Vesak: Quay vào Tâm - chiêm nghiệm chính pháp

Hãy trở về với chính pháp, sống đời tỉnh giác, để mỗi lời kinh, mỗi pho tượng, mỗi nghi lễ không chỉ là biểu hiện của tín ngưỡng, mà là chất liệu nuôi dưỡng trí tuệ và giải thoát.

Xuyên suốt dòng chảy lịch sử Phật giáo, biểu tượng luôn giữ vai trò quan trọng như những cầu nối tâm linh giữa con người và chính pháp. Từ Xá lợi, tượng Phật đến pháp khí, chuông mõ, mỗi biểu tượng đều mang một tầng ý nghĩa thiêng liêng và nhắc nhở hành giả về con đường giác ngộ.

Hình minh họa - Xá lợi đức Phật đã có mặt tại Việt Nam. Ảnh: Internet

Hình minh họa - Xá lợi đức Phật đã có mặt tại Việt Nam. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, sự phát triển của Phật giáo trong thời đại hiện nay đang đối diện thách thức không nhỏ: sự lệch hướng giữa niềm tin vào biểu tượng và việc thực hành đúng chính pháp dựa trên trí tuệ.

Biểu tượng và sức mạnh khơi dậy niềm tin

Biểu tượng Phật giáo không chỉ đơn thuần là vật thể vật lý. Xá lợi, dù chỉ là một mảnh xương hay hạt ngọc xương phát hiện trong tro cốt sau khi hỏa thiêu thân thể của một vị cao tăng, lại trở thành nơi hội tụ niềm tin, cảm hứng tu hành và sự hiện diện tâm linh.

Cũng vậy, Tượng Phật không phải chỉ để thờ cúng, mà chính là hình ảnh nhắc nhở người tu hành hướng về tấm gương giác ngộ, từ bi và trí tuệ của Đức Thế Tôn.

Hình minh họa. Ảnh: Internet

Hình minh họa. Ảnh: Internet

Giá trị của biểu tượng là ở chỗ đó: đánh thức hạt giống tín tâm nơi mỗi người, khiến cho một niệm lành khởi lên, dẫn dắt người ấy vào con đường thiện, rồi từ đó tìm về ánh sáng của Chính Pháp. Đức Phật từng dạy: “Niềm tin là mẹ của công đức, nuôi lớn mọi thiện hạnh”. Tuy nhiên, niềm tin chỉ là khởi đầu. Nếu dừng lại ở đó, hoặc biến niềm tin thành sự tôn thờ mù quáng, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào hình thức, lạc xa thực chất.

Khi niềm tin rời xa trí tuệ

Một thực trạng đang hiện hữu trong đời sống Phật giáo hiện đại là việc nhiều nơi quá chú trọng hình thức, lễ nghi, biểu tượng mà ít quan tâm đến việc học, hành và thực chứng giáo pháp. Người phật tử sẵn sàng chen chúc lễ lạy một pho tượng “thiêng”, hành hương đến một nơi có “xá lợi linh nghiệm”, nhưng lại “không có” thì giờ học một bài pháp, đọc một trang kinh hay hành trì giới luật.

Điều đáng tiếc là chính những hình thức biểu tượng bị hiểu sai và vận dụng sai. Có người coi việc sở hữu một vật “thiêng” như bùa hộ mệnh, tin rằng chỉ cần mang theo là được bình an, thăng tiến, phát tài. Có nơi tổ chức lễ hội Phật giáo nhưng lại biến thành dịp trưng bày phô trương, thương mại hóa tâm linh, người đến vì sự kiện chứ không vì đạo lý. Họ lễ bái cầu xin, nhưng không hiểu ý nghĩa sâu xa của nhân quả, của vô thường, khổ, vô ngã, những trụ cột Chính pháp đức Phật truyền dạy.

Chính pháp - cốt lõi của đạo Phật

Chính pháp, theo lời dạy của đức Phật, là con đường đưa đến đoạn tận khổ đau, giải thoát và giác ngộ. Đó là trí tuệ thấy biết như thật về thực tại: khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ - tức Tứ Diệu Đế. Là Bát Chính Đạo - tám yếu tố chân chính dẫn người hành trì từ đời sống phàm phu đến bậc thánh.

