Thực chất, tác động của thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine qua các góc nhìn

Sau nhiều lần thương thảo căng thẳng, thậm chí suýt đổ vỡ, Ukraine và Mỹ đã hoàn tất ký thỏa thuận khoáng sản, với nhiều điểm mới. Các bên, trong và ngoài cuộc có cái nhìn khác nhau về thỏa thuận.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko ký thỏa thuận khoáng sản tại thủ đô Washington D.C, ngày 30/4. (Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko ký thỏa thuận khoáng sản tại thủ đô Washington D.C, ngày 30/4. (Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ)

Thắng lợi của Ukraine

Theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, thỏa thuận khoáng sản mang lại nhiều lợi ích lớn. Một là, hai bên cùng có lợi và công bằng cho Ukraine; “không bên nào nắm quyền bỏ phiếu áp đảo”, chia doanh thu (tiền cấp phép khai thác khoáng sản và các khoản thu nhập khác) từ tài nguyên của Ukraine theo tỷ lệ 50/50 và không liên quan bất kỳ khoản nợ nào từ viện trợ trước đó.

Hai là, tạo cơ hội thu hút đầu tư tái thiết, trong điều kiện Ukraine gặp nhiều khó khăn về tài chính và EU khó đáp ứng nhu cầu rất lớn của Kiev. Thỏa thuận củng cố mối quan hệ kinh tế với Mỹ, cùng với sự hỗ trợ của EU mang lại sự bảo đảm an ninh cho Ukraine.

Ba là, Ukraine hy vọng sự hiện diện của Mỹ với tuyên bố “hỗ trợ cho an ninh, thịnh vượng, tái thiết, hội nhập vào khuôn khổ kinh tế toàn cầu” là cam kết mạnh mẽ về việc Washington tiếp tục hỗ trợ quân sự, tài chính lâu dài, không bỏ rơi Kiev.

Bốn là, thỏa thuận khoáng sản tạo áp lực lớn, ngăn chặn hành động quân sự của Nga vào các khu vực có doanh nghiệp Mỹ hoạt động; cản trở hợp tác giữa Washington và Moscow và việc công nhận quyền quản lý của Nga đối với các vùng sáp nhập.

Mỹ thu lợi, nhưng không dễ

Tổng thống Donald Trump đánh giá, thỏa thuận trao cho Mỹ quyền ưu tiên khai thác khoáng sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng, trong đó có đất hiếm rất cần thiết cho sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp quốc phòng và đầu tư tái thiết Ukraine; hạn chế tác động từ đòn ngưng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc.

Thỏa thuận mang lại nguồn lợi kinh tế lâu dài (bán vũ khí và khai thác tài nguyên, đầu tư tái thiết), giá trị lớn hơn nhiều khoản viện trợ vũ khí thiết bị quân sự và hỗ trợ tài chính lên đến 350 triệu USD dưới thời Tổng thống Joe Biden. Nếu không có thỏa thuận, Mỹ khó thu lại tiền viện trợ, cung cấp vũ khí cho một nước kiệt quệ vì xung đột như Ukraine.

Thỏa thuận khoáng sản bảo đảm sự hiện diện chiến lược, lợi ích lâu dài của Mỹ tại Ukraine. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản. Khai thác khoáng sản, nhất là đất hiếm không chỉ cần vốn, công nghệ cao mà thời gian cũng phải 10 năm. Trữ lượng đất hiếm mới chỉ là ước tính, một phần quan trọng thuộc vùng Nga kiểm soát. Các doanh nghiệp Mỹ buộc phải tính toán khi đầu tư lớn vào lĩnh vực đầy rủi ro, tại một nước đang có xung đột, chưa biết khi nào chấm dứt.

Nga chỉ rõ thực chất

Ngay sau khi Mỹ và Ukraine ký thỏa thuận khoáng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev bình luận, Tổng thống Trump đã gây sức ép buộc chính quyền Kiev trả tiền viện trợ bằng tài nguyên khoáng sản và “bây giờ Ukraine sẽ phải sử dụng tài nguyên quốc gia để trả tiền cho vũ khí trang bị quân sự”.

Phát biểu của ông Dmitry Medvedev chỉ rõ thực chất của thỏa thuận khoáng sản là chính quyền Kiev đổi chủ quyền tài nguyên lấy viện trợ quân sự Mỹ; buộc phải chi trả cho các khoản viện trợ trong tương lai. Nó chứng tỏ tình thế và sự phụ thuộc ngày càng tăng của Ukraine vào viện trợ nước ngoài.

Trước đó, Moscow bày tỏ sẵn sàng hợp tác kinh tế, khai thác khoáng sản với Mỹ tại Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson và trên lãnh thổ Nga. Thỏa thuận giữa Mỹ và Ukraine không có giá trị tại 4 tỉnh mà Nga đã sáp nhập. Mỹ cần đàm phán với Nga để khai thác khoáng sản.

Khai thác khoáng sản, nhất là đất hiếm không chỉ cần vốn, công nghệ cao mà thời gian cũng phải 10 năm. (Ảnh tạo từ AI)

Khai thác khoáng sản, nhất là đất hiếm không chỉ cần vốn, công nghệ cao mà thời gian cũng phải 10 năm. (Ảnh tạo từ AI)

Thấy gì sau thỏa thuận khoáng sản

Ukraine và Mỹ tuyên bố đầy hào hứng về thỏa thuận khoáng sản vừa ký kết, nhưng dư luận quốc tế có các góc nhìn khác nhau về thực chất, hiệu quả và tác động của nó.

