Cuộc 'mặc cả' thế kỷ về thuế quan

Thời hạn 90 ngày mang tính bước ngoặt mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra cho các thỏa thuận thương mại quốc tế đã đi qua 1/3 chặng đường - và những tuần sắp tới sẽ là 'thời gian vàng' quyết định cục diện.

Trung Quốc đang xem xét khả năng đàm phán thương mại với Mỹ. Ảnh: CNN

Trung Quốc đang xem xét khả năng đàm phán thương mại với Mỹ. Ảnh: CNN

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, hơn 100 quốc gia đã và đang chủ động tìm đến Washington để tranh thủ cơ hội đàm phán, tìm kiếm sự đồng thuận và mở ra cánh cửa hợp tác mới.

Khi đồng hồ đếm ngược cho thời gian tạm hoãn áp thuế sắp điểm hồi kết, làn sóng thương lượng diễn ra gấp gáp hơn bao giờ hết. Các quốc gia đang dốc sức thúc đẩy đối thoại nhằm xóa bỏ hoặc giảm nhẹ mức thuế đối ứng vốn đã leo thang trong thời gian qua.

Đây không chỉ là cuộc đàm phán về thương mại - mà còn là bài kiểm tra bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược của các nền kinh tế trong kỷ nguyên toàn cầu hóa đầy biến động.

Bước đầu trong đàm phán thương mại

Sau thời gian dài thương lượng, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác thân cận như Anh và Singapore vẫn đang lâm vào thế bế tắc. Dù là những đồng minh chiến lược lâu năm, hai quốc gia này vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng với chính quyền Tổng thống Donald Trump để tiến tới một thỏa thuận toàn diện.

Ngày 25.4, Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves đã có cuộc hội đàm quan trọng với người đồng cấp Mỹ Scott Bessent. Mỹ đề xuất Anh giảm thuế nhập khẩu ô tô từ Mỹ, trong khi phía London tìm kiếm miễn trừ mức thuế 25% hiện đang được Washington áp dụng lên ô tô, nhôm và thép nhập khẩu từ Anh.

Tuy nhiên, những khác biệt trong tiêu chuẩn sản phẩm, khả năng tiếp cận thị trường nông sản và các điều khoản về dịch vụ kỹ thuật số vẫn là các rào cản lớn chưa thể tháo gỡ. Giới chuyên gia đánh giá, khả năng đạt được một thỏa thuận trọn vẹn giữa hai bên trong thời gian ngắn là khá thấp.

Tình hình cũng không mấy khả quan với Singapore. Đàm phán vẫn chưa ghi nhận đột phá nào, khi Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế 10% áp từ ngày 5.4. Dù vậy, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore, ông Gan Kim Yong, khẳng định hai bên đã thống nhất tiếp tục đối thoại và tìm kiếm các giải pháp thực tiễn nhằm nâng tầm quan hệ thương mại song phương.

Dẫu bức tranh đàm phán vẫn còn nhiều gam màu trầm, nhưng vẫn le lói những tia sáng tích cực. Phát biểu trước cử tri trong một chương trình truyền hình trên NewsNation, Tổng thống Donald Trump bất ngờ hé lộ khả năng Mỹ sẽ đạt được các thỏa thuận thương mại với Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản - ba đối tác then chốt tại châu Á.

Cùng lúc đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang chuẩn bị một gói đề xuất để tái khởi động đàm phán với Mỹ. Theo nguồn tin từ Bloomberg, kế hoạch này sẽ bao gồm các biện pháp cắt giảm rào cản thương mại và phi thuế quan, thúc đẩy dòng đầu tư từ châu Âu vào Mỹ, đồng thời hợp tác xử lý những thách thức toàn cầu như tình trạng dư cung thép từ Trung Quốc.

EU cũng kỳ vọng mở rộng nhập khẩu các mặt hàng chiến lược của Mỹ như khí đốt tự nhiên hóa lỏng và công nghệ cao.

Những tín hiệu tích cực mới nhất

Về phía Trung Quốc, ngày 2.5, Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận Mỹ đã chủ động liên lạc và Bắc Kinh đang xem xét đề nghị đàm phán về thuế quan của Washington.

Đây được coi là tín hiệu hạ nhiệt trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nước. Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh, Mỹ cần có hành động nhằm sửa chữa “những hành vi sai lầm”, hủy bỏ các mức thuế đơn phương và phải thể hiện “sự chân thành” trong quá trình đàm phán.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump nhiều lần tuyên bố Trung Quốc đã liên hệ để đàm phán về thuế quan. Vào ngày 30.4, ông Trump cho biết “có khả năng rất cao là hai bên sẽ đạt được thỏa thuận”.

Báo Wall Street Journal dẫn một nguồn tin cho biết, chính quyền của ông Trump đang cân nhắc đưa mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc về mức 50-65%, tuy vẫn còn tương đối cao, nhưng được cho là đã xuống thang đáng kể.

Kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào đầu năm nay, Tổng thống Donald Trump đã mạnh tay áp thuế với hàng hóa Trung Quốc, ban đầu là mức thuế 20%, rồi tăng lên 145% sau các động thái căng thẳng qua lại giữa Washington và Bắc Kinh. Trong khi đó, Trung Quốc cũng áp thuế 125% với hàng hóa Mỹ.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm các nước được Mỹ ưu tiên đàm phán cùng với Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao với hàng chục đối tác thương mại trong 90 ngày, trong đó có Việt Nam. Mức thuế tạm thời được áp là 10%.

Đầu tháng 4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Liên quan đến quan hệ thương mại song phương, hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Tổng Bí thư cũng cho biết, Việt Nam sẵn sàng tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương giữa hai nước nhằm cụ thể hóa những cam kết trên.

Cũng trong vấn đề đàm phán thương mại song phương, cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng đoàn đàm phán thỏa thuận thương mại với Mỹ - đã có điện đàm với Trưởng đại diện Thương mại Mỹ Jamieson L. Greer để chính thức khởi động đàm phán vấn đề kinh tế, thương mại song phương Việt - Mỹ.

Đây là cuộc làm việc quan trọng để thảo luận về những vấn đề nguyên tắc, phạm vi và lộ trình đàm phán. Một ngày sau đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đánh giá cuộc điện đàm này là “hiệu quả”, mở đầu cho quá trình thảo luận về quan hệ thương mại song phương hai nước trong thời gian tới.

HỒNG NHUNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/cuoc-mac-ca-the-ky-ve-thue-quan-130828.html
Zalo