Cuốn nhật ký đặc biệt của một liệt sĩ CAND

'Từ hôm về đến nay, Hoàn chưa nói với Hân điều gì về chuyến đi B sắp tới của anh vì anh tin rằng Hân hiểu từ lâu rồi. Vả lại có bao giờ Hân tỏ ra lo ngại cho anh trong công tác đâu. Ngược lại, Hân rất tự hào về sự nghiệp vẻ vang của anh và nhất là trong những ngày sắp tới. Nhưng có một điều mà Hân chưa suy nghĩ tới, là anh đi có thể không về nữa. Đó là điều tất nhiên rất dễ hiểu'.

Đó là những dòng nhật ký của liệt sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Nguyễn Hải Trường viết ngày 17/4/1965, còn lưu lại đến ngày hôm nay. Cuốn nhật ký là kỉ vật vô giá, là niềm tự hào của thế hệ những chiến sĩ CANDVT đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.

1. "Nguyễn Hải Trường là liệt sĩ CANDVT duy nhất có nhật ký thời chiến mà chúng tôi tiếp cận được, tính đến thời điểm này. Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng CAND chi viện vào chiến trường miền Nam hơn 10.000 người. Hầu hết là lực lượng an ninh, với nhiệm vụ hoàn toàn thầm lặng, hoạt động ngầm, cài cắm trong lòng địch. Rất nhiều người bị bắt, bị thủ tiêu, và nhiều người bị lên án là phản bội Tổ quốc" - Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, người bao năm qua miệt mài với công việc sưu tầm, biên soạn, giới thiệu về những lá thư và nhật kí thời chiến Việt Nam chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Liệt sĩ Nguyễn Hải Trường (1930 – 1967) và ảnh chụp một trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường.

Liệt sĩ Nguyễn Hải Trường (1930 – 1967) và ảnh chụp một trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường.

Một ngày đầu tháng 8/2011, nhà văn Đặng Vương Hưng nhận được cuộc điện thoại của một phụ nữ ở Thanh Hóa tên là Nguyễn Thị Oanh, giới thiệu là con gái của liệt sĩ CANDVT Nguyễn Hải Trường (tức Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Đức Hinh), đang giữ cuốn sổ tay nhật ký chiến trường của cha mình. Bà biết đến nhà văn Đặng Vương Hưng trên báo đài, nên liên lạc để chia sẻ về cuốn nhật ký. Sau đó, bà Oanh đã mang cuốn nhật ký ra Hà Nội gặp nhà văn. Đó là cuốn sổ cũ kỹ, khổ 12cm x 17cm, dày gần 300 trang.

Bìa cuốn sổ màu nâu bằng giấy in giả da đã sờn mép. Những trang ruột không có dòng kẻ, hầu hết đều ố vàng do bị ngấm nước mưa và mồ hôi. Chỉ khâu gáy đã tuột gần hết, nét chữ nhiều trang đã mờ nhòe, rất khó đọc nội dung. Quyển sổ có 294 trang ruột, tác giả đã ghi chép đến trang 290. Nhà văn Đặng Vương Hưng đặc biệt ấn tượng khi được cầm trên tay cuốn sổ đi cùng năm tháng ấy. Ông đã hướng dẫn gia đình đánh máy lại nội dung để biên soạn thành sách.

Đầu tháng 11/2011, nhà văn Đặng Vương Hưng vào Thanh Hóa gặp gỡ gia đình, đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường để tìm hiểu về cuộc đời của người liệt sĩ Trường. Nguyễn Hải Trường sinh năm 1930, tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, tên khai sinh là Nguyễn Đức Hinh. Gia đình nghèo nhưng cậu bé Hinh rất ham học, là một trong số ít những đứa trẻ trong vùng đi học văn hóa tương đương hết lớp 7 phổ thông. Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hinh cùng cha đi cướp chính quyền trên Phủ huyện, rồi hăng hái làm liên lạc du kích xã, rồi làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên cứu quốc. Hinh được lựa chọn tham gia Chi đội Đinh Công Tráng - lực lượng chủ lực đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Khi Chi đội Đinh Công Tráng được chuyển thành trung đoàn bộ đội chủ lực của Thanh Hóa, Nguyễn Đức Hinh đã đổi tên là Nguyễn Minh Sơn. Cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Nguyễn Minh Sơn được biên chế vào Đại đoàn 312 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, Nguyễn Minh Sơn được điều về Đại đoàn 350. Tháng 3/1959, lực lượng CANDVT (Bộ đội Biên phòng ngày nay) được thành lập, Nguyễn Minh Sơn là một trong những chiến sĩ đầu tiên được lựa chọn, điều động đi tiễu phỉ tại vùng cao biên giới thuộc các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Nghệ An... Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Nguyễn Minh Sơn được điều về Trường Bổ túc Sĩ quan biên phòng để nâng cao trình độ, sau đó được Bộ Công an chọn đi tập huấn để tăng cường vào chiến trường miền Nam. Do yêu cầu nhiệm vụ, Nguyễn Minh Sơn đổi tên thành Nguyễn Hải Trường. Sau này, tên Nguyễn Hải Trường (hoặc Hải Trường) được sử dụng làm bút danh ghi chép trong sổ nhật ký.

