Cuộc thi viết 'TẾT THỜI SỐ': Ngắm thiệp Tết, ngẫm chuyện đời
Tết đến, chẳng còn nữa những tấm thiệp tự làm hay mua về rồi nắn nót viết tặng, chỉ có những tấm thiệp điện tử được gửi đi.
Mỗi năm Tết về, trong lúc dọn dẹp lại nhà cửa, tôi sẽ lại tìm và mở chiếc hộp "kho báu" của mình ra xem. Đó là một chiếc hộp thiếc cũ, bên trong hộp là những tấm thiệp mừng năm mới được các bạn của tôi gửi tặng, tấm thiệp cũ nhất được viết cách đây tận hai chục năm.
20 năm trước, tức là năm 2005, khi ấy tôi đang học tiểu học. Tết với bọn trẻ con mà nói là thời điểm hạnh phúc nhất năm, là cái gì đó ý nghĩa, thiêng liêng lắm, và đứa trẻ nào cũng vô cùng trân trọng. Chính vì vậy, chẳng đứa nào nề hà chuyện bỏ công làm thiệp.
Thời đó còn nghèo, tấm thiệp đơn giản là một trang giấy vở được cắt ra, gấp làm hai, vẽ cành đào hoặc cành mai ở ngoài, bên trong ghi lời chúc kèm chữ ký thật "oách" bằng bút dạ đủ màu. Chỉ vậy thôi. Ấy nhưng, những ngày cuối năm, ai đến trường mà không mang theo thiệp hay không được tặng thiệp là mặt buồn xo, thấy lạc lõng ngay. Đứa nào nhận được nhiều thiệp nhất thì tha hồ tự hào, chứng tỏ được bạn bè yêu mến. Tấm thiệp càng kỳ công (khổ giấy to, nhiều hình trang trí, có phong thư…) càng tô thắm tình bạn thân thiết. Về nhà, đứa nào cũng kẹp thiệp dưới tấm kính để bàn, hồ hởi chờ người lớn ghé mắt đọc qua rồi chạy đến khoe.
Lên cấp 2, việc tặng thiệp Tết vẫn còn duy trì. Tấm thiệp cũng được nâng cấp, là loại thiệp bằng giấy cứng, được thiết kế đa dạng, đủ giá thành, có loại phát nhạc… nhà sách nào cũng có bán. Lúc tặng thiệp, đang cái tuổi dậy thì ngại ngùng, sợ bị trêu chọc nên chúng tôi thường đợi đến giờ ra chơi, vỗ vai nhau một cái rồi chìa tấm thiệp ra. Số lượng thiệp tặng ít hơn trước nhiều, không còn tặng theo phong trào nữa, phải thân lắm chúng tôi mới trao nhau tấm thiệp.
Học lên cấp 3, nhất là năm cuối cấp, điều gì cũng muốn làm hoành tráng, tạo kỉ niệm đậm sâu cho sau này. Tết nhất càng là dịp phải làm cho tưng bừng. Lớp nào cũng có một chậu mai, hoa chẳng bao nhiêu, toàn là những thiệp. Đến lúc hái "lộc", đứa nào cũng háo hức chờ đợi tấm thiệp mình dốc lòng viết ra sẽ được trao đến ai và nhận lại từ ai; trúng người quý mến thì niềm vui càng trọn.
Thời cấp 3 cũng là lúc chúng tôi đều đã có điện thoại di động, loại điện thoại "cục gạch", sang hơn thì "nắp gập". Nhờ đó mà thiệp chúc Tết có thêm dạng mới, những tin nhắn với đủ ký tự ghép lại thành thông điệp. Từ đêm Giao thừa đến sáng mùng Một, điện thoại cứ "tinh tinh" liên tục với đủ tin nhắn vui nhộn, mua gói dịch vụ khoảng vài ngàn đồng rồi "chuyển tiếp" từ số điện thoại này đến số điện thoại khác.
Thời điểm mà tôi lên đại học, điện thoại "cục gạch" đã được thay thế bằng smartphone. Thiệp chúc Tết chuyển đổi theo công nghệ, hiện đại hơn, sống động hơn, có hình, có nhạc, đến lời chúc cũng được viết sẵn, chỉ cần ấn vào là gửi đi, còn có thể gửi hàng loạt một lần. Thiệp giấy vẫn còn, chủ yếu là thiệp chúc mừng được in đại trà do công ty hoặc đối tác tặng kèm cùng với quà chúc Tết, nhưng rồi kết cục thường được xem như rác rồi bỏ đi.
Rồi, cứ thế, từ hồi đại học cho đến bây giờ, đã mười hai năm trôi qua rồi nhỉ? Tết đến, chẳng còn nữa những tấm thiệp tự làm hay mua về rồi nắn nót viết tặng, chỉ có những tấm thiệp điện tử được gửi đi để rồi chờ nhận lại vào mỗi dịp đầu năm, giống như một quy ước hay thủ tục, và một khi tin nhắn quá đầy hoặc đổi sang thiết bị điện tử khác, những câu chúc cũng tự động bốc hơi, không có cách nào để lưu giữ lại ngoài ký ức mỗi người. Mà, với cuộc sống hiện đại bộn bề này, liệu ký ức có còn chỗ trống cho những lời chúc được lặp lại đại trà? Thú thật, tôi chẳng nhớ nổi những lời chúc mà bạn bè gửi cho từ lúc tôi trưởng thành, nhưng những lời chúc được nhận từ tấm bé, tôi lại chưa từng quên.
Vậy mới thấy, thời đại số cho ta sự tiện lợi, đổi lại, sự tiện lợi ấy thường rời đi nhanh giống như ly giấy được sử dụng một lần. Đáng tiếc, chúng ta lại thường không nhận ra điều đó, để rồi thất vọng và cho rằng Tết càng lúc càng chán. Kỳ thực Tết kém vui là vì ta đã lớn. Là vì chính chúng ta đã chẳng còn muốn hay chẳng còn đủ thời gian để làm thiệp và gửi tặng cho nhau để rồi ỷ lại và đổ thừa cho cuộc sống công nghệ. Là vì càng đón Tết nhiều càng luyến tiếc những cái Tết xưa. Bởi đó đâu đơn giản là Tết. Thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người lớn chúng ta, tôi tin, có lẽ ai cũng mãi nhớ nhung về tuổi trẻ ngây thơ không thể quay lại ấy, nơi niềm vui của Tết hằn lên những con chữ đọng lại theo tháng năm.