Hình minh họa được tạo bởi AI.

Hình minh họa được tạo bởi AI.

Chính pháp không phải là vật hữu hình để chiêm ngưỡng, cũng không thể nắm bắt qua nghi lễ bên ngoài. Chính pháp phải được học hỏi, suy tư, hành trì và thể nghiệm trong đời sống. Giới - Định - Tuệ là lộ trình căn bản đưa người tu từ nền tảng đạo đức đến sự tĩnh lặng và trí tuệ giải thoát.

Đức Phật dạy: “Dù có cúng dường Ta với hương hoa, thức ăn ngon, mà không sống đúng Chính pháp thì người ấy không phải là kẻ cúng dường Ta”. Ngài cũng từng cảnh báo rằng khi Chính pháp suy vi, thì hình thức nghi lễ, pháp khí, biểu tượng… sẽ phát triển mạnh, nhưng chỉ như những cái xác không hồn.

Cân bằng giữa biểu tượng và thực hành

Không nên phủ nhận vai trò tích cực của biểu tượng. Trong đời sống tâm linh, con người cần những điểm tựa cụ thể để khơi dậy lòng tin, nhắc nhở hướng thiện. Nhưng cần đặt biểu tượng trong mối quan hệ hài hòa với trí tuệ và thực hành chính pháp.

Một pho tượng Phật đẹp có thể gợi cảm hứng tu hành, nhưng chính việc trì giới, thiền định, bố thí, hành từ bi mới là hành động “cúng dường sống động” đến đức Phật. Một viên xá lợi có thể nhắc ta nhớ đến công hạnh của bậc thánh, nhưng chính việc soi chiếu tâm mình, thấy rõ các pháp vận hành, chuyển hóa phiền não mới là cách “tiếp nhận” tinh hoa của các bậc giác ngộ.

Người phật tử cần được hướng dẫn để hiểu đúng biểu tượng, tránh rơi vào sùng bái mù quáng. Các cơ sở tự viện cần đẩy mạnh giảng dạy giáo lý, tổ chức các khóa tu học, khuyến khích hành trì và trải nghiệm nội tâm thay vì chỉ tổ chức các lễ hội hình thức.

Trí tuệ - đỉnh cao của niềm tin

Niềm tin dẫn khởi con đường tu học, nhưng trí tuệ mới là điểm đến. Đức Phật không kêu gọi người theo Ngài bằng lòng tin mù quáng.

Ngài từng dạy: “Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy được truyền thống gìn giữ, vì lời đồn đại, vì sách vở… Hãy trải nghiệm, suy tư, thực hành và nếu thấy điều đó đưa đến lợi ích cho mình và người thì hãy tin tưởng và hành trì”.

Hình minh họa được tạo bởi AI.

Hình minh họa được tạo bởi AI.

Chính pháp là ánh sáng của trí tuệ. Người bước đi trong ánh sáng ấy sẽ không bị dẫn dắt bởi tà kiến, không bị mê hoặc bởi biểu tượng bên ngoài. Thay vào đó, họ sẽ dùng biểu tượng như phương tiện để khơi mở tâm linh, làm nền cho nội lực tu hành vững chắc.

Biểu tượng là phương tiện, chính pháp là cứu cánh

Phật giáo đã tồn tại hơn 2.500 năm là nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa niềm tin và trí tuệ, giữa phương tiện thiện xảo và chân lý cứu cánh. Biểu tượng giúp chúng ta khởi lòng tin, nhưng đừng để niềm tin ấy đóng băng trong hình thức. Hãy để biểu tượng trở thành cánh cửa mở ra con đường tu học đúng đắn và để trí tuệ soi sáng từng bước đi.

Trong thời đại mà biểu tượng dễ bị thương mại hóa, lễ nghi dễ trở thành hình thức, người phật tử cần tỉnh thức hơn bao giờ hết. Hãy trở về với chính pháp, sống đời tỉnh giác, để mỗi lời kinh, mỗi pho tượng, mỗi nghi lễ không chỉ là biểu hiện của tín ngưỡng, mà là chất liệu nuôi dưỡng trí tuệ và giải thoát.

Tác giả: Thường Nguyên

* Ghi chú: Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/vesak-quay-vao-tam-chiem-nghiem-chinh-phap.html
Zalo