Căn cứ nội dung ghi trong cuốn sổ thì Nguyễn Hải Trường viết nhật ký từ ngày 28/1/1965 và lần cuối cùng vào ngày 20/3/1967. Đó là hồi ức khi hoạt động ở miền Bắc, ghi chép trên đường hành quân vào Nam và những ngày ở chiến trường. Để đảm bảo bí mật, tác giả đã dùng ngôi kể của nhân vật "Hoàn", tên người vợ Nguyễn Thị Hán cũng được đổi là "Hân".

Tác giả đã có những ghi chép rất cụ thể, chi tiết về một giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ngày 16/6/1966, tác giả viết: "Địch dùng chiến tranh hủy diệt, nghĩa là đốt sạch, giết sạch, phá sạch… Một chiếc thuyền đựng nước uống để dưới hầm cũng bị nhiều vết đạn. Nó bắn dày như mặt những chiếc dần - sàng gạo. Một chiếc xoong nấu cháo cho trẻ nhỏ người ta đã đếm được 20 vết đạn; một chiếc lon uống nước 27 vết đạn; một chiếc mâm ăn cơm trên 60 vết đạn…".

Nhật ký ngày 29/4/1965 có đoạn: "… Là một sĩ quan trong lực lượng Công an vũ trang, Hoàn rất tự hào khi nghe đồng chí Tư lệnh báo cáo về tin Quốc hội tuyên dương những chiến công của các lực lượng vũ trang đã anh dũng chiến thắng giặc Mỹ trong thời gian vừa qua". Ngày 3/11/1965, Hải Trường viết: "Là một cán bộ công an tạm thời đi làm công tác quần chúng, nhất là địa bàn vừa được giải phóng, Hoàn vô cùng bỡ ngỡ. Và anh xác định phải rất khiêm tốn học tập các đồng chí đi trước"...

Kể từ trang nhật ký cuối cùng ghi ngày 20/3/1967, không có thêm thông tin gì về Nguyễn Hải Trường. Cho đến năm 1968, có một văn bản đánh máy của Bộ Công an ngày 10/4/1968, gửi tới đồng chí Trưởng ty Công an Thanh Hóa, có phần nội dung: "Bộ rất lấy làm thương tiếc báo tin: Đồng chí Nguyễn Minh Sơn, cán bộ Công an đi công tác "B", đã hy sinh ngày 30/3/1967. Hiện nay, đồng chí có vợ là chị Nguyễn Thị Hán, và con, mẹ ở xóm Xuân Đỉnh, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc". Thông tin trên đã được chuyển tới gia đình liệt sĩ Nguyễn Hải Trường. Theo Đại tá Đặng Vương Hưng thì văn bản này chính là "Giấy báo tử" của Bộ Công an với một liệt sĩ là cán bộ đi công tác "B" đã hy sinh tại chiến trường miền Nam khi mới 37 tuổi. Thời điểm hy sinh chỉ sau khi viết trang nhật ký cuối cùng 10 ngày.

Sau ngày miền Nam giải phóng, một cán bộ Công an tỉnh Bình Thuận đã tình cờ phát hiện trong số các hồ sơ hiện vật mà phía địch trước khi rút chạy đã để lại, có cuốn nhật ký của một cán bộ CANDVT miền Bắc có bút danh là Nguyễn Hải Trường. Căn cứ địa chỉ ghi trong cuốn sổ, Công an tỉnh Bình Thuận đã gửi ra cho Công an tỉnh Thanh Hóa cuốn nhật ký. Cuốn nhật ký đã được Công an tỉnh Thanh Hóa trao lại cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Hải Trường.

