 cặp thỏ sinh sản. Ngoài ra, ông đã nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phối giống, xử lý bệnh thường gặp ở thỏ như đầy hơi, đi ngoài, viêm ruột, nấm da.

Ông đặc biệt chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại, khẩu phần ăn, nước uống và nhiệt độ chuồng thích hợp đối với từng mùa trong năm để đàn thỏ phát triển đồng đều. Theo ông Sơn chia sẻ, chuồng trại nuôi thỏ phải luôn sạch sẽ vì nếu bẩn thỏ sẽ sinh bệnh, do vậy, hệ thống chuồng trại luôn được ông Sơn vệ sinh và phun thuốc sát trùng để khử khuẩn định kỳ.

Nguồn thức ăn chính của thỏ là các loại rau, củ phải được rửa sạch, để ráo nước, vì nếu không ráo nước thỏ ăn vào sẽ bị ảnh hưởng tới đường ruột; ngoài ra còn cho ăn thêm cám để bổ sung.

Thỏ cái sẽ được lấy giống và theo dõi chu kỳ sinh sản kỹ lưỡng, sau khi sinh, thỏ con sẽ được tiêm phòng E.coli (thuốc chống nhiễm cầu khuẩn) và được theo mẹ trong vòng 25 ngày, sau đó tách mẹ và nuôi thêm 15 ngày nữa là xuất chuồng. Mỗi lứa thỏ mẹ có thể sinh sản từ 6 - 8 thỏ con, mỗi thỏ con khi xuất chuồng giá trung bình là 50.000 đồng/con.

Hiện nay, mô hình của ông chủ yếu cung cấp thỏ con giống cho một số hộ gia đình tại huyện Tam Dương, mỗi tháng, ông xuất ra thị trường hàng trăm thỏ con giống mang lại nguồn thu ổn định hơn 130 triệu đồng/năm.

Ông Sơn chia sẻ thêm : “Thời gian tới, tôi dự định sẽ tăng quy mô lên gấp đôi, khoảng 100 cặp thỏ sinh sản. Tôi cũng đang cải tạo chuồng trại, lắp thêm hệ thống làm mát để chống nóng mùa hè, cải tạo, nâng cấp mặt chuồng và lắp đặt thêm một số hệ thống đường ống vệ sinh, rãnh thoát nước; lắp đặt các khung chuồng bằng sắt chắc chắn hơn. Đồng thời chuẩn bị đầu tư khu phối giống riêng biệt để nâng cao chất lượng đàn”.

Lãnh đạo Hội CCB xã Nhân Đạo tham quan mô hình nuôi thỏ của CCB Nguyễn Quang Sơn.

Lãnh đạo Hội CCB xã Nhân Đạo tham quan mô hình nuôi thỏ của CCB Nguyễn Quang Sơn.

Chủ tịch Hội CCB xã Nhân Đạo Nguyễn Kim Cương cho biết: “Ông Sơn là một tấm gương sáng về ý chí vươn lên trong lao động, sản xuất. Mô hình nuôi thỏ của ông Sơn không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn tạo động lực cho nhiều hội viên khác mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế.

Điều chúng tôi ghi nhận nhất ở ông Sơn là tinh thần sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, thường xuyên giúp đỡ bà con và các hội viên CCB; tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng tổ chức hội .

Là người sống hòa đồng, trách nhiệm, ông Sơn xứng đáng là tấm gương Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, vừa sản xuất, làm kinh tế giỏi, vừa tích cực tham gia các hoạt động hội”.

Bài, ảnh: Huyền Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128803//cuu-chien-binh-nguyen-quang-son-lam-kinh-te-gioi
Zalo