Ông Donald Trump áp thuế 100% với phim sản xuất ở nước ngoài để 'cứu' Hollywood

Hôm 5/5, Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế 100% đối với phim sản xuất ở nước ngoài vì cho rằng ngành công nghiệp phim ảnh Mỹ đang 'chết rất nhanh' do các ưu đãi mà các quốc gia khác đưa ra để thu hút các nhà làm phim.

"Đây là nỗ lực chung của các quốc gia khác và do đó, là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia" – ông Trump cho biết trong một bài đăng trên tài khoản mạng xã hội Truth Social.

Ông cho biết đã ủy quyền cho các cơ quan chính phủ có liên quan, chẳng hạn như Bộ Thương mại ngay lập tức bắt đầu quá trình áp dụng mức thuế 100% đối với tất cả các bộ phim được sản xuất ở nước ngoài sau đó được phân phối tại thị trường Mỹ.

Ông nhấn mạnh: "Một lần nữa chúng tôi muốn phim được sản xuất tại Mỹ!”. Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Howard Lutnick đăng trên tài khoản mạng xã hội X đáp lại rằng: "Chúng tôi đang thực hiện".

Cả Lutnick và Trump đều không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về cách thức áp dụng mức thuế.

Không rõ liệu mức thuế này có áp dụng cho phim chiếu trên các dịch vụ phát trực tuyến cũng như phim chiếu rạp hay không, hay chúng sẽ được tính dựa trên chi phí sản xuất hay doanh thu phòng vé. Các giám đốc điều hành các hãng phim ở Hollywood đang cố gắng tìm hiểu thêm các chi tiết về tuyên bố trên.

Hoạt động sản xuất phim và truyền hình đã rời khỏi Hollywood trong nhiều năm, hướng đến các địa điểm có ưu đãi thuế giúp việc quay phim rẻ hơn.

Các chính phủ trên khắp thế giới đã tăng tín dụng và hoàn tiền mặt để thu hút các hoạt động sản xuất và nắm giữ phần lớn hơn trong số 248 tỷ đô la sẽ được chi trên toàn cầu vào năm 2025 để sản xuất nội dung phim, theo ước tính của Ampere Analysis. Tất cả các công ty truyền thông lớn, bao gồm Walt Disney, Netflix và Universal Pictures quay phim ở nước ngoài tại các quốc gia như Canada và Anh.

Ông Trump tuyên bố áp thuế lên các sản phẩm phim sản xuất ở nước ngoài để cứu ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ - Ảnh: Reuters

Ông Trump tuyên bố áp thuế lên các sản phẩm phim sản xuất ở nước ngoài để cứu ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ - Ảnh: Reuters

Theo công ty nghiên cứu ProdPro, vào năm 2023, khoảng một nửa chi tiêu cho các dự án phim và truyền hình có ngân sách hơn 40 triệu đô la đã được chi ra bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Theo FilmLA, một tổ chức phi lợi nhuận theo dõi hoạt động sản xuất của khu vực, hoạt động sản xuất phim và truyền hình đã giảm gần 40% trong thập kỷ qua tại thành phố quê hương của Hollywood là Los Angeles.

Các vụ cháy rừng vào tháng 1 đã làm dấy lên mối lo ngại rằng các nhà sản xuất có thể tìm kiếm hoạt động sản xuất phim bên ngoài Los Angeles và các nhà quay phim, nhà thiết kế trang phục, kỹ thuật viên âm thanh và những người làm việc hậu trường khác có thể chuyển hoạt động ra khỏi thành phố thay vì cố gắng xây dựng lại các studio của họ.

Một cuộc khảo sát của ProdPro đối với các giám đốc điều hành cho thấy bang California là địa điểm được ưa chuộng thứ sáu để quay phim trong hai năm tới, sau Toronto (Canada), Anh, Vancouver (Canada), khu vực Trung Âu và Úc.

Các nhà sản xuất và công đoàn lao động của Hollywood đã thúc giục thống đốc bang California - Gavin Newsom tăng cường các ưu đãi thuế của tiểu bang để cạnh tranh tốt hơn với các địa điểm sản xuất phim khác bên ngoài nước Mỹ.

Thuế phim do ông Trump đề xuất xuất hiện sau một loạt các cuộc xung đột thương mại do chính quyền của ông khởi xướng, đã làm xáo trộn thị trường và dẫn đến lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ.

Cựu quan chức cấp cao của Bộ Thương mại William Reinsch, thành viên cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết hành động trả đũa đối với thuế phim của Trump sẽ gây ra hậu quả tàn khốc.

"Hành động trả đũa sẽ giết chết ngành công nghiệp của chúng ta. Chúng ta sẽ mất nhiều hơn là được" - ông nói, đồng thời nhận định rằng sẽ rất khó để đưa ra lý do an ninh quốc gia hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia để áp thuế đối với phim ảnh.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/ong-trump-ap-thue-100-doi-voi-phim-san-xuat-o-nuoc-ngoai-de-cuu-hollywood_177625.html
Zalo