Thứ nhất, thỏa thuận mang yếu tố chính trị, kinh tế, thiếu cam kết cụ thể, rõ ràng về bảo đảm an ninh. Tuyên bố “hỗ trợ an ninh, thịnh vượng, tái thiết…” cho Ukraine mới chỉ là lời hứa; tác động ngăn chặn hợp tác Mỹ-Nga và gây sức ép với Nga vẫn ở dạng tiềm năng, phụ thuộc lớn vào khả năng hiện thực hóa của Kiev, Washington cũng như đối sách của Moscow.

Kinh tế là điểm nổi bật nhưng chưa rõ các khoản đầu tư tài chính thực sự. Ngân sách hỗ trợ, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Washington ngày càng được kiểm soát chặt chẽ. Giá trị viện trợ vũ khí là nguồn đầu tư chính của chính phủ Mỹ vào “Quỹ đầu tư chung” giữa Mỹ và Ukraine và Washington sẽ khấu trừ lợi nhuận để thanh toán cho khoản viện trợ.

Mỹ “nắm dao đằng chuôi” khi ràng buộc thỏa thuận khoáng sản không phụ thuộc sự thay đổi thể chế chính trị trong tương lai của Kiev. Nghĩa là, Washington có quyền thu lợi lâu dài với nguồn tài nguyên khoáng sản ở Ukraine và món nợ Ukraine phải trả càng lớn khi xung đột càng kéo dài.

Thứ hai, thỏa thuận khoáng sản có những hạn chế, mặt trái. Với những điểm mập mờ nêu trên, chuyên gia quốc tế cho rằng thỏa thuận là “ván cược mơ hồ” chứa nhiều ẩn số của chính quyền Kiev.

Một số nghị sĩ Ukraine nhìn nhận, thỏa thuận thiếu (không công bố) nội dung chi tiết quan trọng, nên “chứa nhiều cạm bẫy”, hạn chế quyền quản lý. Thỏa thuận dành cho Mỹ nhiều đặc quyền kinh tế và hạn chế sự chia sẻ tài nguyên, hợp tác kinh tế với các đối tác châu Âu. Nghĩa là dễ làm mất lòng đồng minh lớn kề cận, đang nỗ lực hỗ trợ Ukraine.

Với mặt được và hạn chế như vậy, tờ Le Monde (Pháp) đánh giá, thỏa thuận khoáng sản với Mỹ là sự “thỏa hiệp ít tồi tệ nhất” cho Ukraine trong bối cảnh hiện nay.

Thứ ba, Mỹ lại quay xe. Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn giấy phép bán lô vũ khí thiết bị quân sự giá trị 50 triệu USD và gói hỗ trợ đào tạo, hoạt động của máy bay F-16 trị giá 310 triệu USD. Đây là những thương vụ quân sự đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump cho Ukraine. Sự thay đổi lớn là Mỹ chuyển từ cơ chế hỗ trợ sang cung cấp vũ khí trang bị quân sự theo hình thức thương mại.

Ngày 2/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết, Washington sẽ không còn đóng vai trò trung gian đàm phán ngừng bắn, chấm dứt xung đột giữa Moscow và Kiev. Tuyên bố này nhằm vào cả hai bên.

Cùng với đó, Washington chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào ngành năng lượng, ngân hàng Nga; cảnh báo lệnh trừng phạt thứ cấp áp thuế đến 500% với các nước mua dầu và các sản phẩm chủ lực của Moscow. Qua đó, “triệt nguồn sống” của Nga, tạo lợi thế cho Mỹ, gây áp lực buộc Moscow nhượng bộ.

Quá trình thương thảo, ký kết thỏa thuận khoáng sản cũng như xử lý mối quan hệ với Nga cho thấy chiến lược của Mỹ là hứa hẹn lợi ích, kết hợp răn đe, gây áp lực tối đa, đẩy đối thủ vào thế bị động, buộc phải nhượng bộ. Mỹ thay đổi cách tiếp cận giải quyết xung đột và quan hệ với Nga, nhằm bảo đảm lợi ích của mình. Thay đổi là chuyện không lạ với Mỹ.

Thứ tư, động thái mới của Mỹ không làm thay đổi căn bản cục diện xung đột. Thỏa thuận khoáng sản cũng như những thay đổi cách tiếp cận của Mỹ mang lại cho Ukraine và EU những hy vọng, phần nào khỏa lấp tâm trạng bị xa lánh.

Động thái mới của Mỹ và EU khó có thể vượt qua mức viện trợ cao cho Ukraine dưới thời Tổng thống Joe Biden và khi EU đang sung sức. Trước đây viện trợ không làm Nga thất bại, thì bây giờ cũng vậy. Nó gây thêm cho Moscow không ít khó khăn và kéo dài xung đột, nhưng không thể đảo ngược cục diện. Vô hình trung, việc Mỹ từ bỏ vai trò trung gian sẽ tạo cho Nga quyền quyết định kết cục xung đột theo cách của mình.

***

Điều tốt nhất để giải quyết xung đột là các bên, cả trực tiếp và gián tiếp, “biết mình, biết người”, điều chỉnh cách tiếp cận phù hợp với thực tế, có nhượng bộ hợp lý, để mang lại lợi ích chung, cơ bản, lâu dài.

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuc-chat-tac-dong-cua-thoa-thuan-khoang-san-giua-my-va-ukraine-qua-cac-goc-nhin-313162.html
Zalo