Sau khi đã tìm hiểu về cuộc đời liệt sĩ Nguyễn Minh Sơn và cuốn nhật ký, nhà văn Đặng Vương Hưng đã biên soạn lại nội dung và in thành sách, đặt là "Gửi lại mai sau". Ông cho chúng tôi biết rằng một phần cuốn nhật ký gốc hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Công an nhân dân, một phần tại Bảo tàng Biên phòng.

2. Chúng tôi đã liên lạc với bà Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1965) là con gái của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường hiện đang sống tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Bà Oanh nói với chúng tôi rằng, bao nhiêu năm qua bà vẫn thường đọc đi đọc lại nhật ký của cha mình trong niềm xúc động. Có nhiều đoạn bà đã thuộc lòng những lời tâm sự chân thành của người cha gửi tới gia đình, họ hàng, đồng chí đồng đội.

Bà Nguyễn Thị Oanh vẫn thường đọc lại nhật ký của người cha.

Bà Nguyễn Thị Oanh vẫn thường đọc lại nhật ký của người cha.

"Cha mẹ tôi ở cùng làng, đều sinh năm 1930. Mẹ tôi là Nguyễn Thị Hán. Chính trong nhật ký, cha tôi cũng nói về mẹ tôi là một cô gái thông minh, có kiến thức xã hội. Cha mẹ tôi có 3 người con: anh cả tôi là Nguyễn Minh Hải, chị Nguyễn Thị Yến và tôi là út", bà Oanh bộc bạch.

Bà Oanh kể: "Năm cha tôi lên đường vào Nam, anh Hải mới 6 tuổi, chị Yến lên 3, còn tôi mới sinh được vài tháng. Năm 1968, mẹ tôi nhận được giấy báo tử của cha, khi ấy tôi lên 3, cũng chưa biết thế nào là những đau đớn mẹ tôi phải trải qua. Gia cảnh nghèo khó, một mình mẹ vất vả nuôi ba anh em tôi. Bà lam lũ sớm tối, làm nhiều quá đến ngã bệnh. Năm 1974, mẹ tôi mất khi mới 44 tuổi. Mất cả cha lẫn mẹ khi còn nhỏ dại, ba anh em tôi về ở với ông bà nội. Ông bà già yếu nhưng vẫn cố chở che các cháu. Vượt qua nỗi đau mất mát, chúng tôi bao bọc nhau lớn lên. Tôi thương mẹ ra đi quá sớm, không kịp biết đến quyển nhật ký của cha. Lên đường vào Nam, cha tôi tuân thủ theo quy định không được viết thư về cho gia đình. Bởi thế ông viết thư cho mẹ trong nhật ký với tất cả những nhớ thương, thấu hiểu".

Bà Oanh luôn thấy ấm áp khi đọc nhật ký, bởi cha viết nhiều về ba người con. Năm 1965, thời điểm trước khi cha đi B, bà Oanh mới là "bé con mũm mĩm dễ thương đang bú mẹ" được cha "thơm lên đôi má thơm sữa". Bà thường hình dung ra cảnh cha "bế bé Oanh, cõng chị Yến còn anh Hải chạy theo sau". Cha nhớ "thằng cu Hải nhỏ mà rất thông minh", "bé Yến lầm lì gan góc", "bé Oanh - con chim non" của bố mẹ ra đời trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thường chịu cảnh bị bế xuống hầm trú ẩn, nhưng vẫn say sưa ngủ trên tay mẹ.

Cũng trong nhật ký, tháng 7/1965, Nguyễn Hải Trường viết rằng đã nhận được quân trang chuẩn bị vào Nam. Tất cả đồ nhận được đều được liệt kê tỉ mỉ, từ quần áo quân giải phóng, quần áo bà ba, võng, balo, dép cao su, thuốc men,…

Theo Đại tá Đặng Vương Hưng thì đây là lần đầu tiên có sự thống kê khá đầy đủ, chi tiết về tiêu chuẩn và trang bị của một cán bộ Công an từ miền Bắc đi công tác “B” trong kháng chiến chống Mỹ.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/cuon-nhat-ky-dac-biet-cua-mot-liet-si-cand-i740247/
Zalo